Cách mạng Tháng Tám năm 1945 chưa bao giờ là “sự ăn may”

Cập nhật ngày: 30/08/2015 08:41:59

Đâu đó vẫn có những tiếng nói lạc lõng, muốn phủ nhận giá trị của Cách mạng Tháng Tám, coi thắng lợi của nhân dân Việt Nam là “sự ăn may”.

Giữa lúc nhân dân Việt Nam đang náo nức chuẩn bị kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám thành công, một sự kiện có ý nghĩa lịch sử to lớn trong công cuộc dựng nước và giữ nước thì đâu đó vẫn có những tiếng nói lạc lõng, muốn phủ nhận giá trị của Cách mạng Tháng Tám, coi thắng lợi của nhân dân Việt Nam là “sự ăn may”.

Họ cho rằng, từ sau cuộc đảo chính ngày 9/3/1945, Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng là thuộc địa của Nhật. Trong khi đó, phát xít Nhật đã bị quân Đồng minh đánh bại và tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Như vậy, ở Đông Dương xuất hiện “khoảng trống quyền lực”, cho nên cách mạng chỉ cần nổ ra là giành thắng lợi (?). 

Trong cuộc phỏng vấn của phóng viên VOV, PGS. TS Vũ Quang Hiển - Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) cho rằng: Đây là sự xuyên tạc lịch sử và chưa bao giờ, Cách mạng Tháng Tám là “sự ăn may”.

PV: Thưa ông, là một nhà nghiên cứu lịch sử, ông đánh giá đâu là nguyên nhân chính dẫn đến thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945?

PGS.TS Vũ Quang Hiển: Cách mạng Tháng Tám thành công do nhiều nguyên nhân khác nhau. Một trong những nguyên nhân quan trọng là sự kết hợp giữa sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.


PGS.TS Vũ Quang Hiển - Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội

Sức mạnh dân tộc thể hiện ở sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng trong Mặt trận Việt Minh với các đoàn thể mang tên cứu quốc.

Đó là sức mạnh của lực lượng vũ trang. Mặc dù mới được xây dựng, còn ít về số lượng, thiếu thốn về trang bị và non kém về trình độ tác chiến nhưng có vai trò hết sức quan trọng trong hoạt động vũ trang tuyên truyền, diệt ác trừ gian, cũng như hoạt động chiến tranh du kích cục bộ trước Tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

Sức mạnh dân tộc của Cách mạng Tháng Tám chính là sự vùng dậy của toàn dân, kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, trong đó các cuộc khởi nghĩa của quần chúng ở thành thị nhằm vào các cơ quan đầu não của kẻ thù có vai trò quyết định thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám.

Bên cạnh sức mạnh của dân tộc thì cần phải nói đến sức mạnh thời đại, sức mạnh của phe Đồng minh đánh thắng Chủ nghĩa Phát-xít trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, trực tiếp là quân phiệt Nhật Bản, buộc Nhật Bản phải đầu hàng Đồng minh vô điều kiện. Điều đó làm cho Nhật và các thế lực tay sai ở Đông Dương hoang mang.

Quân đội Nhật mất hết tinh thần, tạo ra cơ hội vô cùng thuận lợi để nhân dân Việt Nam đứng lên giành chính quyền. Việc chuẩn bị lực lượng đầy đủ và nổ ra đúng thời cơ đã khiến cho Cách mạng Tháng Tám giành được thắng lợi nhanh, gọn, ít đổ máu.

PV: Phải chăng cũng vì thời cơ thuận lợi, cách mạng nổ ra ít đổ máu cho nên có ý kiến cho rằng, Cách mạng Tháng Tám là "sự ăn may", thưa ông?

PGS.TS Vũ Quang Hiển: Tôi đã từng nghe những luận điểm như vậy nhiều lần. Nhưng tôi cho rằng, nói như thế là hoàn toàn phiến diện.

Nhìn vào lịch sử thì thấy, cùng vào thời điểm năm 1945, không phải bất cứ nơi nào đang chịu ách chiếm đóng của Phát-xít đều có thể bùng nổ cách mạng và giành thắng lợi.

Chỉ có quốc gia nào có sự chuẩn bị chu đáo, có sự lãnh đạo của Đảng tiên phong, chớp được thời cơ và huy động được sức mạnh của toàn dân tộc thì mới có khả năng giành được chính quyền.

Điều đó bác bỏ những luận thuyết cho rằng, do thời cơ quá thuận lợi như vậy cho nên việc giành chính quyền quá đơn giản.

Cũng cần nói rằng, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám không phải là thành quả của một số ngày mà là kết quả của một quá trình đấu tranh lâu dài, gian khổ của dân tộc Việt Nam vì độc lập tự do gần một thế kỷ, là kết quả của quá trình chuẩn bị lực lương lâu dài dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản từ năm 1930 mà trực tiếp là cuộc vận động cứu nước giai đoạn 1939-1945.

Trong suốt quá trình lịch sử lâu dài đó, máu của các chiến sĩ cách mạng và đồng bào đã đổ xuống trên mặt trận chống đế quốc và tay sai.

Đến thời điểm tháng 8/1945, mặc dù ở Việt Nam lúc bấy giờ có nhiều lực lượng chính trị khác nhau, kể cả những lực lượng ít nhiều có tinh thần yêu nước, mong muốn dựa vào Nhật hay chủ trương lợi dụng Nhật để giành chính quyền, nhưng họ không có lực lượng thì họ cũng không thể giành được chính quyền.

Nhật chỉ đầu hàng Đồng minh chứ Nhật không đầu hàng nhân dân Việt Nam, đầu hàng dân tộc Việt Nam. Đó là sự thật lịch sử.

Bằng khả năng cách mạng của cả dân tộc, chúng ta mới có khả năng đập tan bộ máy chính quyền của đế quốc tay sai, thiết lập chính quyền cách mạng, đồng thời như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói, phải giành được chính quyền trước khi quân Đồng Minh vào Đông Dương và đứng ở vị thế người làm chủ nước nhà để đón tiếp quân Đồng minh vào giải giáp vũ khí của quân đội Nhật.

Nếu như không có một cuộc cách mạng thành công, không thành lập được chính quyền nhân dân thì đất nước Việt Nam lại dễ dàng chuyển vào tay một thế lực thực dân khác, một chính quyền thuộc địa khác.

Bởi vậy, giá trị của Cách mạng tháng Tám, giá trị của việc giành chính quyền là không thể phủ nhận.

Chính Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ nhận thức được tầm quan trọng của thời cơ mà còn dự báo được thời cơ, đánh giá chính xác thời cơ và kiên quyết chớp thời cơ nổi dậy Tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

PV: Như vậy, không phải nước nào cũng có thể “chớp thời cơ” để làm cuộc cách mạng “long trời lở đất” như Việt Nam, thưa ông?

PGS.TS Vũ Quang Hiển: Đúng vậy. Vấn đề chớp thời cơ còn gắn liền với việc đẩy lùi nguy cơ bởi vì khi thời cơ Cách mạng Tháng Tám xuất hiện – một thời cơ chung cho tất cả các dân tộc thuộc địa đang đứng lên giành độc lập tự do thì có một nguy cơ đang hiện hữu.

Theo Hiệp định Posdam tháng 7/1945, đã phân công cho quân đội các nước Đồng minh phía bắc vĩ tuyến 16 là 200.000 quân đội Trung Hoa dân quốc và phía nam vĩ tuyến 16 là hơn 10.000 quân Anh - Ấn tràn vào Việt Nam.

Nếu như không giành được chính quyền và đứng ra với tư cách người làm chủ đất nước để đón tiếp quân Đồng minh thì các thế lực Đồng minh với bản chất đế quốc hoàn toàn dựng ra một chính quyền trái với ý chí và nguyện vọng của nhân dân Việt Nam.

Những thế lực trước đây từng theo Pháp hay theo Nhật cũng đang tìm cách bắt mối với các thế lực đế quốc. Nếu như không giải quyết tốt vấn đề thời cơ, không đẩy lùi nguy cơ đó thì không thể đưa cách mạng đến thành công.

PV: Theo ông, việc xuyên tạc lịch sử như vậy là nhằm mục đích gì?

PGS-TS Vũ Quang Hiển: Thực chất quan điểm của họ là nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, sức mạnh của quần chúng và đi đến phủ nhận sự nghiệp cách mạng vĩ đại của nhân dân ta.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông.

Bùi Hương Giang/VOV

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn