Cải cách hành chính, không phải cứ hô đến cấp tỉnh là xong
Cập nhật ngày: 18/08/2016 05:54:13
Ngày 17/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác cải cách hành chính (CCHC) giai đoạn 2011-2015 và triển khai kế hoạch CCHC giai đoạn 2016-2020 (ảnh).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, từ thực tế thể chế chưa hoàn thiện, bộ máy cồng kềnh không hiệu quả, cán bộ còn quan liêu, không sát dân, còn nhũng nhiễu... Vì vậy Đảng ta luôn đặt vấn đề phải CCHC, kể cả bộ máy.
“Lần này chúng ta nhìn lại 5 năm công tác CCHC. Vì vậy cần tổng kết thực chất, làm sao đánh giá tình hình và giải pháp phải sát thực tiễn, không phải tổng kết hình thức, phải nói thẳng, nói thật, gai góc những vấn đề còn hạn chế, yếu kém hiện nay trong bộ máy hành chính, đội ngũ cán bộ công chức, cơ chế tiền lương...”, Thủ tướng yêu cầu.
Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta đang bàn về một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, phục vụ nhân dân. Nhưng phải bảo đảm không chỉ nói ở trung ương, mà phải chuyển biến đến cấp xã.
“Trung ương chuyển biến nhưng ở dưới không chuyển biến thì có hiệu quả không? Tôi vẫn nghe phàn nàn về tình trạng tham nhũng, không sát dân, nhũng nhiễu, gây cản trở phát triển. Các đồng chí phải làm rõ điều đó. Phải chỉ rõ những hành động cụ thể nào để mang lại niềm tin cho nhân dân trong CCHC. Không thể cứ hô đến cấp tỉnh là xong”, Thủ tướng yêu cầu. Đặc biệt phải tìm ra những điểm yếu nhất của bộ máy hành chính hiện nay.
Theo Thủ tướng, để CCHC hành công, vấn đề đầu tiên là khâu cán bộ. Bộ máy đông mà không mạnh thì không thể hiệu quả. Hiện nay số lượng công chức đã lớn nhưng số lượng viên chức còn lớn hơn khiến quỹ lương nặng nề, vì vậy phải tìm cách xã hội hóa thế nào, phải tự chủ như thế nào để giảm bộ máy xuống.
“Các đồng chí phải hiến kế tìm được những giải pháp để CCHC thành công, phải cụ thể, mạnh mẽ, không chung chung, dân không nghe đâu. Ví dụ, Chính phủ điện tử thì CNTT phải được áp dụng mạnh mẽ, thủ trưởng có thể nói chuyện đến từng người dân. Minh bạch các thủ tục hành chính trên mạng để dân có thể giám sát sự phục vụ cũng như các vi phạm của cán bộ, bộ máy hành chính trong từng lĩnh vực”, Thủ tướng yêu cầu.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày báo cáo sơ kết công tác CCHC Nhà nước giai đoạn 2011-2015 và triển khai kế hoạch CCHC nhà nước giai đoạn 2016-2020 cho thấy đã đạt nhiều kết quả cải cách về thể chế, TTHC, tổ chức bộ máy nhà nước, đội ngũ công chức, viên chức, hành chính công...
Trong giai đoạn 2011-2015, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành trên 11.700 văn bản chỉ đạo, điều hành công tác CCHC. Triển khai thực hiện Hiến pháp 2013, các bộ, ngành, địa phương đã hệ thống hóa trên 100.000 văn bản quy phạm pháp luật các loại để đề xuất sửa, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành trên 17.000 văn bản. Đến hết năm 2015, các bộ, ngành đã hoàn thành việc thực thi đơn giản hóa đối với 4.525/4.723 TTHC, đạt tỷ lệ gần 96%.
Bộ Nội vụ và một số bộ, ngành, địa phương triển khai ứng dụng phần mềm trực tuyến vào thi tuyển công chức, thi nâng ngạch công chức... Việc hiện đại hóa hành chính cũng có nhiều kết quả: hầu hết các bộ, ngành, địa phương đã triển khai hệ thống thư điện tử chính thức phục vụ công việc; có tới 80% số lượng văn bản hành chính được các cơ quan hành chính trao đổi dưới dạng điện tử. 100% các dịch vụ công cơ bản đã được các bộ, ngành và địa phương cung cấp trực tuyến mức độ 2, từng bước phấn đấu theo hướng chính phủ điện tử, chính quyền điện tử... Theo đánh giá chung, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính được nâng cao rõ rệt...
Tuy nhiên, báo cáo cũng cho rằng, công tác lãnh đạo, chỉ đạo CCHC chưa thực sự quyết liệt. Hệ thống pháp luật còn cồng kềnh, phức tạp. Thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực còn rườm rà, phức tạp. Bộ máy còn cồng kềnh, phức tạp, thiếu ổn định. Thực hiện tinh giản biên chế kém hiệu quả. Tệ cửa quyền, quan liêu, tham nhũng vẫn còn. Một bộ phận cán bộ, công chức suy giảm lý tưởng, lối sống và vi phạm đạo đức công vụ, gây bất bình trong nhân dân.
Giai đoạn 2016-2020, Chính phủ phấn đấu đạt mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết TTHC trên 80% vào năm 2020. Cùng với đó đẩy mạnh cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ công chức viên chức; cải cách hành chính công, hiện đại hóa hành chính...
Theo Phan Thảo/SGGPO