Cảnh báo hoa, cây cảnh dỏm

Cập nhật ngày: 03/02/2016 04:11:30

Trong đa dạng các loại hoa, cây cảnh được bày bán trên thị trường ngày tết, không ít loại được “mông má” hết sức tinh vi, khiến người mua dẫu tinh tường nhưng cũng bị nhầm lẫn. Nhiều người trồng, buôn bán hoa, cây cảnh đã có những thủ thuật “phù phép” biến một cây không hoa trở thành cây có hoa, hoặc một chậu cảnh không có trái, bỗng chốc có cành lộc sum xuê, trái lủng lẳng trông rất đẹp mắt...

Thực ra chỉ rất ít người trồng trực tiếp các sản phẩm hoa, cây cảnh làm các chiêu trò, mà chủ yếu là những người buôn bán lẻ mặt hàng này nghĩ ra cách lừa khách hàng.


Những cây cảnh dỏm bán dạo trên phố

Các loại hoa, cây cảnh bị làm dỏm nhiều nhất phải kể tới: sung, si, sanh, đỗ quyên, hoa hồng, khế, lộc vừng, hải đường, hồng môn... Thậm chí trong những ngày cận tết thì quất cảnh, hoa đào cũng bị “phù phép” hết, nếu như thời tiết không thuận lợi và đào, quất cho hoa, quả không đúng thời điểm... Bọn họ mua rẻ những cây không trái, trụi cành về để “mông má”. Ví dụ, một cây sung cảnh loại nhỏ, cao chưa tới 1m, dáng khá đẹp nhưng không ra trái vào dịp gần tết nên người ta thường lấy các chùm sai trái ở cây sung khác, rồi dùng keo gắn vào thân cây sung cảnh. Họ gắn rất nhiều chùm trái từ gốc lên tới tận ngọn, khiến ai nhìn ngắm cũng đều mê mẩn, thích thú. Công nghệ gắn keo khá tinh vi khi họ biết giấu các mối gắn kết nên nhiều người bị nhầm, cứ ngỡ cây sung ra trái tự nhiên. Không chỉ gắn trái, họ còn phù phép cả cành cây khi gắn vào những chỗ nào đó để tạo dáng đẹp. Khi gắn xong họ thường lấy đất bôi phủ lên các chỗ gắn keo nhằm tránh sự phát hiện của người mua...

Ngoài ra, trên thị trường còn nhiều kẻ còn vô lương tâm tới mức chặt cành cây còn tươi rồi bó bọc đất xung quanh để tạo gốc, trồng vào bồn, chậu mang đi bán để lừa gạt người tiêu dùng. Tôi từng chứng kiến một bà hàng xóm mua cây khế cảnh nho nhỏ, trĩu trái với giá 250.000 đồng, nhưng đó chỉ là cành khế chứ không phải cây khế có gốc rễ, nên chỉ sau 1 ngày lá, trái khế héo rũ rồi rụng xuống. Do mua của người bán dạo trên phố nên dù có bực bội, bà hàng xóm cũng chẳng biết tìm đâu được kẻ lừa đảo để trút giận!

Phụ liệu để “phù phép” ngoài keo dán còn có sợi thép, dây đồng nhỏ li ti, cùng chính hoa của loài cây ấy. Như một chậu hoa đỗ quyên nhỏ chỉ có vài bông, dăm ba nụ hoa, nếu bán cũng chỉ được 50.000 - 70.000 đồng, nhưng nếu gắn cho cây đó thêm chừng 10 bông và dăm bảy nụ hoa nữa là chậu hoa đẹp hơn hẳn và có giá trên trăm ngàn đồng.

Ông Nguyễn Đức Anh, 70 tuổi, một nghệ nhân cây, hoa cảnh lâu năm, chia sẻ: Nếu là cây có trái như sung, khế... phải dùng tay vạch kỹ điểm tiếp nối của những chùm trái, cuống và đài của trái ấy xem chúng có bị làm giả bằng cách gắn keo hay buộc dây. Với các cây hoa như hồng, đỗ quyên, dâm bụt, hải đường... ngoài kiểm tra cẩn thận bằng mắt còn phải dùng tay lay nhẹ xem thân cây có độ vững chãi ở phần tiếp nối với đất hay không? Nếu là cây cắm cành sẽ bung ra khỏi lớp đất ngay tức thì nếu được nhấc nhẹ lên trên...”.

Nguyễn Việt Hưng/SGGP

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn