Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 9/2014

Cập nhật ngày: 01/09/2014 14:28:38

Nghị định về tập đoàn kinh tế nhà nước và tổng công ty nhà nước; đạt giải KHCN được thưởng tới 270 lần lương cơ sở; nhiều ưu đãi đối với HSSV các ngành nghệ thuật truyền thống; doanh nghiệp được giảm hơn 200 giờ khai thuế... là những chính sách mới có hiệu lực thi hành từ tháng 9/2014.


Ảnh minh họa

Nghị định về tập đoàn kinh tế nhà nước và tổng công ty nhà nước có hiệu lực từ 1/9/2014

Theo Nghị định 69/2014/NĐ-CP về tập đoàn kinh tế nhà nước và tổng công ty nhà nước, tập đoàn kinh tế, tổng công ty thành lập theo các hình thức sau: Sáp nhập hoặc hợp nhất doanh nghiệp; mua lại cổ phần hoặc phần vốn góp; đầu tư, góp vốn bằng tài sản hữu hình hoặc vô hình; các hình thức liên kết khác do các doanh nghiệp tự thỏa thuận, không trái các quy định pháp luật.

Chính phủ chỉ xem xét lựa chọn tổng công ty làm nòng cốt hình thành tập đoàn kinh tế và thành lập mới các tập đoàn kinh tế, tổng công ty khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định. Cụ thể, tổng công ty nhà nước được lựa chọn làm nòng cốt hình thành tập đoàn kinh tế phải đáp ứng đầy đủ 6 điều kiện sau: 1- Kinh doanh có lãi trong ba 3 năm liên tiếp liền kề trước năm được lựa chọn; 2- Tình hình tài chính được chủ sở hữu đánh giá ở mức độ bảo đảm an toàn; 3- Trình độ nguồn nhân lực và năng suất lao động cao hơn mức trung bình của các doanh nghiệp khác hoạt động trong cùng ngành, lĩnh vực hoạt động; 4- Trình độ trang thiết bị, công nghệ ở mức tiên tiến; quản lý hiện đại; 5- Quản lý có hiệu quả cổ phần, phần vốn góp tại các doanh nghiệp khác; 6- Hoạt động trong phạm vi toàn quốc và ở nước ngoài.

Nghị định cũng quy định doanh nghiệp bị chi phối không được góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp giữ quyền chi phối trong cùng một tập đoàn kinh tế, tổng công ty. Các doanh nghiệp bị chi phối trong cùng một tập đoàn kinh tế, tổng công ty không được góp vốn, mua cổ phần để sở hữu chéo lẫn nhau...

Đạt giải KHCN được thưởng tới 270 lần lương cơ sở

Theo Nghị định về Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước và các giải thưởng khác về khoa học và công nghệ có hiệu lực từ 15/9/2014, có 4 giải thưởng về khoa học và công nghệ, gồm: 1- Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ; 2- Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ; 3- Giải thưởng của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Nhà nước khác ở Trung ương, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về khoa học và công nghệ; 4- Giải thưởng của các tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức quốc tế, tổ chức, cá nhân nước ngoài về khoa học và công nghệ được đặt ra để xét tặng cho tổ chức khoa học và công nghệ, cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam

Nghị định quy định Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ được xét tặng và công bố 5 năm một lần, vào dịp kỷ niệm ngày Quốc khánh 2/9. Việc xét tặng sẽ được tiến hành ở 3 cấp: Cấp cơ sở; cấp Bộ, ngành, địa phương và cấp Nhà nước.

Tác giả công trình được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ được nhận bằng chứng nhận giải thưởng; được nhận tiền thưởng từ ngân sách nhà nước; được tham dự Lễ trao giải thưởng và được hưởng các quyền lợi khác có liên quan đến giải thưởng.

Về tiền thưởng, Nghị định quy định, tác giả công trình được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ nhận số tiền thưởng tương đương 270 lần mức lương cơ sở. Tác giả công trình được tặng Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ nhận số tiền thưởng tương đương 170 lần mức lương cơ sở tại thời điểm quyết định tặng giải thưởng.

Vi phạm quy định về bán hàng đa cấp phạt đến 100 triệu đồng

Theo Nghị định quy định chi tiết Luật Cạnh tranh về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh, mức tiền phạt tối đa đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh, hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh khác là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức.

Trong đó, hành vi trả cho người tham gia bán hàng đa cấp tổng giá trị hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế khác trong một năm vượt quá 40% doanh thu bán hàng đa cấp trong năm đó của doanh nghiệp bán hàng đa cấp thì sẽ bị phạt tiền từ 40-60 triệu đồng.

Phạt tiền doanh nghiệp bán hàng đa cấp từ 60-100 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Kinh doanh theo phương thức đa cấp mà không đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền; yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải đặt cọc hoặc đóng một khoản tiền nhất định dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp; yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải mua một số lượng hàng hoá dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp; yêu cầu người tham gia bán hàng đa cấp phải trả thêm một khoản tiền dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền duy trì, phát triển hoặc mở rộng mạng lưới bán hàng đa cấp của mình;...

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/9/2014.

Thủ tục tuyển lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài

Theo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam có hiệu lực từ 15/9/2014, khi có nhu cầu sử dụng người lao động Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài phải gửi văn bản đề nghị tuyển người lao động Việt Nam đến tổ chức có thẩm quyền tuyển, quản lý người lao động Việt Nam. Trong văn bản phải nêu rõ yêu cầu về vị trí việc làm, số lượng, trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ, ngoại ngữ, thời hạn cần tuyển; quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động Việt Nam và của tổ chức, cá nhân nước ngoài trong quá trình làm việc và khi thôi việc đối với từng vị trí việc làm cần tuyển.

Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của tổ chức, cá nhân nước ngoài thì tổ chức có thẩm quyền tuyển, quản lý người lao động Việt Nam có trách nhiệm tuyển chọn, giới thiệu người lao động Việt Nam theo đề nghị của tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Hết thời hạn quy định mà tổ chức có thẩm quyền tuyển, quản lý người lao động Việt Nam không tuyển chọn, giới thiệu được người lao động Việt Nam theo đề nghị của tổ chức, cá nhân nước ngoài thì tổ chức, cá nhân nước ngoài được trực tiếp tuyển người lao động Việt Nam.

Trong thời hạn 7 ngày làm việc sau khi ký kết hợp đồng lao động, tổ chức, cá nhân nước ngoài phải thông báo bằng văn bản kèm bản sao hợp đồng lao động đã ký kết với người lao động Việt Nam cho tổ chức có thẩm quyền tuyển, quản lý người lao động Việt Nam.

Điều kiện kinh doanh tiền chất thuốc nổ

Nghị định quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ có hiệu lực từ 15/9/2014.

Về điều kiện kinh doanh tiền chất thuốc nổ, Nghị định quy định tổ chức kinh doanh tiền chất thuốc nổ phải là doanh nghiệp được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận theo đề nghị của Bộ Công Thương, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng; đồng thời, phải có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, trong đó có ngành nghề liên quan đến hóa chất hoặc vật liệu nổ công nghiệp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

Ngoài ra, tổ chức kinh doanh tiền chất thuốc nổ còn phải đảm bảo một số yêu cầu về cơ sở vật chất - kỹ thuật; đảm bảo an toàn hóa chất và nhân lực.

Nhiều ưu đãi đối với HSSV các ngành nghệ thuật truyền thống

Theo Quyết định về chế độ ưu đãi đối với học sinh, sinh viên các ngành nghệ thuật truyền thống và đặc thù trong các trường văn hóa - nghệ thuật đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành, chế độ ưu đãi đối với học sinh, sinh viên học các ngành nghệ thuật truyền thống và đặc thù trong các trường văn hoá - nghệ thuật công lập và ngoài công lập, gồm: Nhạc công kịch hát dân tộc, nhạc công truyền thống Huế, đờn ca tài tử Nam Bộ, diễn viên sân khấu kịch hát, nghệ thuật biểu diễn dân ca, nghệ thuật ca trù, nghệ thuật bài chòi, biểu diễn nhạc cụ truyền thống.

Học sinh, sinh viên theo học tại các cơ sở đào tạo văn hoá - nghệ thuật sẽ được giảm học phí, được hưởng chế độ bồi dưỡng nghề, được trang bị trang phục học tập.

Quyết định có hiệu lực từ 9/9/2014.

Doanh nghiệp được giảm hơn 200 giờ khai thuế

Theo Thông tư số 119/2014/TT-BTC về cải cách, đơn giản thủ tục hành chính thuế, bỏ quy định khai và tính thuế GTGT đối với hàng hóa, bán sản phẩm tiếp tục quá trình SXKD. Bỏ quy định khai và tính thuế GTGT đối với hàng hóa xuất khẩu bị trả lại phải nhập khẩu khẩu trở lại.

Bỏ mức 1 tỷ đồng về điều kiện tài sản, máy móc, thiết bị đầu tư, mua sắm đối với DN mới thành lập để đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế. Bỏ điều kiện hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ trong điều kiện hồ sơ, thủ tục hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu (cơ sở kinh doanh sử dụng ngay hóa đơn thương mại trong hồ sơ hải quan).

Bỏ quy định phải lập hóa đơn, kê khai, tính nộp thuế đối với xuất máy móc, thiết bị, vật tư, hàng hóa dưới hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả nếu có hợp đồng và chứng từ liên quan đến giao dịch phù hợp.

Bỏ 12 chỉ tiêu tại các bảng kê hóa đơn hàng hóa dịch vụ mua vào; bán ra; v.v...

Theo Bộ Tài chính, việc loại bỏ những nội dung nói trên sẽ giảm được 201,5 giờ tính thuế, khai thuế cho DN.

Thông tư có hiệu lực thi hành từ 1/9/2014.

Điều chỉnh kinh phí xây dựng văn bản quy phạm pháp luật

Theo Thông tư liên tịch 92/2014/TTLT-BTC-BTP-VPCP, kể từ ngày 1/9/2014, một số định mức chi cho các nội dung trong các hoạt động xây dựng văn bản và hoàn thiện hệ thống pháp luật được điều chỉnh tăng so với quy định hiện hành tại Thông tư liên tịch số192/2010/TTLT-BTC-BTP-VPCP ngày 02/12/2010.

Cụ thể, về chi soạn thảo đề cương chi tiết dự thảo văn bản: đối với dự án luật, pháp lệnh soạn thảo mới hoặc thay thế thì mức chi tối đa sẽ là 4,5 triệu đồng/đề cương thay cho mức 3 triệu đồng/đề cương hiện hành.

Đối với dự án luật, pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều, mức chi tối đa được điều chỉnh từ 2,5 triệu đồng/đề cương lên 3,8 triệu đồng/đề cương.

Đối với quyết định của Thủ tướng Chính phủ, công tác soạn thảo văn bản mới hoặc thay thế được điều chỉnh mức chi từ 1,5 triệu đồng/đề cương lên 2,3 triệu đồng/đề cương. Trường hợp soạn thảo văn bản sửa đổi, bổ sung một số điều, mức chi tối đa là 1,5 triệu đồng/đề cương thay mức 1 triệu đồng/đề cương...

Có ngoại tệ, được sử dụng như thế nào?

Theo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối, người cư trú, người không cư trú là cá nhân có ngoại tệ tiền mặt được quyền cất giữ, mang theo người, cho, tặng, thừa kế, bán cho tổ chức tín dụng được phép, chuyển, mang ra nước ngoài theo các quy định tại Nghị định này, thanh toán cho các đối tượng được phép thu ngoại tệ tiền mặt.

Người cư trú là công dân Việt Nam được sử dụng ngoại tệ tiền mặt để gửi tiết kiệm ngoại tệ tại tổ chức tín dụng được phép, được rút tiền gốc, lãi bằng đồng tiền đã gửi.

Nghị định có hiệu lực từ 5/9/2014.

Hướng dẫn quản lý ngoại hối trong kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng

Thông tư số 15/2014/TT-NHNN hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài có hiệu lực thi hành từ 6/9/2014.

Thông tư quy định mệnh giá của đồng tiền quy ước ghi bằng đồng Việt Nam hoặc bằng một loại ngoại tệ chuyển đổi. Doanh nghiệp thực hiện quy đổi mệnh giá đồng tiền quy ước sang đồng Việt Nam hoặc các loại ngoại tệ. Tỷ giá chuyển đổi căn cứ theo tỷ giá niêm yết của ngân hàng được phép nơi doanh nghiệp mở tài khoản chuyên dùng ngoại tệ.

Người chơi được đổi đồng tiền quy ước ra ngoại tệ hoặc đồng Việt Nam trong trường hợp không chơi hết hoặc trúng thưởng bằng đồng tiền quy ước tại doanh nghiệp và được sử dụng số ngoại tệ đổi từ đồng tiền quy ước để thực hiện các giao dịch quy định.

Ngoài ra, Thông tư cũng quy định, phạm vi thu, chi ngoại tệ và các hoạt động ngoại hối khác đối với doanh nghiệp; mở và sử dụng tài khoản chuyên dùng ngoại tệ;…

Hoàng Diên/VGP News

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn