Chủ động phòng, chống thiên tai những tháng cuối năm

Cập nhật ngày: 04/08/2016 08:22:43

Do ảnh hưởng của hiện tượng En Ni-nô và biến đổi khí hậu, từ đầu năm đến nay, thiên tai xảy ra ít hơn về số lượng. Tuy nhiên, cường độ tác động lại ở mức cao kỷ lục, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, sản xuất của người dân. Theo dự báo, những tháng cuối năm, tình hình thiên tai còn diễn biến tiếp tục phức tạp, khó lường. Chính vì vậy, công tác phòng, chống cần được đặt lên hàng đầu, với nhiều giải pháp đồng bộ, nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại.


Lực lượng vũ trang Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội khẩn trương thu dọn cây xanh bị gãy đổ do ảnh hưởng của cơn bão số 1. Ảnh: ĐĂNG KHOA

Thiên tai ít - thiệt hại lớn

Khốc liệt hơn, phức tạp hơn, khó lường hơn, nóng hơn, khô hơn, mưa lũ nhiều hơn, đó là nhận định của Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư Hoàng Đức Cường khi nói về tình hình thời tiết khí hậu năm 2016. Và thực tế đã chứng minh, ngay từ đầu năm 2016, do ảnh hưởng của không khí lạnh có cường độ mạnh liên tục, các tỉnh miền bắc đã xảy ra rét hại trên diện rộng. Toàn khu vực xuất hiện mưa trên diện rộng, nhiều nơi đã xuất hiện băng giá và mưa tuyết, như ở Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Sa Pa (Lào Cai)… Một số nơi rất hiếm khi có mưa tuyết như Ba Vì (Hà Nội), Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Mộc Châu (Hòa Bình), Kỳ Sơn (Nghệ An) đã xuất hiện tuyết trong ngày 24-1, gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi. Đặc biệt nghiêm trọng là đợt hạn hán, xâm nhập mặn kỷ lục tại đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Từ cuối năm 2015 đến nay, khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ có lượng mưa rất thấp. Hiện nay, hồ chứa thủy lợi, thủy điện ở khu vực này mới đạt 25-40% dung tích thiết kế, thấp hơn cùng kỳ năm 2015, nhiều hồ đã cạn nước, các đập dâng phần lớn không còn khả năng cấp nước, nhiều hồ thủy điện đã hạn chế phát điện, tập trung cung cấp nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Còn tại Tây Nguyên, hạn hán đã xảy ra trên diện rộng, chiếm tới 70% diện tích canh tác. Các tỉnh bị hạn hán nghiêm trọng là Đác Lắc, Gia Lai, Kon Tum, Ninh Thuận, Bình Thuận…

Không riêng gì Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cũng phải gánh chịu một đợt hán hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng. Nguyên nhân phần lớn do ảnh hưởng của hiện tượng En Ni-nô cộng thêm vào là năm 2015 không có lũ, cho nên lượng nước trữ trong hệ thống thủy lợi và các vùng thấp trũng bị thiếu hụt, kèm theo mùa mưa đến muộn và kết thúc sớm, dòng chảy thượng nguồn sông Mê Công bị giảm, mực nước thấp nhất trong 90 năm qua. Tình trạng nêu trên đã dẫn đến xâm nhập mặn sớm hơn gần hai tháng so cùng kỳ trung bình nhiều năm, phạm vi xâm nhập mặn vào đất liền sâu lên đến hơn 90 km (chưa từng xuất hiện trong lịch sử quan trắc xâm nhập mặn). Đã có 10 trong số 13 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng do xâm nhập mặn, sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại nặng nề, thiếu nước ngọt nghiêm trọng.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong sáu tháng đầu năm 2016, hạn hán, xâm nhập mặn, rét đậm, rét hại, lốc, sét đã làm 42 người chết và mất tích, 108 người bị thương; gần 400 nghìn hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Ngoài ra, các loại hình thiên tai còn làm 665 nhà sập, bị cuốn trôi, hơn 22 nghìn nhà bị ảnh hưởng tốc mái, xiêu vẹo. Về nông nghiệp đã có hơn 324 nghìn ha lúa, gần 50 nghìn ha hoa màu, hơn 126 nghìn ha cây ăn quả, cây công nghiệp bị úng ngập, hư hại; hơn 40 nghìn con gia súc, hơn 62 nghìn con gia cầm chết; diện tích đất sản xuất bị thiếu nước lên tới hơn 63 nghìn ha… Tổng thiệt hại về sản xuất ước khoảng gần 17 nghìn tỷ đồng.

Hỗ trợ kịp thời, chủ động phòng, tránh

Nhận thức rõ tính khốc liệt của thiên tai, ngay từ đầu năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chỉ thị về việc tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn giai đoạn 2016-2020 và chỉ thị về thực hiện ngay các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn, mặn xâm nhập. Đặc biệt, để giúp người dân vùng bị ảnh hưởng ổn định đời sống, khôi phục sản xuất, đã tổ chức hỗ trợ các địa phương bị hạn hán, xâm nhập mặn 1.165,6 tỷ đồng và 21.020 tấn gạo.

Để thực hiện tốt công tác phòng, chống thiên tai trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Luật Phòng, chống thiên tai và các văn bản hướng dẫn xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai cấp quốc gia, kế hoạch phòng, chống thiên tai và phương án ứng phó tương ứng với các cấp độ rủi ro thiên tai, nhất là triển khai, hành động quyết liệt đến cấp cơ sở (xã, huyện); thành lập và hoạt động Quỹ Phòng, chống thiên tai; rà soát, đánh giá công tác quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng, dân cư, đô thị bảo đảm an toàn với các tình huống thiên tai như hạn hán, lũ lớn, bão mạnh, siêu bão, mưa lớn…

Nội dung đề xuất của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai cũng nêu rõ, các cơ quan chức năng ở T.Ư và địa phương cần nâng cao năng lực, cơ sở hạ tầng phục vụ việc dự báo, cảnh báo các thiên tai như hạn hán, mưa lớn cực đoan, lũ, lũ quét, sạt lở đất...; khẩn trương hoàn thành việc đánh giá phân vùng rủi ro, lập bản đồ cảnh báo thiên tai, sạt lở đất làm cơ sở để các bộ, ngành, các địa phương thực hiện; tăng cường năng lực trang thiết bị, cơ sở vật chất, xây dựng lực lượng chuyên nghiệp làm công tác phòng, chống thiên tai; ưu tiên bố trí nguồn dự phòng ngân sách để hỗ trợ các địa phương.

Thêm vào đó, các địa phương cần sớm kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn của các hồ chứa nước, đê điều và công trình phòng, chống thiên tai khác. Đối với những hồ không bảo đảm an toàn, thực hiện giảm dung tích hoặc không trữ nước vào hồ trong mùa mưa bão. Rà soát, kiểm tra, đánh giá chính xác các vị trí, tuyến đường giao thông trọng điểm xung yếu về sạt lở, nhất là đối với các tuyến đường đang thi công để có phương án bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng khắc phục khi có sự cố; rà soát công tác đăng ký, đăng kiểm, quản lý hoạt động các phương tiện, nhất là các phương tiện vận tải hành khách bảo đảm an toàn trong mùa mưa, lũ; rà soát, đánh giá các khu dân cư ven sông, suối, xác định khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất làm cơ sở để lập quy hoạch xây dựng hạ tầng, sắp xếp bố trí dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Trong những năm qua, nhiều hệ thống công trình phòng, chống thiên tai lớn đã được xây dựng và đưa vào sử dụng như các hệ thống đê sông, đê biển, với tổng chiều dài lên tới hơn 10 nghìn km; 6.648 hồ chứa thủy lợi, quy hoạch và xây dựng 70 khu neo đậu tàu, thuyền tránh trú bão. Đồng thời tiến hành di dời hơn 71 nghìn hộ dân vùng thiên tai nguy hiểm đến nơi ở mới an toàn. Bên cạnh đó, hoàn thành và triển khai thực hiện quy hoạch hệ thống báo động trực canh cảnh báo sóng thần cho vùng có nguy cơ cao; lắp đặt thiết bị kết nối vệ tinh và giám sát cho 3.000 tàu cá khai thác hải sản xa bờ; xây dựng hệ thống kiểm soát tàu, thuyền ra vào các cảng cá, bến cá, khu neo đậu, chủ động hạn chế, phòng ngừa thiệt hại do thiên tai gây ra.

Theo Tiến Đạt/NDĐT

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn