Công tác thanh tra quý II-2013: Phát hiện nhiều sai phạm trong quản lý

Cập nhật ngày: 20/07/2013 10:23:46

2.270 cuộc thanh tra hành chính được thanh tra các bộ, ngành và địa phương thực hiện trong quý II-2013 cho thấy, công tác quản lý trong nhiều lĩnh vực còn bất cập, khiếu nại tố cáo gia tăng và tình hình tham nhũng còn phức tạp. Đây là những vấn đề được quan tâm tại cuộc họp báo công bố kết quả hoạt động quý II-2013 của Thanh tra Chính phủ diễn ra ngày 19-7.


Công tác quản lý của Tập đoàn Bưu chính viễn thông
ở một số khâu chưa thực hiện đúng quy định. Ảnh: Thanh Hải

Công tác quản lý còn nhiều kẽ hở

Trong quý II, Thanh tra Chính phủ đã ban hành kết luận 7 cuộc thanh tra. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo xử lý sau thanh tra đối với kết luận thanh tra tại Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam. Cụ thể, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 105,8 tỷ đồng (các khoản về thuế do tập đoàn và các đơn vị thành viên chưa thực hiện và thực hiện chưa đúng quy định); kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý 4.907 tỷ đồng gồm các khoản nợ phải thu khó đòi, giá trị dịch vụ viễn thông công ích chưa thanh toán, trích lập dự phòng...

Thanh tra Đề án kiên cố hóa trường, lớp học, nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008-2010, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh cho biết, các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực thực hiện Đề án, góp phần cải thiện đời sống, chất lượng giảng dạy, học tập của giáo viên, học sinh vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn có sai sót và đã được chấn chỉnh để triển khai Đề án tốt hơn trong giai đoạn tiếp theo. Thanh tra Chính phủ cũng đã tiến hành thanh tra đối với thị trường chứng khoán; thanh tra đột xuất Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; thanh tra Tập đoàn Điện lực Việt Nam… Đặc biệt, qua thanh tra Ngân hàng NN&PTNT ở ba nhóm nội dung (tín dụng, đầu tư tài chính và đầu tư xây dựng cơ bản) đều có khuyết điểm.

Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ cũng quan tâm tới việc hậu thanh tra ở một số đơn vị đã có kết luận thanh tra. Trả lời câu hỏi của Báo Hànộimới và một số cơ quan báo chí: Việc thanh tra có được tiến hành độc lập hay chỉ dựa vào báo cáo của các đơn vị rồi kết luận thanh tra, Phó Tổng Thanh tra Chính Phủ Ngô Văn Khánh khẳng định: Theo chức năng, nhiệm vụ thông qua hoạt động của mình là thanh tra, kiểm tra, tiếp dân, xử lý khiếu nại, tố cáo (KNTC) để phát hiện tham nhũng. Một kênh nữa để phát hiện tham nhũng là báo cáo của các đơn vị. Đơn vị làm báo cáo phải chịu trách nhiệm về tính xác thực đồng thời, bằng quy trình, nghiệp vụ Thanh tra Chính phủ phải kiểm tra tính chính xác, trung thực trong báo cáo.

Thống kê trong quý II, thanh tra các bộ, ngành và địa phương đã tiến hành 2.270 cuộc thanh tra hành chính, đã kết thúc thanh tra trực tiếp 1.656 cuộc, kết luận phát hiện vi phạm với số tiền 984 tỷ đồng, 448,4ha đất. Cơ quan chức năng kiến nghị thu hồi 143 tỷ đồng và 397,19ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 330 tập thể, 716 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xem xét 42 vụ. Trước băn khoăn về việc các đơn vị có hợp tác khi bị thanh tra hay không, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh khẳng định, quá trình thực thi nhiệm vụ, cơ quan này đã nhận được sự phối hợp của các cơ quan nhà nước, qua đó kịp thời chấn chỉnh, kiến nghị xử lý những sai phạm, bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật.

Khiếu nại, tố cáo còn phức tạp

Về công tác phòng, chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ cho biết, các cấp, ngành đã thực hiện quy định của pháp luật về kê khai tài sản, thu nhập năm 2012, phục vụ công tác quản lý cán bộ, công chức. Tuy nhiên, việc báo cáo còn chưa đúng thời gian quy định, số liệu còn trùng lắp, chưa chính xác. Qua thanh tra, kiểm tra đã chuyển cho cơ quan chức năng điều tra 6 vụ, 35 đối tượng có dấu hiệu tham nhũng gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước 1,7 tỷ đồng và có hành vi tham nhũng số tiền 755,1 triệu đồng; công tác giải quyết KNTC phát hiện 4 vụ, 6 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng; việc tự kiểm tra nội bộ đã phát hiện 6 vụ, 7 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng với số tiền 8,42 tỷ đồng.

Đáng chú ý, tình hình khiếu nại của công dân tăng cả về số vụ, số đoàn đông người so với quý I-2013. Nội dung KNTC chủ yếu vẫn liên quan đến lĩnh vực đất đai. Cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã tiếp 147.012 lượt công dân; 985 lượt đoàn đông người. Nguyên nhân của việc gia tăng KNTC là do việc giải quyết chưa triệt để và công tác tiếp dân chưa tốt. Một số vụ việc đã được các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết bảo đảm đúng quy định, chính sách pháp luật của Nhà nước nhưng công dân vẫn tiếp tục khiếu nại với thái độ gay gắt. Ngay trong 465 vụ việc đã xem xét, giải quyết trên tổng 528 vụ việc kéo dài được rà soát trong 5 tháng đầu năm 2013 thì vẫn còn 37 vụ chưa đồng ý với thông báo kết luận.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh cho biết, trong tháng 7-2013, Thanh tra Chính phủ sẽ tổ chức ba hội nghị bàn sâu vào việc giải quyết KNTC tại 3 miền Bắc - Trung - Nam nhằm tìm giải pháp khắc phục tình trạng này.

Theo kết quả thanh tra, từ năm 2006 - 2011, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và một số đơn vị thành viên còn để xảy ra những khuyết điểm vi phạm trong: Quản lý đầu tư, mua sắm tài sản; quản lý đầu tư tài chính dài hạn; quản lý và sử dụng đất đai. VNPT cùng với các đơn vị thành viên đang quản lý 7.331.988,61m2 đất từ khi có Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước và sau khi chia tách VNPost đến nay đã hơn 5 năm nhưng chưa có số liệu, hồ sơ đầy đủ, chính xác về quản lý, sử dụng đất đai tập trung tại tập đoàn. VNPT còn trích lập dự phòng các khoản nợ phải thu khó đòi so với quy định lũy kế đến năm 2011 là 202,462 tỷ đồng; trích vượt quỹ khen thưởng phúc lợi, theo đó thiếu quỹ đầu tư phát triển hai năm 2007 và 2009 là hơn 1.100 tỷ đồng…

Hiền Chi/HNM

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn