Khó ngăn đường nhập lậu vì nhiều kẽ hở luật pháp?

Cập nhật ngày: 12/07/2013 09:40:59

Thừa nhận đường nhập lậu ngày càng nhiều và tinh vi, cơ quan chức năng cho rằng thiếu căn cứ pháp lý để xử lý vấn nạn này.

Khó khăn của ngành mía đường hiện nay, bên cạnh do yếu tố giá, cung – cầu, còn do tác động tiêu cực từ nạn nhập lậu đường ngày càng tinh vi. Trong khi đó, giải pháp ngăn chặn tình trạng này còn vướng trăm bề.

Dân cửa khẩu tiêu thụ 4 tạ đường/người/năm?

Đường từ nước ngoài thẩm lậu vào Việt Nam ngày càng nhiều được cho là do giá đường trong nước đang cao hơn các nước trong khu vực. Lấy ví dụ về nguồn đường thẩm lậu này, ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Cục trưởng, Cục Chế biến, thương mại nông lâm sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) cho biết: “Tại Thái Lan, có nhiều mức thuế để hỗ trợ doanh nghiệp, giải quyết tồn dư, vì thế hàng của họ rẻ, cạnh tranh mạnh với đường Việt Nam. Giải phóng hàng tồn kho nhanh nhất của Thái Lan chính là thẩm lậu sang thị trường Việt Nam...”.


Ghe chở đường Thái Lan neo đậu sẵn bên kia sông thuộc Pekchray, Kothom, Kandal (Campuchia), sau đó chuyển sang ghe nhỏ tập kết tại các nhà kho ở xã Khánh An, huyện An Phú (An Giang) rồi đưa đi tiêu thụ trong nước (Ảnh: 24h.com.vn)

Con đường để đường lậu vào Việt Nam có rất nhiều, ngày càng tinh vi. Ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) chỉ ra rằng: Tình hình buôn lậu đường diễn ra chủ yếu tại miền Trung, Tây Nam Bộ. Riêng từ năm 2010 đến nay, các lực lượng chức năng đã thu giữ 1.300 tấn đường (trong đó, năm 2010 là 200 tấn, năm 2011 là 331 tấn, năm 2012 là 700 tấn và trong 6 tháng đầu năm 2013, tại An Giang đã bắt giữ 362 tấn). Điều này cho thấy lượng đường nhập lậu ngày một tăng.

Còn theo ông Đào Xuân Thành, Trưởng phòng 2, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan, thì: do giá nội địa chênh tới 2.000-3.000 đồng/kg nên nhiều người hám lợi mà tham gia buôn lậu. Bên cạnh đó, gian lận thương mại mặt hàng đường chủ yếu xảy ra ở biên giới Tây Nam, Miền Trung và tại Khu kinh tế cửa khẩu Lao Bảo, Cầu Treo. Do mặt hàng này nhập khẩu không phải nộp thuế, nên đường vào khu vực này rất nhiều. Ông Thành dẫn chứng: “Đường nhập vào Khu kinh tế Lao Bảo với lượng tiêu thụ quá lớn so với sức dân và điều kiện kinh tế trong khu kinh tế. Đơn cử, năm 2012, ở đây tiêu thụ gần 18.000 tấn đường, tính trung bình mỗi người dân tiêu thụ 3-4 tạ đường/năm”.

Giải thích rõ hơn về đường nhập lậu, ông Nguyễn Đỗ Kim, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan cho biết: Có hai loại nhập lậu đường, gồm: thẩm lậu qua các tỉnh biên giới Tây Nam và Miền trung; qua hình thức tạm nhập tái xuất.

Về hình thức tạm nhập tái xuất đường, ông Kim phân tích: Do có ưu đãi về thuế. Hiện có khoảng 100 doanh nghiệp tham gia tạm nhập tái xuất đường, chủ yếu xuất đi thị trường Trung Quốc. Lợi dụng sơ hở chính sách, nhiều doanh nghiệp đã xuất qua đường mòn lối mở rồi mang hàng quay lại bán nội địa. Cũng có doanh nghiệp đưa luôn đường từ kho ra bán vào nội địa mà không tái xuất. Có doanh nghiệp tự ý phá niêm phong đem hàng đi tiêu thụ. Làm được việc này, do Luật quy định doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm quản lý hàng hóa nên họ lợi dụng để trục lợi.

Một điểm quan trọng nữa, theo ông Kim, do ưu đãi trong khu kinh tế cửa khẩu không có hàng rào cứng nên không quản lý được. Lượng đường đưa vào khu kinh tế cửa khẩu hoàn toàn được miễn thuế, nhiều đối tượng đã lợi dụng chính sách này để đưa hàng sâu vào tiêu thụ nội địa.

Biết là hàng lậu nhưng không dễ xử lý

Theo ông Nguyễn Đỗ Kim, tại An Giang, lực lượng chức năng đã bắt giữ 100 tấn đường nhập lậu. Đối tượng buôn lậu có thủ đoạn dùng bao trắng và gắn tem phụ của cơ sở sản xuất, sang chiết đường rồi gắn vào để hợp thức hóa đường khi tiêu thụ. Khi đó, phải căn cứ vào một số quy định khác (chỉ tiêu hóa lý) mới bắt được hàng lậu. Như vậy, lực lượng chống buôn lậu đã phải thực hiện nhiều biện pháp như giám định hóa lý, thành phần, cảm quan… để điều tra tận gốc nguồn gốc lô hàng. Tuy nhiên, những vụ bắt đường lậu chỉ có thể thu hồi chứ không đủ yếu tố khởi tố hình sự.

Một cái khó nữa cho lực lượng chức năng khi ngăn đường nhập lậu, theo ông Kim, do các địa phương có cấp phép cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu xây dựng kho hàng tại sát biên giới. Các đầu nậu đã lợi dụng giấy phép kinh doanh mặt hàng đường để trà trộn tập kết hàng lậu trong các kho này. Cùng với đó, các ghe chở lúa của cư dân biên giới cũng có thể giấu đường ở dưới nên không kiểm soát hết được.

Do vậy, theo ông Kim, muốn chống buôn lậu phải dùng nhiều hình thức. Chẳng hạn, lực lượng Hải quan có lần đã phải nhờ tới 33 nhà máy của Hiệp hội Mía đường Việt Nam gửi văn bản xác nhận không sản xuất mặt hàng đã bị lực lượng hải quan tạm giữ để làm cơ sở xử lý hàng nhập lậu.

Ông Kim còn đặc biệt nhấn mạnh rằng, “phương thức, thủ đoạn buôn lậu ngày càng tinh vi, trong khi cơ sở pháp lý lại không được “già” để lực lượng có thể xử lý. Vì thế, biết là có hàng nhập lậu từ Thái Lan qua biên giới nhưng xử lý không dễ”. Trước thức trạng này, theo ông Kim, cần sự tháo gỡ từ chính sách.

Với cương vị lực lượng quản lý thị trường, ông Đỗ Thanh Lam đề xuất rằng: “Việc chống buôn lậu, gian lận thương mại là trách nhiệm của các lực lượng chức năng và toàn xã hội; là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng. Trước hết, chống buôn lậu hiệu quả cần có giải pháp đồng bộ, quyết liệt. Như vậy mới xoay chuyển tình hình”.

Về giải pháp cụ thể, ông Lam cho là đầu tiên phải phát triển sản xuất, giảm giá thành sản phẩm trong nước. Cùng với đó, trong khi lực lượng chức năng khá mỏng thì phải làm tốt công tác điều tra, trinh sát; làm rõ phương thức thủ đoạn của đối tượng buôn lậu, từ đó có phương thức xử lý. Hơn nữa, cần sự phối hợp tốt giữa các lực lượng chức năng; xây dựng cơ chế chính sách trong xử lý vi phạm, có hình thức xử lý răn đe kịp thời; làm tốt công tác giáo dục chính trị cho cán bộ lực lượng chức năng phải làm tốt nhiệm vụ được giao, không nhũng nhiễu, tiêu cực. Đặc biệt, vai trò của lực lượng Công an rất quan trọng để điều tra, xử lý doanh nghiệp làm ăn phi pháp. Đồng thời, cũng cần có sự vào cuộc cụ thể, quyết liệt của chính các doanh nghiệp và Hiệp hội Mía đường trong chống đường nhập lậu…./.

Theo VOV

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn