Đầu tư công: Cần kiểm toán và công khai kết quả mọi dự án

Cập nhật ngày: 25/11/2015 07:44:36

Do đầu tư công sử dụng tiền đóng thuế của nhân dân, nên nhân dân phải có quyền được biết những đồng tiền đó được sử dụng như thế nào.

Hiệu quả đầu tư của nền kinh tế, được thể hiện qua hệ số hiệu quả vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ICOR (Incremental Capital output Ratio) – là tỷ lệ % vốn đầu tư so với GDP bỏ ra để tạo ra một đơn vị % gia tăng GDP trong một thời kỳ nhất định. ICOR càng cao thì hiệu quả đầu tư càng thấp và ngược lại. Theo Ngân hàng Thế giới, đối với một nước đang phát triển, ICOR ở mức 3 là đầu tư có hiệu quả và nền kinh tế phát triển theo hướng bền vững. Tại nước ta, kỷ luật đầu tư công còn lỏng lẻo, hiệu quả đầu tư thấp.

Đầu tư khu vực nhà nước tăng, nhưng hiệu quả thấp

Nếu căn cứ vào hệ số ICOR, theo TS. Nguyễn Tú Anh (Trưởng ban Ban Chính sách kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM), việc sử dụng nguồn lực của Việt Nam đang hiệu quả hơn. Từ năm 2012 trở lại đây, hệ số ICOR cả nước hàng quý đã giảm dần. Quý IV/2014 chỉ khoảng 4,5 so với mức cao nhất của quý IV/2011 là xấp xỉ 12.


Đầu tư công kém hiệu quả vừa dẫn đến các bất ổn vĩ mô, vừa làm giảm năng suất, hiệu quả, năng lực cạnh tranh chung của nền kinh tế trong ngắn và dài hạn. (Ảnh minh họa: KT)

Đáng lưu ý là mặc dù chỉ số ICOR cho khu vực kinh tế nhà nước (KVNN) có cải thiện cho đến năm 2012, nhưng hai năm gần đây chỉ số này lại có xu hướng tăng lên. Tỷ trọng đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội đã giảm xuống dưới 40% từ năm 2007 đến 2012, song lại quay về mức trên dưới 40% năm 2013-2014.

Theo TS. Nguyễn Tú Anh, đầu tư KVNN chiếm tỷ trọng lớn nhưng mức độ đóng góp vào GDP lại không cao. Chẳng hạn, năm 2009, tỷ trọng đầu tư công chiếm 40,5% tổng đầu tư toàn xã hội, nhưng mức độ đóng góp của khu vực này vào GDP lại chỉ có 35,13%. Trong khi đó, khu vực kinh tế ngoài nhà nước, dù tỷ trọng vốn đầu tư chỉ chiếm 33,9% nhưng lại đóng góp tới 46,53% vào tổng giá trị GDP.

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho rằng, đầu tư công kém hiệu quả vừa dẫn đến các bất ổn vĩ mô, vừa làm giảm năng suất, hiệu quả, năng lực cạnh tranh chung của nền kinh tế trong ngắn và dài hạn. Vì vậy, nhu cầu tái cơ cấu và nâng cao hiệu quả đầu tư KVNN cần phải được ưu tiên hàng đầu trong quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế .

Trên thực tế, Chính phủ đã triển khai nhiều biện pháp tái cơ cấu đầu tư công. Song đến nay, hiệu quả chưa cao. Nguyên nhân có phần do “tái cơ cấu đầu tư công mới chỉ dừng lại ở siết chặt kỷ luật đầu tư công chứ chưa tập trung vào các giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư, tránh lãng phí đầu tư”-TS. Nguyễn Tú Anh đánh giá. Đồng thời, chưa có cơ chế phân bổ vốn đầu tư công về các chủ đầu tư theo cơ chế cạnh tranh; kỷ luật đầu tư công còn lỏng lẻo… Và, tư duy nhà nước can thiệp trực tiếp vào nền kinh tế thông qua đầu tư công vẫn còn hiện hữu. Tỷ lệ thu ngân sách trên GDP có xu hướng giảm trong khi nhu cầu đầu tư công không giảm.

Phải đề cao tiêu chí hiệu quả đầu tư, tiết kiệm

Để cải thiện hiệu quả đầu tư công giai đoạn 2016-2020, theo TS. Nguyễn Tú Anh, Nhà nước ta cần thực hiện phân bổ đầu tư công theo khuôn khổ đầu tư trung hạn. Đổi mới tổ chức bộ máy giám sát và thẩm định đầu tư theo hướng tổ chức các hội đồng chuyên môn tư vấn cho cơ quan giám sát và thẩm định. Mở rộng chức năng giám sát thẩm định trên các tiêu chí hiệu quả đầu tư, tiết kiệm hơn là chỉ tập trung giám sát tuân thủ quy trình đầu tư.

"Việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống thẩm định, đánh giá dự án đầu tư công có vai trò quyết định trong việc nâng cao hiệu quả đầu tư công và tạo dựng khuôn khổ quản lý đầu tư công có hiệu lực, hiệu quả. Do vậy, cần đặt ưu tiên cao cho việc nâng cấp hệ thống thẩm định, đánh giá dự án đầu tư công Việt Nam. Việc hiện đại hóa và tuân theo thông lệ quốc tế là các yêu cầu không thể tránh khỏi đối với hệ thống thẩm định dự án đầu tư công của nước ta, cho dù quá trình này là dài hạn và sẽ gặp nhiều khó khăn, thậm chí cả sự phản đối từ nhiều phía."- TS. Đinh Trọng Thắng, Viện CIEM.

Do đầu tư công sử dụng tiền đóng thuế của nhân dân, nên nhân dân phải có quyền được biết những đồng tiền đó được sử dụng như thế nào. Vì thế, đối với đầu tư công cần công bố công khai trên mạng các định mức cụ thể cho các dự án đầu tư công. Các dự án đầu tư công đều bắt buộc phải kiểm toán và kết quả kiểm toán phải được công bố công khai lên mạng Internet. Những quy định này cũng bắt buộc áp dụng đối với các dự án thực hiện theo hình thức hợp tác công tư.

Xây dựng cơ chế cạnh tranh công khai nguồn vốn đầu tư công giữa các đơn vị sử dụng vốn đầu tư công. Đồng thời hình thành cơ chế đánh giá hiệu quả kinh tế xã hội sau khi dự án đã đi vào khai thác sử dụng so với hiệu quả dự kiến trong hồ sơ dự án và so sánh giữa các địa phương, các đơn vị sử dụng vốn đầu tư công. Để từ đó có thể rút ra những kẽ hở trong quy trình đầu tư công và sàng lọc những người sử dụng vốn đầu tư công hiệu quả và không hiệu quả…

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thì đề nghị thêm rằng, cần chấm dứt hẳn đầu tư công vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh trực tiếp.

Xuân Thân/VOV

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn