Giảm áp lực cho vận tải đường bộ

Cập nhật ngày: 26/06/2015 07:04:53

Thời gian gần đây, mặc dù có nhiều nỗ lực nhưng sản lượng hàng hóa, hành khách của ngành đường sắt vẫn quanh quẩn ở mức 1% so với tổng lượng hàng hóa và hành khách của ngành vận tải nói chung. Vận tải hành khách và hàng hóa chủ yếu vẫn được chuyên chở bằng ô tô… Theo nhiều chuyên gia về vận tải, đây là một cơ cấu không hiệu quả và không an toàn…


Vận chuyển hàng bằng xe container từ cảng đi đến các đầu mối sản xuất trên đường Đồng Văn Cống, quận 2. Ảnh: CAO THĂNG

Câu chuyện của TPHCM

Là một trong những nhà khoa học trực tiếp tham gia thực hiện nhiều đồ án quy hoạch xây dựng TPHCM, ông Hoàng Minh Trí, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, nhớ lại: Trong đồ án quy hoạch xây dựng TPHCM đến năm 2020 được phê duyệt năm 1998, có xác định sẽ phát triển một tuyến đường sắt quốc gia nối từ ga Bình Triệu tới khu vực Cát Lái (quận 2) để phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa ở khu vực này. Tuy nhiên, đến đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng TPHCM đến năm 2025 được phê duyệt năm 2010, chủ trương xây dựng đường sắt ấy đã bị xóa. Không ai biết lý do tại sao nhưng nhiều ý kiến nhận định rằng, có lẽ do lúc ấy, Tân Cảng chưa chính thức di dời từ trong nội thành ra Cát Lái và khu vực Cát Lái cũng chưa phát triển nhiều cảng như hiện nay, nên chủ trương làm đường sắt bị gác lại.

Thế nhưng, dù với bất cứ lý do gì, việc không phát triển đường sắt đến khu vực Cát Lái - nơi có cảng container Tân Cảng Cát Lái lớn nhất Việt Nam hoạt động, cũng đang làm cho tình hình trật tự an toàn giao thông ở khu vực này diễn biến phức tạp. Từ đầu năm đến nay, ở đây đã xảy ra nhiều vụ ùn tắc giao thông. Cá biệt, hồi đầu tháng 5-2015 đã xảy ra vụ ùn tắc giao thông kéo dài gần 10 tiếng. TPHCM đã tốn hàng ngàn tỷ đồng mở rộng đường, xây thêm đường mới, phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa của hệ thống cảng biển Cát Lái song tình hình chưa cải thiện căn cơ. Chưa kể, nhiều tai nạn giao thông thương tâm đã xảy ra ở đây do va chạm với xe tải, xe container… Trước tình hình này, đã có nhiều ý kiến đề nghị cần phát triển một tuyến đường sắt tới khu cảng. Vận tải đường sắt với sức chở lớn, có đường đi riêng sẽ hoạt động hiệu quả, an toàn hơn vận tải đường bộ.

Về phía Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định, Bộ GTVT hoàn toàn ủng hộ TPHCM tìm kiếm nguồn vốn để xây dựng một tuyến đường sắt kết nối hệ thống cảng biển tới các đầu mối sản xuất, phân phối hàng hóa. TPHCM có thể kêu gọi xã hội hóa theo các hình thức BOT, PPP… Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể, hiện nay trong cả 5 lĩnh vực vận tải do Bộ GTVT quản lý: vận tải đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường biển và đường thủy đều đã có những văn bản pháp quy, quy định rõ ràng về việc xã hội hóa, kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư vào 5 lĩnh vực này. Đây là cơ sở quan trọng để các địa phương phát triển một cách hợp lý, hiệu quả các loại hình vận tải.

Bước chuyển của cả nước

Không chỉ ở TPHCM, nhiều địa phương khác trong cả nước cùng với Bộ GTVT cũng đang có những điều chỉnh phù hợp hơn trong việc chọn lựa các phương thức vận tải. Đối với đồng bằng sông Cửu Long, vùng đất có mạng lưới sông, kênh, rạch dày đặc, Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, sẽ ưu tiên phát triển vận tải thủy phục vụ cho việc lưu thông hàng hóa. Bộ GTVT đang dự thảo để trình Chính phủ ban hành một cơ chế ưu đãi đặc biệt cho việc đầu tư phát triển giao thông thủy, từ xây dựng cảng, mua sắm phương tiện vận tải… tới nạo vét tuyến luồng. Cuối năm nay Bộ GTVT cũng sẽ đưa vào khai thác tuyến luồng cho tàu biển lớn vào sông Hậu, có khả năng đón tàu 20.000 tấn giảm tải ra vào. Hàng hóa của miền Tây Nam bộ có thể xuất khẩu trực tiếp qua cảng Cái Cui, Cần Thơ, thay vì phải vận chuyển lên xuất khẩu qua hệ thống cảng biển ở TPHCM hoặc Bà Rịa - Vũng Tàu. Tuyến vận tải ven biển, vận chuyển hàng hóa bằng đường biển dọc theo chiều dài đất nước sẽ được tăng cường đầu tư và hỗ trợ phát triển. Để kết nối hệ thống cảng biển TPHCM và Bà Rịa - Vũng Tàu với các trung tâm sản xuất, phân phối hàng khác trong vùng, Bộ GTVT cũng sẽ nghiên cứu xây dựng tuyến đường sắt vận chuyển hàng hóa tại đây. Mạng lưới vận tải đường bộ của đồng bằng sông Cửu Long sẽ tập trung cho vận chuyển hành khách, thay vì phải nặng gánh cho cả vận tải hàng hóa như hiện nay. Bên cạnh việc phát triển hàng không giá rẻ, Bộ GTVT sẽ ưu tiên phát triển một số tuyến đường tàu cao tốc khổ 1.435m phục vụ nhu cầu đi lại, tham quan của người dân.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể, nâng cao năng lực và hiệu quả của các phương thức vận tải, giảm áp lực cho vận tải đường bộ, đang là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành GTVT trong những năm tiếp theo. Tuy nhiên, đầu tư vào hệ thống hạ tầng kỹ thuật của vận tải, nhất là vận tải đường sắt và đường thủy, đường biển… đòi hỏi chi phí rất lớn và phải mất nhiều thời gian để thu hồi vốn… Chính vì vậy, một hành lang pháp lý hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư, ổn định lâu dài là điều rất cần thiết. Để làm được điều này đòi hỏi sự tận tâm, kiên trì của Bộ GTVT, các bộ ngành liên quan khác và cao hơn nữa là sự cam kết của Chính phủ.

Rõ ràng, đang có sự thay đổi từ nhận thức tới các quyết định đầu tư trong lĩnh vực vận tải. Các hình thức vận tải đang được đầu tư và khai thác hiệu quả hơn. Chỉ mong rằng, đây là sự thay đổi căn cơ, không phải… phong trào.

NGUYỄN KHOA/SGGP

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn