Không để người dân sống cùng nỗi lo nước bẩn
Cập nhật ngày: 27/03/2015 06:00:30
Trong buổi làm việc với các bộ, ngành, tổ chức quốc tế, ngày 26/3, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường kiểm soát chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt để người dân không phải sống cùng nỗi lo bị ung thư, bị bệnh tật vì dùng nước bẩn.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh ý nghĩa của nguồn nước sạch trong cải thiện điều kiện sống, nâng cao sức khỏe cho người dân. Ảnh: VGP/Đình Nam
Mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng
Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy dù đã đạt được những thành công nhất định trong việc bao phủ tỷ lệ cấp nước sinh hoạt tới người dân ở đô thị và nông thôn song các bệnh lây truyền qua đường nước luôn luôn là mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng.
Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 250.000 người bị mắc bệnh tiêu chảy cấp phải nhập viện. Tình trạng thiếu nước sạch hằng năm ảnh hưởng tới ít nhất 1 triệu người Việt Nam và trong 4 năm qua, có tới 6 triệu trường hợp mắc bệnh liên quan tới thiếu nước sạch.
“Việt Nam đang đạt tỷ lệ 80% dân số đô thị được cung cấp nước sạch theo quy chuẩn của Bộ Y tế, tuy nhiên, ở nông thôn dù 85% dân số được cấp nước hợp vệ sinh nhưng chỉ có 42% đạt quy chuẩn của Bộ Y tế", Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết.
Nguyên nhân của tình trạng này là chất lượng nước tại nhiều nơi vẫn chưa đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, nhất là nước cấp từ những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ; trạm cấp nước tại nhiều vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa có công nghệ xử lý còn lạc hậu, hệ thống đường ống chưa đảm bảo và có tỷ lệ thất thoát nước cao. Trong khi, công tác tự kiểm tra, giám sát, kiểm nghiệm chất lượng nước của các cơ sở cung cấp nước sạch và công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước một số tỉnh, thành phố chưa được thực hiện đầy đủ theo các quy định hiện hành. Một số địa phương chưa giám sát được chất lượng nước khu vực nông thôn.
Báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát định kỳ chất lượng nước trên cả nước năm 2014 cho thấy, 21,6% số cơ sở cấp nước từ 1.000 m3/ngày đêm trở lên không đạt vệ sinh chung. Tỷ lệ này ở các cơ sở cấp nước dưới 1.000 m3/ngày đêm là 27,4%. Một số chỉ tiêu không đạt thường gặp như: Nhiễm vi sinh và chất hữu cơ; hàm lượng một số kim loại nặng vượt quá mức cho phép...
Nhằm cải thiện, kiểm soát được chất lượng nước sinh hoạt cho người dân, đặc biệt tại nông thôn, đại diện các tổ chức quốc tế cho rằng cần có cách tiếp cận linh hoạt trong đó nhấn mạnh vai trò chủ động của các hộ gia đình.
Đại diện Đại sứ quán Australia tại Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm triển khai một dự án hỗ trợ nước sạch cho 4 xã ở tỉnh Vĩnh Phúc, nơi người dân chủ yếu sử dụng nguồn nước tại chỗ chứ không có hệ thống cấp nước. Dự án đã hỗ trợ thiết bị lọc nước cho những hộ dân nghèo nhất, đồng thời tạo thói quen đưa mẫu nước đi kiểm định chất lượng 6 tháng/lần. Từ đó, tạo hiệu ứng lan tỏa đến hàng ngàn hộ dân khác làm theo. Dự kiến đến năm 2016 cả 4 xã trên sẽ đạt chuẩn nông thôn mới về nước sạch dù chưa có hệ thống cấp nước tập trung.
Bên cạnh đó, đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc đã đưa ra khuyến nghị tăng cường tần suất kiểm tra định kỳ các nhà máy, hệ thống cung cấp nước sạch, xã hội hóa kiểm định chất lượng nước, cung ứng thiết bị xử lý nước quy mô hộ gia đình với chi phí thấp.
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: VGP/Đình Nam
Tăng cường phối hợp để nước sạch thêm sạch
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao nỗ lực, sự quan tâm của các bộ, ngành, tổ chức quốc tế nhằm nâng cao chất lượng, tăng khả năng cung cấp nguồn nước sạch, góp phần đảm bảo sức khỏe cho mỗi người dân Việt Nam.
Thời gian tới các bộ, ngành cần tăng cường phối hợp, xây dựng các quy định thanh tra, kiểm định chặt chẽ để bất kỳ nguồn nước từ nhà máy, hệ thống cấp nước tập trung hay khai thác tại chỗ khi đến người dân phải sạch. Trong đó Bộ Y tế có trách nhiệm chính với vai trò là cơ quan chịu trách nhiệm về công tác chăm sóc sức khỏe toàn dân.
Theo Phó Thủ tướng, không chỉ là vấn đề chất lượng nước ở tại nguồn hay bể chứa mà nhiều người còn lo ngại nước bị ô nhiễm do hệ thống đường ống dẫn nước tại nhiều đô thị được sử dụng từ cách đây hàng chục năm nên đã xuống cấp. Vì vậy, việc công khai, minh bạch kết quả kiểm định chất lượng nước ở từng khâu sẽ giúp xác định rõ chất lượng nước bị ảnh hưởng bởi khâu nào để có biện pháp xử lý phù hợp. Hiện các phòng thí nghiệm, trung tâm hiện có tại Việt Nam hoàn toàn đủ khả năng kiểm định chất lượng nước, nên cần có quy định, hướng dẫn cụ thể chứ không phải là đầu tư thêm.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành của Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các nhà tài trợ, giữa các nhà tài trợ với nhau từ khâu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cho đến quy hoạch, chiến lược để có thêm nhiều mô hình nước sạch phục vụ người dân hiệu quả, phù hợp với đặc thù của từng vùng, miền. Bên cạnh đó cần nghiên cứu, tính đến các phương án, lộ trình điều chỉnh giá nước nhằm khuyến khích đầu tư, áp dụng những công nghệ mới trong xử lý nước sạch với tiêu chuẩn cao nhất cung cấp cho người dân.
“Chúng ta cũng phải đổi mới công tác truyền thông để người dân tự nhận thức việc sử dụng nước sạch, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm không chỉ là tự bảo vệ mình khỏi bệnh tật mà còn tiết kiệm không ít chi phí y tế cho xã hội”, Phó Thủ tướng nói.
Đình Nam (Chinhphu.vn)