Lưu ý hàng loạt Luật hỗ trợ kinh doanh hiệu lực từ 1/7/2015
Cập nhật ngày: 29/06/2015 07:26:54
Hàng loạt các Luật quan trọng cùng nhiều Nghị định, thông tư sẽ chính thức có hiệu lực áp dụng từ ngày 1/7/2015.
Kể từ ngày 1/7/2015, một số quy định Luật sẽ chính thức có hiệu lực, trong đó đáng chú ý có Luật Nhà ở; Luật Kinh doanh bất động sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự; Luật Công an Nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Luật Giáo dục nghề nghiệp; Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; Luật Doanh nghiệp; Luật Đầu tư; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng Việt Nam…
Người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam
Từ ngày 1/7, Luật Nhà ở 2014 chính thức có hiệu lực với một trong những điểm đáng chú ý là cho phép người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam với quy định cụ thể như: Chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá 30% số lượng căn hộ trong 1 tòa nhà chung cư hoặc không quá 250 căn đối với nhà ở riêng lẻ trong 1 khu dân cư tương đương 1 đơn vị hành chính cấp phường.
Nếu cá nhân nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam hoặc kết hôn với người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì được sở hữu nhà ở lâu dài và có quyền như công dân Việt Nam.
Kinh doanh bất động sản phải có vốn pháp định 20 tỷ đồng
Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/7 với những điểm mới cơ bản về phạm vi kinh doanh bất động sản của tổ chức, cá nhân trong nước; nâng mức vốn pháp định của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản từ 6 tỷ lên 20 tỷ, thu hẹp phạm vi kinh doanh dịch vụ bất động sản…
Từ ngày 1/7 sẽ có nhiều điểm mới cơ bản về phạm vi kinh doanh bất động sản. (Ảnh minh họa: KT)
Quy định đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp
Từ ngày 1/7, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp cũng chính thức được áp dụng. Đối tượng áp dụng của Luật gồm 4 nhóm là: Đại diện chủ sở hữu nhà nước; Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; Người đại diện phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên và Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Doanh nghiệp tự do kinh doanh những ngành nghề Luật không cấm
Luật Doanh nghiệp có 10 chương, 172 điều có hiệu lực từ ngày 1/7 thể chế hóa một cách đầy đủ quyền kinh doanh của doanh nghiệp theo Hiến pháp: Doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà Luật không cấm. Luật có nhiều cải cách quan trọng trong việc giảm chi phí và thời gian thực hiện thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho quá trình gia nhập thị trường.
Dự án đầu tư trong nước không cần Giấy chứng nhận đăng kí đầu tư
Từ ngày 1/7, một trong những điểm mới quan trọng được sửa đổi, bổ sung trong Luật Đầu tư là bỏ thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với tất cả các dự án đầu tư trong nước; đơn giản hóa hồ sơ, trình tự, thủ tục, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà thầu nước ngoài (từ 45 ngày theo luật Đầu tư 2005 xuống còn 15 ngày). Cùng với việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, Luật đã bổ sung, hoàn thiện một số quy định nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả dự án đầu tư.
Khắc phục tình trạng chậm, hủy chuyến trong hàng không dân dụng
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam bổ sung quy định về nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng không, nghĩa vụ duy trì các điều kiện và chất lượng tối thiểu dịch vụ vận chuyển; bổ sung trách nhiệm của người Vận chuyển trong trường hợp chuyến bay bị chậm kéo dài mà không được thông báo trước.
Hàng loạt Nghị định và Thông tư khác
Từ ngày 1/7, một số Nghị định, Thông tư mới có hiệu lực như Nghị định số 46/2015/NĐ-CP về Quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng; Nghị định số 42/2015/NĐ-CP về chứng khoán tái sinh và thị trường chứng khoán tái sinh; Nghị định số 48/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục nghề nghiệp; Nghị định số 35/2015-NĐ/CP quản lý sử dụng đất trồng lúa; Nghị định số 45/2015/NĐ-CP về hoạt động đo đạc và bản đồ; Nghị định số 43/2015/NĐ-CP quy định lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước; Nghị định số 11/2015/NĐ-CP về giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong nhà trường.
Cũng từ ngày 1/7, Thông tư liên tịch số 05/2015/TTLT-BTP-BCA-BYT hướng dẫn thực hiện liên thông các thủ tục hành chính về đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; Thông tư 08/2015/TT-BYT về quản lý phụ gia thực phẩm; Thông tư liên tịch số 64/2015/TTLT-BTC-BCA-BQP quy định chế độ hóa đơn, chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường…chính thức có hiệu lực.
Đáng chú ý, từ ngày 1/7, TP HCM bắt đầu triển khai thu phí đường bộ. Các phương tiện chịu phí gồm xe mô tô 2 bánh, xe gắn máy (không bao gồm xe máy điện) có đăng ký tại TP HCM hoặc hoạt động tại đây. Các phương tiện sẽ nộp phí tại UBND xã, phường, thị trấn với mức thu: xe có dung tích xilanh đển 100 cm3 đóng 50.000 đồng/năm, xe từ 100 cm3 – 175 cm3 đóng 100.000 đồng/năm và xe từ trên 175 cm3 đóng 150.000 đồng/năm.
Cũng từ 7, cơ quan chức năng sẽ thí điểm phạt nguội trên một số tuyến đường cao tốc qua dữ liệu hình ảnh của hệ thống giám sát hành trình với một số lỗi như: điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định; điều khiển xe chạy không đúng phần đường hoặc làn quy định; vượt trong các trường hợp cấm vượt; dừng, đỗ xe trái quy định; không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông… Dự kiến việc thí điểm sẽ kéo dài trong 1 năm trên 2 tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai (đoạn Nội Bài - Phú Thọ) và cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình…
VOV