Ngành Thủy sản cần nâng cao chất lượng sản phẩm

Cập nhật ngày: 22/03/2013 07:38:13

Ngày 21/3 tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo nâng cao năng lực phát triển ngành Thủy sản Việt Nam.

Hội thảo có chủ đề “Đáp ứng tiêu chuẩn - Chiếm lĩnh thị trường: Làm thế nào giải quyết các thách thức về việc tuân thủ cho các chuỗi giá trị” do Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Bộ NNPTNT phối hợp với Tổ chức Phát triển công nghiệp của LHQ (UNIDO) và Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản tổ chức.

Ông Patrick Jean Gilabert, Trưởng đại diện UNIDO tại Việt Nam cho biết, theo số liệu khảo sát của tổ chức này, ước tính mỗi năm thủy sản Việt Nam tổn thất hơn 14 triệu USD do hàng hóa xuất khẩu bị các nước trả về.

Là quốc gia xuất khẩu cá tra và ba sa lớn trên thế giới nhưng thách thức về yêu cầu chất lượng của người tiêu dùng ngày càng cao ở các thị trường như EU, Nhật Bản, Australia và Mỹ là vấn đề mà Việt Nam phải đương đầu. Vì vậy, theo ông Patrick Jean Gilabert, thủy sản Việt Nam cần hướng vào việc nâng cao chất lượng và xây dựng chiến lược quảng bá thương hiệu tại thị trường xuất khẩu.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết tốc độ tăng trưởng cao của ngành thủy sản Việt Nam đang đặt ra những thách thức ngay trong chính nội tại ngành cũng như khó khăn về “rào cản” trên thị trường thế giới. Ông Nam cho rằng cần đặt vấn đề về tiếp cận chuỗi sản phẩm và sử dụng các tiêu chuẩn tự nguyện mà các nước nhập khẩu đưa ra. Đây là tiêu chuẩn thương mại để thúc đẩy tiêu chuẩn về xuất khẩu.

Theo ông Nam, vấn đề an toàn thực phẩm hiện nay là yêu cầu bắt buộc đối với các nước. Đó là tiêu chuẩn áp dụng với tất cả những quốc gia tham gia xuất khẩu thủy sản đặc biệt hàng hóa thủy sản đông lạnh.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu cũng cho rằng chúng ta cần xem xét kỹ những số liệu về tỷ lệ hàng bị từ chối để có đánh giá khách quan về chất lượng thủy sản cũng như độ thích ứng của doanh nghiệp khi gia nhập sân chơi toàn cầu.

Đại diện của UNIDO đề xuất Việt Nam cần có dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật và thông tin cho người sản xuất để họ hiểu được việc thị trường liên tục thay đổi, nhất là tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm bắt buộc và tự nguyện.

Cùng với đó, cần có cơ chế hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp hàng đầu bằng việc thúc đẩy mở rộng hình thức sản xuất bao tiêu, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm.

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Bộ NNPTNT khẳng định trong những năm qua, ngành thủy sản đã trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam (năm 2012, thủy sản Việt Nam đã có mặt tại 156 thị trường với tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 6,1 tỷ USD). Tuy nhiên, tiềm năng và lợi thế của ngành thủy sản Việt Nam cũng đồng thời vừa là thách thức vừa là cơ hội của ngành.

Vì vậy, trong thời gian tới ngành thủy sản cần duy trì mức tăng trưởng đồng thời phải đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của các thị trường nhập khẩu.

Theo Chinhphu.vn

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn