Nông dân khốn khổ vì tin đồn “nông sản bẩn”
Cập nhật ngày: 29/05/2016 08:45:47
Gần đây, khi thông tin về thực phẩm mất an toàn rộ lên thì lại có những tin đồn thất thiệt, tin đồn thái quá liên quan tới “rau độc”, “thịt bẩn”… đã gây ảnh hưởng, thậm chí thiệt hại nặng nề tới sản xuất và thu nhập của người nông dân ở các địa phương.
Thiệt hại hàng tỷ đồng vì tin đồng
Sau câu chuyện “dùng chổi quét rau”, vài ngày gần đây hàng ngàn nông dân trồng rau xanh ở xã Khai Thái, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) lại đang khổ sở vì tin đồn rau cần ở đây sử dụng tràn lan thuốc bảo vệ thực vật. Tin đồn này được lan truyền trên mạng xã hội.
Theo bà con nông dân xã Khai Thái, bình thường vựa rau này cung cấp cho thị trường khoảng 10 tấn rau mỗi năm, trung bình mỗi gia đình ở đây lãi khoảng 40 triệu đồng/sào Bắc bộ (360m2) thì sau khi có tin đồn, rau bán không ai mua hoặc phải bán rẻ với giá bằng một nửa, hiện chỉ còn 6.000 - 7.000 đồng/kg. Cả vựa rau đang là “nồi cơm” của hàng ngàn hộ gia đình bỗng nhiên bị mất, ai cũng chua xót. Trong khi đó theo ông Nguyễn Viết Thắng, Chủ tịch UBND xã Khai Thái, tại đây đã quy hoạch 50ha trồng rau cần theo chương trình sản xuất rau an toàn của Sở NN-PTNT Hà Nội, trong đó tập trung chủ yếu ở thôn Khai Thái với gần 30ha. Từ khi có dự án rau an toàn, mọi quy trình kỹ thuật chăm bón đều được cán bộ bảo vệ thực vật kiểm tra sát sao. UBND xã cũng yêu cầu Hội nông dân xã phối hợp với một công ty cung ứng thuốc vi sinh và phân bón lá cho rau đảm bảo quy trình trồng rau an toàn.
Nông dân Hà Nội chở rau đi bán
Không chỉ riêng xã Khai Thái, hàng chục vùng sản xuất nông sản khác cũng đang điêu đứng, chung lưng thiệt hại hàng chục tỷ đồng vì tin đồn thất thiệt mà chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả. Đó là các tin đồn như khoai lang ở Tây Nguyên nhiễm chất độc da cam, đậu tương ở Nam Định có chất gây ung thư và mới đây nhất là xoài ở Đồng Tháp và Tiền Giang sử dụng túi bao trái của Đài Loan có chứa độc để bọc… khiến nhiều cá nhân, đơn vị, cơ quan liên quan đến các chuỗi sản xuất quản lý cung ứng sản phẩm đều bị ảnh hưởng.
Cơ quan nhà nước cần chủ động
Theo ông Nguyễn Viết Thắng, Chủ tịch UBND xã Khai Thái, khi có tin đồn ác ý lan truyền trên diện rộng, cấp cơ sở rất khó xử lý. “Chúng tôi chỉ biết họp bà con lại và tuyên truyền tiếp tục duy trì sản xuất, giữ vững thương hiệu và chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm… nhưng thực tế hiện rau vẫn chưa bán được nhiều”, ông Thắng nói.
Ông Đinh Văn Hương, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, người tiêu dùng không nên vội vàng lan truyền hoặc tạm ngừng mua các sản phẩm bị tin đồn làm ảnh hưởng và nông dân cần bình tĩnh trước những thông tin chưa được kiểm chứng hoặc chưa có thông báo chính thức từ cơ quan chức năng. Tuy nhiên, nhiều người cũng đề nghị khi có các sự cố về an toàn thực phẩm cũng như tin đồn do thiếu dữ liệu hoặc có chủ ý… chính quyền địa phương, Bộ NN-PTNT, Bộ Y tế… cần chủ động kiểm tra và thông báo kịp thời, rõ ràng, khách quan để người tiêu dùng nắm rõ, tránh gây hiểu lầm, càng làm gia tăng thêm độ lan truyền của tin đồn không đáng có. Đồng thời cũng cần truy tìm, xử lý nghiêm nguồn tin đồn có ý đồ xấu.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cho rằng, để hạn chế những tin đồn thất thiệt cần có sự tham gia chặt chẽ của các bên liên quan. Trong đó quan trọng nhất là nông dân cần tham gia sản xuất theo chuỗi, qua đó các sản phẩm sẽ được chứng nhận an toàn. Các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các cơ quan truyền thông cần tuyên truyền, quảng bá sản phẩm của nông dân làm ăn chân chính, sản xuất đảm bảo chất lượng.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cho biết, để chủ động cung cấp thông tin về thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng, mới đây Bộ NN-PTNT đã công bố danh sách các địa chỉ, cơ sở kinh doanh và sản xuất thực phẩm an toàn trên địa bàn cả nước. Mặc dù số lượng vẫn còn hạn chế nhưng đây mới là bước đầu, sắp tới tiếp tục kiểm tra kiểm soát và cấp chứng nhận cho các cơ sở sản xuất thực phẩm, nông sản sạch, đảm bảo chất lượng khác để mọi người dân yên tâm sử dụng, đồng thời đề nghị người tiêu dùng nên căn cứ theo các thông tin chính thống của cơ quan nhà nước để có đánh giá chính xác về thực phẩm, tránh các nguồn tin không rõ ràng, chưa đủ cơ sở khoa học.
VĂN PHÚC/SGGPO