Nông dân làm chủ doanh nghiệp lớn

Cập nhật ngày: 21/04/2014 16:24:21

Công ty CP Bảo vệ Thực vật An Giang (AGPPS) vừa tổ chức trao sổ cổ đông cho hơn 1.700 nông dân đã tham gia mua cổ phiếu ưu đãi của AGPPS thời gian qua, chính thức trở thành những chủ nhân mới của doanh nghiệp này.

Hoạt động này được các nhà chuyên môn đánh giá cao về mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trồng lúa hiện nay, về tinh thần hợp tác, chia sẻ lợi nhuận giữa các bên trong chuỗi giá trị lúa gạo.

Nông dân phấn khởi

Được triển khai từ cuối tháng 10.2013, chương trình phát hành cổ phiếu giá ưu đãi cho nông dân của AGPPS đã bán ra gần 1,9 triệu cổ phiếu, với số tiền xấp xỉ 56,4 tỷ đồng. Có tổng cộng 1.724 nông dân trên khắp các vùng nguyên liệu của AGPPS tại ĐBSCL cùng tham gia.

Theo đó, những nông dân tham gia chương trình được mua cổ phiếu với giá ưu đãi 30.000 đồng/cổ phiếu, chỉ bằng 50% giá thị trường của cổ phiếu AGPPS hiện nay. Đây cũng là những nông dân tiêu biểu, có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất lúa tại các tỉnh. Đồng thời, họ có gắn bó với AGPPS trong thời gian qua trong chương trình “Cùng nông dân ra đồng” và góp phần tích cực trong chiến lược phát triển Chuỗi giá trị lúa gạo của AGPPS thông qua mô hình Cánh đồng lớn.

Tại vùng nguyên liệu Thoại Sơn, nông dân Vũ Văn Trường (ngụ xã Mỹ Phước, huyện Hòn Đất, Kiên Giang) chia sẻ, dù không biết gì về cổ phiếu, cổ tức, cổ đông… nhưng khi nghe cán bộ “Ba cùng” của AGPPS tư vấn, ông và gia đình quyết định đầu tư 60 triệu mua cổ phiếu ưu đãi. “Chưa có tiền “chồng” để lấy cổ phiếu nhưng công ty vẫn cho nhận sổ. Gia đình đang tính chờ bán lúa đông xuân xong, có tiền rồi thanh toán luôn. Vô công ty rồi, làm ăn phải đàng hoàng” – ông Trường hào hứng kể.

Canh tác lúa trên diện tích hơn 16ha nhưng ông Trường cho biết, tiền bán lúa năm nào cũng “vào cửa trước, ra cửa sau” nên gia đình cũng không tích lũy được nhiều. Với giá lúa hiện nay, ông Trường tính, phải bán khoảng 12 – 13 tấn lúa tươi mới đủ tiền mua 2.000 cổ phiếu, nhưng khoản tiền này có thể để dành, thu lợi tức trong nhiều năm.

Còn tại vùng nguyên liệu Vĩnh Bình, dù chỉ canh tác trên diện tích 2ha nhưng anh Trần Phương Chước (ngụ xã Vĩnh Lộc, huyện An Phú, An Giang) quyết định để dành 50% sản lượng lúa vụ đông xuân này để đầu tư mua cổ phiếu của AGPPS.

Anh Chước cho biết, anh đã mua được 1.000 cổ phiếu ưu đãi mà AGPPS dành cho nông dân vùng nguyên liệu, dự tính sắp tới sẽ bán khoảng 7 tấn lúa tươi để lấy tiền trả cho công ty. “Bình thường ngoài việc làm lúa, nông dân cũng phải kiếm việc này việc kia làm thêm để có “đồng ra đồng vào”. Nay có cơ hội cùng đầu tư vào nông nghiệp nên gia đình sẵn sàng tham gia. Hơn nữa, chuyến đầu tư này cũng không sợ lỗ do bản thân đã “làm ăn” với AGPPS nhiều năm rồi”, anh Chước chia sẻ.

Còn Anh hùng Lao động Huỳnh Văn Thòn – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc AGPPS thì phấn khởi cho biết: “Hôm nay sẽ là một ngày đáng nhớ của AGPPS và bà con vùng nguyên liệu, mái nhà AGPPS đã mở cửa chào đón thêm những người chủ mới”.

Phát triển đúng xu hướng

Cùng với những hoạt động Hướng về nông dân được thực hiện trong suốt nhiều năm qua của AGPPS, chương trình phát hành cổ phiếu cho nông dân được đánh giá là một bước tiến cao hơn nữa trong mối liên hệ doanh nghiệp – nông dân, giúp nâng cao vị thế của người trồng lúa vùng ĐBSCL.

Ông Huỳnh Văn Thòn cho biết, lần đầu tiên nông dân ĐBSCL được tiếp cận với các khái niệm mới mẻ về cổ phiếu, cùng với tâm lý lo sợ rủi ro và hầu hết đều hạn chế khả năng tài chính nên một số nông dân còn e dè khi tham gia chương trình. Tuy nhiên, sau 6 tháng triển khai, hầu hết bà con cũng đã thông hiểu, việc quyết định hùn vốn của bà con nông dân đợt này thực sự bắt nguồn từ niềm tin mạnh mẽ và mong muốn gắn bó lâu dài, chiến lược với công ty để xây dựng thành công Chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo bền vững.

Đánh giá khả năng nhân rộng của hoạt động bán cổ phiếu ưu đãi cho nông dân, ông Phạm Văn Dư – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng, đây là xu hướng phát triển chung của nền kinh tế, trong đó có sự phát triển của nền nông nghiệp bền vững. Việc cổ phần hóa doanh nghiệp, đưa nông dân trực tiếp tham gia điều hành chuỗi giá trị lúa gạo, quyết định “số phận” những sản phẩm họ làm ra là yêu cầu cần thiết. “Trong quá trình thực hiện chắc chắn sẽ có những vướng mắc như hiểu biết của nông dân còn hạn chế, thiếu vốn, có người muốn đầu cơ… Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp tăng cường hỗ trợ nông dân, xử lý linh động các vấn đề thì chương trình sẽ có hiệu quả lớn và lâu dài” – ông Dư nhận định.Còn ông Nguyễn Minh Nhị – nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cũng đồng ý rằng, đây là bước tập dượt để nông dân tham gia sâu hơn vào việc đầu tư cho các nhà máy gạo của AGPPS trong thời gian tới.

Theo Thuận Hải (Nông Thôn Ngày Nay)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn