Truyền thông sản phẩm phải hướng đến mục đích cao nhất là lợi ích của cộng đồng
Cập nhật ngày: 01/11/2016 06:30:59
Cho đến nay, “cuộc chiến chống thực phẩm bẩn” với sự tham gia của người tiêu dùng, các tổ chức, cơ quan liên ngành đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong khi đó lại có một số đơn vị truyền thông và tổ chức nhân danh “cuộc chiến” này đưa ra thông tin thất thiệt, quảng cáo sai sự thật, thiếu kiểm chứng, gây hoang mang trong người tiêu dùng, tác động tiêu cực tới sản xuất trong nước.
Phải nói rằng, kể từ khi “Nói không với thực phẩm bẩn” không còn là một khẩu hiệu có tính chất hô hào, mà được đặt bên cạnh các tiêu chí, yêu cầu về luật pháp, hệ thống truyền thông ở Việt Nam đã vào cuộc mạnh mẽ, góp phần loại trừ khỏi thị trường những sản phẩm tiêu dùng “bẩn”, đồng thời một số mặt hàng sản xuất trong nước có chất lượng tốt đã được giới thiệu, quảng bá, mang niềm tin đến với người tiêu dùng. Ngày nay, các phương tiện truyền thông đóng một vai trò quan trọng trong việc nâng tầm thương hiệu, là cầu nối giữa doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh và người tiêu dùng, nhất là với những mặt hàng có chất lượng nhưng chưa có chỗ đứng trên thị trường. Như mới đây, thương hiệu kẹo Marou bất ngờ xuất hiện trên báo chí nổi tiếng, như New York Times (Thời báo Niu Oóc), Bloomberg (Bờ-lum-bớc) đã khiến cho nhiều người ngạc nhiên vì biết dây chuyền sản xuất loại sô-cô-la được ví “ngon nhất thế giới” được đặt ở một garage nhỏ tại TP Hồ Chí Minh, với nguyên liệu ca-cao trong nước. Hoặc tháng 6 vừa qua, cửa hàng bún chả Hương Liên (Hà Nội) được thực khách chú ý sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma. Rõ ràng là truyền thông đã góp phần không nhỏ trong việc nâng tầm những doanh nghiệp, hộ kinh doanh vừa và nhỏ vốn chịu sức ép cạnh tranh khốc liệt từ các thương hiệu lớn. Tuy nhiên, đáng tiếc là một số báo chí lại tạo ra những “thảm họa truyền thông” với thông tin sai lệch, ác ý, thậm chí nhằm “triệt hạ đối thủ”, và hiện tượng này phải được cảnh báo, vì không chỉ đơn thuần liên quan một hàng hóa hoặc thương hiệu, mà còn tác động tiêu cực tới doanh nghiệp và người lao động đã trực tiếp tham gia sản xuất hàng hóa, đẩy một số hàng hóa tiêu dùng trong nước vào tình trạng trì trệ, thậm chí phá sản.
Truyền thông đại chúng là nơi người tiêu dùng luôn gửi gắm niềm tin trong cuộc chiến chống “thực phẩm bẩn”, các sản phẩm kém chất lượng, độc hại với cơ thể người và môi trường sống. Vì lẽ đó, sản phẩm được quảng cáo, truyền thông rộng rãi trên báo chí trở thành lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng, nhất là các bà nội trợ. Thế nhưng một số tập đoàn, công ty đã lợi dụng điều này để quảng cáo thiếu trung thực với khách hàng. Thêm vào đó, một số cơ quan truyền thông vì lợi nhuận từ quảng cáo đã đăng tải các quảng cáo có nội dung sai sự thật về sản phẩm, hàng hóa. Trong hai tháng 7 và 8 vừa qua, hai hãng cà-phê tại Việt Nam chính thức thừa nhận từ năm 2012 đã bán sản phẩm cà-phê trộn đậu tương song không ghi thành phần này trên bao bì. Cùng thời điểm, một “ông lớn” trong thị trường nước giải khát đã phải thu hồi sản phẩm do thiếu hàm lượng Vitamin B9 so với tiêu chuẩn công bố trên loại đồ uống này. Chưa kể nhiều sản phẩm hạt nêm, mì gói, sữa tại Việt Nam hiện nay cố tình mập mờ trong các quảng cáo, tờ rơi khiến người dùng nhầm lẫn về tỷ lệ, thành phần nguyên liệu cũng như giá trị dinh dưỡng thật của các sản phẩm đó. Năm 2015, một công ty đã phải xin lỗi Bệnh viện Tim Hà Nội và khách hàng sau khi quảng cáo máy lọc nước của họ có thể… ngừa mỡ máu! Ngay tại các hệ thống siêu thị lớn cam kết bày bán thực phẩm sạch, nhiều hàng hóa kém chất lượng, hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc và xuất xứ vẫn được đóng gói, dán mác, xuất hiện trên các gian hàng… Và cũng phải nhắc tới các cuộc “khủng hoảng truyền thông” đầy tai tiếng như “hương liệu quá đát”, “dị vật trong chai nước”, “hàm lượng chì vượt quá mức cho phép nhiều lần”… Trong các trường hợp này, việc ngừng sử dụng các sản phẩm không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, yêu cầu nhà sản xuất bồi thường là hành động đứng đắn vì lợi ích, sức khỏe cộng đồng, là sự cảnh tỉnh đối với các cơ sở sản xuất. Nhưng cũng cần lên án một số cá nhân, tổ chức đã núp bóng dư luận, “ăn theo” cố tình thực hiện các hành vi bôi nhọ doanh nghiệp và các bên liên quan với thông tin mơ hồ, bịa đặt. Từ đầu năm 2016 đến nay, nhiều “chiến dịch tẩy chay” hàng tiêu dùng sản xuất trong nước xuất hiện trên các website, blog, mạng xã hội với những thông tin, hình ảnh kích động cộng đồng mạng, đe dọa nhà sản xuất thu hút từ vài trăm đến hàng nghìn lượt like, lượt bình luận khiến không thể không đặt câu hỏi về động cơ của người đứng sau những việc làm đó. Nhất là khi quản trị viên trên các fanpage chia sẻ “phương pháp tẩy chay hiệu quả” để khủng bố tâm lý nhà phân phối, đại lý bán lẻ trên thị trường, ép buộc họ ngưng nhập và bán các mặt hàng này, ngay cả khi được chứng nhận không gây nguy hiểm cho sức khỏe người dùng. Ở Việt Nam, Luật Cạnh tranh có hiệu lực từ ngày 1-7-2005 quy định cụ thể tại khoản 9 Điều 39 và Điều 45 về quảng cáo bị cấm. Luật Quảng cáo cùng các Nghị định 158/2013/NĐ-CP, 71/2014/NĐ-CP cũng đề cập vấn đề khi đưa ra quy định chi tiết về các hành vi quảng cáo sai phạm cũng như khung hình phạt. Tuy nhiên, dường như mức phạt cho mỗi sai phạm chưa tương ứng so với lợi nhuận mà doanh nghiệp đã thu được từ các quảng cáo sai sự thật, nên chưa đủ sức răn đe?
Trên thế giới, các thủ đoạn này được gọi là False advertising (quảng cáo sai sự thật) và nhiều hãng thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng trên thế giới từng phải nhận án phạt nặng nề vì hành vi này. Năm 2010, Ủy ban thương mại Liên bang Mỹ phạt hãng Kellogg với 2,5 triệu USD vì quảng cáo sản phẩm của họ giúp tăng cường hệ miễn dịch 25% so với các thực phẩm cùng loại. Ba năm sau, hãng này tiếp tục phải nộp phạt 4 triệu USD sau khi tuyên bố bánh mì của họ giúp người tiêu dùng thông minh hơn! Năm 2014, hãng đồ uống Redbull phải chi 13 triệu USD bồi thường cho khách hàng vì quảng cáo sản phẩm của họ nói vống lên là có thể nâng cao thể lực, tinh thần cho người dùng. Ở Việt Nam, có thể coi việc vừa qua một tờ báo phải gỡ bỏ những bài viết về nước mắm trên trang online, gửi lời xin lỗi đến người dân, bạn đọc, nhà sản xuất có sản phẩm liên quan vì loạt bài có nội dung sai lệch nghiêm trọng với kết luận của Bộ Y tế về nước mắm truyền thống, là một thí dụ điển hình. Dù chủ quan, thiếu kinh nghiệm hay có ý đồ gì đi nữa thì các bên liên quan cuộc “khủng hoảng truyền thông nước mắm” vừa qua đã gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống. Nếu dư luận không kịp thời lên tiếng thì hệ lụy rất khó tránh khỏi của việc làm này là đẩy sản xuất nước mắm truyền thống vào tình trạng đình đốn, ngư dân đánh bắt cá cung cấp cho doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống sẽ không bán được cá, người lao động làm việc trong các doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống bị thất nghiệp, các doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống điêu đứng… thì đâu là trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đã gây ra sự việc này? Đây không phải lần đầu một số doanh nghiệp rơi vào tình cảnh khó khăn vì trên truyền thông xuất hiện các bài báo có mục đích “bảo vệ lợi ích” người tiêu dùng nhưng tác dụng thì ngược lại. Cho đến nay, bản án “xúc xích chứa ung thư” vẫn treo lơ lửng trên đầu một hãng thực phẩm khi nhiều tờ báo không gỡ bài hay cải chính thông tin, dù Bộ Y tế đã xác nhận chất phụ gia Sodium Nitrate trong sản phẩm của họ an toàn với sức khỏe người tiêu dùng. Đó là chưa kể, nhiều trang tin tức, giải trí đăng tải những nguồn tin thiếu kiểm chứng về “cá hồi là thực phẩm gây ung thư”, “xoài nhựa”, “thịt bò có màu óng ánh”, “khoai lang chuyển xanh”… gây hoang mang cho cộng đồng. “Chờ được vạ thì má cũng sưng”, nhiều tiểu thương, hộ gia đình nuôi trồng nhỏ lẻ chỉ còn biết kêu trời vì tin đồn xuất phát từ “sự thông thái rởm” của các trang tin tức điện tử có khuynh hướng “lá cải” và một bộ phận cư dân mạng.
An toàn thực phẩm là vấn đề lớn, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người và môi trường sống. Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ trưởng các bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương tăng cường thanh tra, kiểm tra. Quyết tâm ấy thể hiện thông qua các hành động sát sao của Chính phủ trong nhiều vụ việc, mà gần nhất là chỉ đạo của Thủ tướng về việc làm rõ, công khai thông tin chất lượng nước mắm sau sự cố truyền thông. Hy vọng sự nghiêm minh của pháp luật, ý thức và thái độ nghiêm túc của các cơ quan truyền thông sẽ sớm góp phần chấn chỉnh tình trạng thông tin vô trách nhiệm, làm ảnh hưởng xấu tới môi trường sản xuất, kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp làm ăn trung thực. An toàn thực phẩm đi liền với cạnh tranh lành mạnh và sự hỗ trợ của truyền thông lành mạnh. Vì thế, hoạt động kinh doanh, quảng cáo, truyền thông sản phẩm phải hướng đến mục đích cao nhất là lợi ích của cộng đồng. Và lợi nhuận, niềm tin của người tiêu dùng cũng từ đó mà ra.
Hoàng Anh/NDĐT