Xăng dầu bất ngờ tăng giá sớm từ 19 giờ ngày 30/1
Cập nhật ngày: 31/01/2023 05:50:03
Theo quy định thì ngày 1/2 sắp tới mới đến kỳ điều chỉnh giá xăng dầu bán lẻ ở thị trường nội địa nhưng 19 giờ ngày 30/1, liên bộ Công thương - Tài chính đã bất ngờ ra quyết định cho phép doanh nghiệp tăng giá bán lẻ xăng dầu với mức tăng gần 1.000 đồng/lít đối với xăng và giá các loại dầu cũng tăng mạnh.
Tối 30/1, giá xăng dầu bất ngờ tăng mạnh trước dự đoán của người dân (Ảnh: VĂN PHÚC)
Theo đó, kể từ 19 giờ ngày 30/1, giá xăng E5/RON92 tăng thêm 977 đồng/lít lên 22.329 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 993 đồng/lít lên 23.147 đồng/lít; dầu diesel 0.05S tăng 890 đồng/lít lên 22.524 đồng/lít; dầu hỏa tăng 767 đồng/lít lên 22.576 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S tăng 568 đồng/kg lên 13.934 đồng/kg.
Theo Bộ Công thương, sở dĩ điều chỉnh giá xăng dầu sớm so với quy định là do diễn biến giá xăng dầu thế giới tăng cao, ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu trong nước và tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân.
Do đó, liên bộ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép điều hành giá xăng dầu vào ngày 30/1/2023.
Kỳ điều hành này, mặt hàng xăng dầu tăng cao, để hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, ổn định nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sử dụng xăng dầu sau dịp Tết Nguyên đán năm 2023, liên bộ Công thương – Tài chính quyết định tăng mức chi Quỹ Bình ổn giá đối với mặt hàng xăng E5/RON92 lên mức 850 đồng/lít, xăng RON95 lên mức 950 đồng/lít; giảm mức trích lập quỹ đối với tất cả các mặt hàng dầu về mức 200 đồng/lít/kg, để giá các mặt hàng xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới.
Nếu không xả mạnh quỹ, giá xăng sẽ tăng tới 2.000 đồng/lít (Ảnh: VIẾT CHUNG)
Theo nhận định của một số chuyên gia, việc xả quỹ đã giúp giá xăng dầu tại kỳ điều chỉnh này không tăng sốc như dự báo. Bởi theo nhận định của các doanh nghiệp, nếu không xả quỹ và vẫn giữ mức trích lập thì giá xăng có thể tăng thêm gần 2.000 đồng/lít.
Phương án điều hành giá xăng dầu nêu trên nhằm góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường; bảo đảm biến động giá xăng dầu trong nước cơ bản phù hợp với biến động của giá xăng dầu thế giới.
Đồng thời bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường, giúp hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu duy trì, cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước; hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân.
Theo VĂN PHÚC (SGGP)