Bài giải, đề thi môn Văn THPT quốc gia 2016
Cập nhật ngày: 02/07/2016 13:40:27
Đề thi môn Ngữ văn THPT quốc gia năm 2016:
Gợi ý lời giải môn Ngữ văn THPT quốc gia 2016:
Bài giải do Thạc sĩ Nguyễn Thị Thủy Anh - Tổ trưởng tổ Xã hội, trường THPT Quốc tế Việt Úc (Hà Nội) và Thạc sĩ Phí Thị Phương Thanh - Nhóm trưởng nhóm Văn, trường THPT Quốc tế Việt Úc (Hà Nội) thực hiện tại tòa soạnZing.vn.
Phần I: Đọc hiểu
Câu 1:
Sự mượt mà và tinh tế của Tiếng Việt được thể hiện ở những từ ngữ sau:
Vầng trăng cao đêm cá lặn sao mờ, tiếng Việt như bùn và như lụa, óng tre ngà và mềm mại như tơ.
Câu 2:
Hai biện pháp tu từ: So sánh và ẩn dụ
- So sánh: tiếng tha thiết nói thường nghe như hát, Như gió nước không thể nào nắm bắt.
- Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác: Nghe mát lịm ở đầu môi tiếng suối.
Câu 3:
Nội dung chính của đoạn trích:
Đoạn trích thể hiện sự mượt mà và tinh tế của tiếng Việt. Qua đó bày tỏ niềm tự hào của tác giả Lưu Quang Vũ về vẻ đẹp và giá trị của ngôn ngữ dân tộc.
Câu 4:
Từ đoạn trích bày tỏ cảm nghĩ của mình về tiếng Việt:
Tiếng Việt là ngôn ngữ chính để tạo ra bản sắc riêng của dân tộc, là thành quả đáng tự hào của người Việt Nam trong suốt 4000 năm dựng nước và giữ nước. Tiếng Việt của chúng ta mượt mà, tinh tế, giúp chúng ta không chỉ giao tiếp mà còn bày tỏ tiếng nói, tâm tư, tình cảm.
Hơn nữa, ngôn ngữ là một phần khẳng định chủ quyền độc lập của Tổ quốc ta. Trải qua hàng ngàn năm đấu tranh, cha ông ta đã giữ gìn tiếng mẹ để đến hôm nay. Vì thế chúng ta cần trân trọng, phát huy cái hay và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
Câu 5:
Phương thức biểu đạt chính: nghị luận.
Câu 6:
Vẻ bề ngoài đẹp đẽ của “cuộc sống riêng không biết gì hết ở bên kia ngưỡng cửa nhà mình” thể hiện rõ nhất qua hình ảnh so sánh: “một cuộc sống nghèo nàn, giống như một mảnh vườn được chăm sóc cẩn thận đầy hoa thơm sạch sẽ và gọn gàng”.
Câu 7:
Tác giả cho rằng: “Số phận của những cái tuyệt đối cá nhân, không bộc lộ ra khỏi bản thân, chẳng có gì đáng thèm muốn” vì cuộc sống của những cá nhân như vậy sẽ nghèo nàn, nhàm chán với một hạnh phúc mong manh.
Đó là một cuộc sống thiếu khát vọng, không có sự khẳng định, dấu ấn cá nhân, chỉ an toàn trong một “mảnh vườn” sạch sẽ, gọn gàng. Cuộc sống khép kín sẽ khiến con người trì trệ, khó thích nghi khi bị giông bão tràn đến, và hơn nữa sẽ khiến ta chìm trong cô đơn, buồn phiền, chán nản.
Câu 8:
Cuộc sống của con người khi thoát ra khỏi “cái tuyệt đối cá nhân”:
- Khi thoát ra khỏi cuộc sống cá nhân êm đềm, bằng phẳng trong ngưỡng cửa nhà mình, con người sẽ vươn ra cuộc đời rộng lớn bên ngoài ngưỡng cửa. Đó là một cuộc sống nhiều thử thách, phong ba nhưng là một cuộc sống đích thực mà mỗi người cần vươn đến: “Đời phải trải qua giông tố nhưng không được cúi đầu trước giông tố”.
- Con người sẽ phải đối mặt với chông gai, khó khăn nhưng đó sẽ là cơ hội để con người khẳng định năng lực, bản lĩnh, khát vọng, ước mơ của mình.
- Khi được trải nghiệm, dấn thân: con người sẽ mạnh mẽ, kiên cường, dũng cảm hơn. Đó là yếu tố rất quan trọng để chạm đến thành công.
- Cuộc sống thử thách với nhiều khát vọng sẽ cho mỗi người cảm nhận được giá trị thực sự của cá nhân mình: “Hãy luôn khát khao, hãy cứ dại khờ”.
Phần II: Làm văn
Câu 1:
Về hình thức: 0,5 điểm
- Đảm bảo cấu trúc của bài nghị luận: có đủ ba phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài giới thiệu được vấn đề (giới thiệu ý kiến và khái quát vấn đề nghị luận), thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.
- Dung lượng: Bài viết khoảng 600 chữ.
- Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.
Về sáng tạo: 0,25 điểm
Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.
Về nội dung:
- Xác định đúng vấn đề nghị luận: Hậu quả của sự hèn nhát và sức mạnh của dũng khí. (0,5 điểm)
- Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm, vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lý lẽ và dẫn chứng, rút ra bài học nhận thức và hành động.
Cụ thể như sau:
1. Mở bài:
- Giới thiệu vấn đề: Trong cuộc sống, hèn nhát và dũng cảm là hai nét tính cách luôn song song tồn tại. Làm thế nào để chiến thắng được sự hèn nhát và rèn luyện được dũng khí, đó luôn là sự trăn trở trong suốt cuộc đời của mỗi người.
- Giới thiệu nhận định: Bàn về điều này, đã có nhận định “Sự hèn nhát khiến con người tự đánh mất mình, còn dũng khí lại giúp họ được là chính mình”
2. Thân bài:
a. Giải thích ý kiến: (0,25 điểm)
- Sự hèn nhát: là trang thái luôn sợ hãi, nhút nhát, không dám đối mặt với những biến động của cuộc sống, những khó khăn nảy sinh trong nghịch cảnh mà chỉ co mình trong sự an toàn.
- Dũng khí: là lòng dũng cảm, bản lĩnh, khí chất, nội lực và sức mạnh bên trong của con người. Nó thể hiện ở khát khao vươn đến những điều lớn lao và chinh phục những khó khăn của cuộc sống.
- Tự đánh mất mình: không còn là mình, là hậu quả của sự hèn nhát. Đó là khi con người sống mờ nhạt, không khẳng định được dấu ấn cá nhân, năng lực bản thân và không có sự đóng góp cho xã hội.
- Được là chính mình: là khi con người sống đúng với khả năng, khát vọng, ước mơ của bản thân và phát huy được sở trường, sức mạnh của cá nhân, có được những đóng góp tích cực cho xã hội.
-> Nội dung của ý kiến: chỉ ra hậu quả của sự hèn nhát và vai trò, sức mạnh của dũng khí. Từ đó, câu nói nhắn nhủ chúng ta cần chiến thắng được sự hèn nhát và sống mạnh mẽ, bản lĩnh để khẳng định dấu ấn cá nhân của mình trong cuộc đời.
b. Bàn luận ý kiến: (1,25 điểm)
Khẳng định thái độ sống được nêu ra trong câu nói là đúng hay sai, hợp lý hay không hợp lý. Bày tỏ thái độ, suy nghĩ về ý kiến bằng những lý lẽ, dẫn chứng phù hợp, có sức thuyết phục.
Đây là một ý kiến đúng đắn, sâu sắc và đáng để suy ngẫm.
- Hậu quả của sự hèn nhát: khiến con người tự đánh mất mình:
+ Khi hèn nhát, con người sẽ không dám thể hiện năng lực cá nhân, từ đó sẽ mất đi nhiều cơ hội để thành công trong cuộc sống.
+ Người hèn nhát sẽ không dám bày tỏ ý kiến của cá nhân mà thường im lặng trong sự an toàn. Điều đó khiến con người dễ bị dụ dỗ, sa ngã hoặc tiếp tay cho cái xấu, cái ác.
+ Những người hèn nhát: không có ước mơ, khát vọng nên cuộc sống sẽ tẻ nhạt, tầm thường.
+ Sống hèn nhát sẽ khiến con người thiếu đi sức mạnh, bản lĩnh để đối mặt và vượt qua những chông gai, thử thách và dễ bị gục ngã, thất bại.
- Vai trò, sức mạnh của dũng khí:
+ Giúp con người sống mạnh mẽ, bản lĩnh, tự tin.
+ Người có dũng khí sẽ chủ động đối diện với khó khăn, thử thách và luôn tìm được cách để chiến thắng hoàn cảnh, từ đó đạt đến thành công.
+ Dũng khí sẽ giúp cho con người có thể vượt qua những cám dỗ của cuộc sống để giữ gìn phẩm chất tốt đẹp của bản thân, không bị tha hoá vì hoàn cảnh.
+ Giúp cho con người vươn đến những điều lớn lao, tốt đẹp trong cuộc sống, thực hiện được ước mơ và khát vọng của bản thân.
c. Bài học nhận thức và hành động: (0,25 điểm)
- Câu nói giống như một kim chỉ nam về tư tưởng và hành động, giúp cho mỗi người nhận thức được hậu quả của sự hèn nhát và vai trò của dũng khí trong việc khẳng định các nhân.
Từ đó, mỗi chúng ta sẽ rèn luyện cho mình lòng dũng cảm, sự mạnh mẽ để đối mặt và chiến thắng được những chông gai, thử thách trong cuộc sống.
- Liên hệ cá nhân: vai trò của câu nói với cá nhân của mỗi người.
3. Kết bài: Khái quát lại vấn đề
Mỗi người hãy vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân và cách sống “trong bao” để mạnh mẽ, dũng cảm, dấn thân và trải nghiệm những điều kỳ diệu của cuộc sống. Khi đó bạn sẽ cảm nhận được giá trị của cá nhân mình trong biển đời mênh mông.
Câu 2:
Về hình thức: 0,5 điểm
Đảm bảo cấu trúc của bài nghị luận: có đủ ba phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.
Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.
Về sáng tạo: 0,5 điểm
Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.
Về nội dung:
Xác định đúng vấn đề nghị luận: (0,5 điểm)
Phân tích tình huống truyện của tác phẩm “Vợ nhặt” của Kim Lân để làm sáng tỏ ý kiến: Trong truyện ngắn vợ nhặt nhà văn Kim Lân đã xây dựng được một tính huống bất thường để nói lên khát vọng bình thường mà chính đáng của con người.
Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm, thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lý lẽ và dẫn chứng.
Cụ thể như sau: (2,5 điểm)
1. Mở bài:
- Giới thiệu tác giả Kim Lân, tác phẩm “Vợ nhặt”: Kim Lân thuộc hàng những cây bút truyện ngắn tài năng của văn học Việt Nam hiện đại. Ông là cây bút “một lòng đi về với đất với người, với thuần hậu nguyên thủy ở nông thôn Việt Nam”.
Ông thường viết về nông thôn và những con người dân quê, lam lũ hồn hậu, chất phác mà giàu tình yêu thương. “Vợ nhặt” là một trong những sáng tác tiêu biểu của ông.
- Giới thiệu nhận định: Trong truyện ngắn vợ nhặt nhà văn Kim Lân đã xây dựng được một tính huống bất thường để nói lên khát vọng bình thường mà chính đáng của con người.
- Giới thiệu vấn đề nghị luận: Ý kiến trên đã chỉ ra cái hay của tình huống truyện trong tác phẩm “Vợ nhặt”.
2. Thân bài:
- Khái quát truyện “Vợ nhặt”: “Vợ nhặt” được coi là truyện ngắn xuất sắc nhất của Kim Lân. Tiền thân của truyện vốn là tiểu thuyết “Xóm ngụ cư” (cuốn tiểu thuyết được viết ngay sau Cách mạng tháng Tám nhưng dang dở và thất lạc bản thảo).
Hoà bình lập lại, Kim Lân dựa vào một phần cốt truyện cũ để viết truyện ngắn này. “Vợ nhặt” mang dấu ấn của cả một quá trình nghiền ngẫm lâu dài về nội dung và chiêm nghiệm kỹ lưỡng về nghệ thuật.
Với “Vợ nhặt”, Kim Lân bộc lộ một quan điểm nhân đạo sâu sắc của mình. Nhà văn phát hiện ra vẻ đẹp kỳ diệu của người lao động trong sự túng đói quay quắt, trong bất kỳ hoàn cảnh khốn khổ nào, con người vẫn vượt lên cái chết, hướng về cuộc sống gia đình, vẫn yêu thương nhau và hy vọng vào ngày mai. Tiêu biểu cho những con người đó là nhân vật Tràng.
- Giải thích ý kiến:
+ Tình huống bất thường: Là tình huống đặc biệt, mang tính nghịch cảnh, éo le, trớ trêu được tạo dựng trên cơ sở những mâu thuẫn.
+ Khát vọng bình thường: Khát vọng là những mong muốn mãnh liệt mang tính nhân bản, bản chất trong mỗi con người. Đó là quyền sống, mưu cầu hạnh phúc và được sống cho ra sống.
- Tình huống nghệ thuật bất thường trong truyện ngắn:
+ Tình huống xuất hiện ngay từ nhan đề: Nhan đề ấn tượng sâu sắc, kích thích trí tò mò, chú ý của người đọc, hé mở tình huống đặc sắc của tác phẩm.
Nhặt là một động từ chỉ những hành động ngẫu nhiên, thờ ơ, không chủ tâm để lấy một vật gì đó thường là từ dưới đất lên, một vật hoặc quá nhỏ bé nên không ai để ý hoặc không còn giá trị nên bị người ta vứt bỏ.
Vợ là một phần quan trọng của cuộc đời người đàn ông, lấy vợ là một trong những việc lớn của đời người, một việc thường được thực hiện theo phong tục truyền thống của ng Việt với các bước mai mối, dạm hỏi, cưới xin… trang trọng.
Nhưng với từ nhặt làm định ngữ vợ nhặt đã khiến ng đọc phần nào suy đoán được giá trị của ng vợ khi được nhặt về chẳng khác nào cỏ rác; cũng đồng thời hình dung được tình cảnh của ng chồng khi một việc lớn lao, trọng đại của đời ng lại được thực hiện bởi một hành động ngẫu nhiên, thờ ơ và không chủ tâm như vậy.
Tóm lại, nhan đề hàm chứa sự mâu thuẫn, éo le đã góp phần thể hiện những giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc cho tác phẩm, giúp nhà văn phản ánh tình cảnh thê thảm và thân phận tủi nhục của những ng nông dân nghèo trong nạn đói năm 1945.
+ Tình huống được tạo dựng trên cơ sở những mâu thuẫn, trớ trêu được đẩy đến tận cùng giới hạn. Sự trớ trêu đầu tiên xuất hiện ở nhân vật Tràng - chủ thể của hành động nhặt vợ.
Tràng là người mà ngay trong hoàn cảnh bình thường cũng ít có khả năng lấy được vợ - hắn là dân ngụ cư với địa vị lép vế trong làng xã, lại nghèo khổ, xấu xí, thô kệch và hơi dở tính. Vậy mà Tràng lại lấy được vợ, thậm chí chóng vánh, dễ dàng đến mức chính hắn cũng không tin nổi. Sự trớ trêu thứ hai đặt ra ở hoàn cảnh nhặt vợ của Tràng.
Hôn nhân là biểu tượng của cuộc sống gia đình, của sự sinh con đẻ cái, của sự sống. Vậy mà việc nhặt vợ của Tràng lại diễn ra vào thời điểm khủng khiếp nhất của nạn đói Ất Dậu, khi xóm ngụ cư của Tràng bao trùm không khí chết chóc lạnh lẽo.
Tình huống éo le đã được tạo ra bởi sự đối đầu khốc liệt giữa sự sống và cái chết, giữa hạnh phúc và đau khổ, giữa hy vọng và tuyệt vọng, giữa ấm áp của tình người với lạnh lẽo thê lương của chết chóc…
Tình huống trớ trêu ấy đã gây ngạc nhiên cho tất cả mọi người dân: xóm ngụ cư thì thầm phỏng đoán, bà cụ Tứ không tin nổi vào mắt và tai mình; và ngay cả Tràng cũng ngờ ngợ, bàng hoàng như đang trong một giấc mơ.
- Giá trị của tình huống:
+ Khiến câu chuyện trở nên hấp dẫn và góp phần thúc đẩy cốt truyện phát triển.
+ Giúp nhà văn phản ánh chân thực bức tranh hiện thực của làng quê: cảnh xóm ngụ cư ngập tràn âm khí là hình ảnh thu nhỏ của xã hội Việt Nam trong nạn đói 1945.
Bề sâu của hiện thực là cái đói khiến giá trị của con người trở nên rẻ rúng, những điều đẹp đẽ thiêng liêng như hạnh phúc gia đình - một đám cưới trở nên bi hài, chua chát.
Đói khát khiến con người thay đổi và bị hủy hoại từ hình hài đến nhân cách, con người không được sống cho ra con người. Tràng và thị nên vợ nên chồng chỉ bằng một câu hò vu vơ và bốn bát bánh đúc.
+ Giá trị của tình huống truyện đặc biệt đã thể hiện những nét sâu đậm nhất của tư tưởng nhân đạo trong việc khẳng định, ngợi ca, trân trọng những khát vọng bình thường mà chính đáng của con người. Điều này được bộc lộ được vẻ đẹp phẩm chất của nhân vật qua diễn biến tâm trạng và hành động của họ trước việc Tràng nhặt vợ:
~ Tình huống truyện đã cho thấy cái đói và cái chết không làm con người ta mất đi lòng nhân ái: thể hiện trong việc nhặt vợ của Tràng - chia sẻ miếng ăn với người xa lạ, đói khát; trong cách Tràng đối xử và suy nghĩ về người phụ nữ đi theo mình đầy yêu thương không hề rẻ rúng.
Đặc biệt là sự ứng xử và nỗi niềm của bà cụ Tứ với người con dâu. Chấp nhận người đàn bà xa lạ, coi là dâu là con, lo lắng, yêu thương, chia sẻ với người khác trong hoàn cảnh khốn cùng là biểu hiện cao nhất của tinh thần lá lành đùm lá rách.
~ Tình huống truyện giúp người đọc nhận ra khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc của con người không bị mất đi mà mãnh liệt hơn bao giờ hết: Tràng quyết định nhặt vợ sau một thoáng phân vân do dự, cảm giác mới mẻ hạnh phúc, trạng thái êm ái lửng lơ trong lòng Tràng sau khi có được vợ.
Khuôn mặt rạng rỡ chung vui của người dân xóm ngụ cư. Nét mặt nhẹ nhõm, tươi tỉnh của bà cụ Tứ. Thị theo Tràng về nhà lúc đầu vì miếng ăn nhưng khi biết gia cảnh thực sự của Tràng, thị đã không hề chạy trốn mà ở lại và mang lại sinh khí cho gia đình đó, bản thân thị cũng trở lại hình ảnh một người phụ nữ hiền hậu, đúng mực, vợ hiền dâu thảo...
Tất cả là biểu hiện rõ nhất của niềm khát khao hạnh phúc mang tính bản năng, thường trực bị khuất lấp bởi cái đói đã xuất hiện một cách đầy bất ngờ. Chính khát vọng hạnh phúc lại mang đến cho họ sức mạnh vượt lên trên cái đói và cái chết.
~ Tình huống truyện đã khẳng định đói, khát không làm con người mất đi hi vọng vào một tương lai tươi sáng, tốt đẹp: Những câu nói đầy lạc quan của bà cụ Tứ với đôi vợ chồng trẻ; Tràng mua hai hào dầu thắp sáng gian nhà trong đêm tân hôn nhưng cũng là sua tan bóng tối ngập đầy trong truyện ngắn; cảnh thu dọn nhà cửa vào sáng hôm sau... là những chi tiết cho thấy những người lao động đói khổ không bao giờ bị quan tuyệt vọng mà tràn đầy lạc quan tin tưởng để sống và yêu thương.
~ Đặc biệt, hình ảnh là cờ bay phấp phới trong tâm trí Tràng ở cuối truyện đã khẳng định chắc chắn những khát vọng bình thường mà chính đáng của con người trong tình huống bất thường không hão huyền, viển vông, là tín hiểu chắc chắn đã và sẽ hiện hữu.
- Khái quát lại: Khẳng định ý kiến đã chỉ rõ những ý nghĩa sâu sắc của tình huống truyện.
3. Kết bài:
“Vợ nhặt” là truyện ngắn xuất sắc nhất của Kim Lân, là tác phẩm giàu giá trị hiện thực, nhân đạo; là bài ca về khát vọng sống và khát vọng hạnh phúc ở những người nghèo khổ, ca ngợi niềm tin bất diệt vào tương lai tươi sáng của con người.
Truyện xây dựng thành công hình tượng nhân vật Tràng, một người lao động nghèo khổ mà ấm áp tình thương, niềm hi vọng, lạc quan qua cách dựng tình huống truyện và dẫn truyện độc đáo, nhất là ngòi bút miêu tả tâm lý tinh tế, khiến tác phẩm mang chất thơ cảm động và hấp dẫn.
D.Út (Nguồn Zing.vn)