Xin hủy kết quả trúng tuyển đợt 1, thí sinh có còn cơ hội trúng tuyển?

Cập nhật ngày: 31/08/2016 13:35:00

Nhiều thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng 1 nay lại muốn rút hồ sơ nộp vào các trường khác trong đợt xét tuyển bổ sung.

Với lượng thí sinh ảo lớn, khoảng 50-60%, nhiều trường thiếu chỉ tiêu nguyện vọng 1. Cả nước có 163 trường ĐH  thông báo xét tuyển bổ sung lần 1, trong đó nhiều trường hạ điểm xét tuyển. Đặc biệt có đến 18 trường quân đội công bố tuyển bổ sung trên 1.000 chỉ tiêu vào hệ quân sự, hạ mức điểm nhận hồ sơ, đa số ở ngưỡng 18-20 điểm.

Khối trường quân sự, vốn là ưu tiên lựa chọn của rất nhiều thí sinh do không mất chi phí đào tạo, không phải lo tìm việc sau khi tốt nghiệp. Những năm trước, các trường này thường tuyển đủ chỉ tiêu ngay ở nguyện vọng 1, nên nếu đã trượt thí sinh không còn cơ hội thứ 2. Điều này khiến không ít thí sinh năm nay dù đã trúng tuyển vào một trường nào đó nhưng vẫn không khỏi tiếc nuối.


Nhiều thí sinh muốn rút hồ sơ để nộp vào các trường quân đội, an ninh (Ảnh minh họa).

Hạ điểm chuẩn, thí sinh “tiếc đứt ruột"

Có không ít thí sinh cho biết ở lần xét tuyển đầu tiên, các em không đỗ vào trường mình mong muốn, tuy nhiên đến lần xét tuyển bổ sung, trường lại bất ngờ hạ điểm xét tuyển. Vì thí sinh đã xác nhận nhập học tại một trường khác nên muốn rút hồ sơ xét tuyển lần nữa cũng không được.

Thí sinh Phạm Quang Hưng cho biết, ban đầu đã nộp vào Đại học Điện lực và Học viện Phòng không không quân, nhưng chỉ đỗ Đại học Điện lực. Đến lần xét tuyển bổ sung, Học viện Phòng không không quân lại bất ngờ hạ điểm, Hưng có đến xin rút lại hồ sơ nhưng trường thông báo là không được phép.

Thí sinh Hải Yến, đăng ký vào Viện đại học Mở và Đại học Sư phạm Hà Nội 2 ở lần xét tuyển đầu tiên. Yến tâm sự: “Nguyện vọng 1 trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 lấy 28.75, em bị thiếu 0.13 điểm. Sau khi xác nhận học tại  Đại học Mở, trường Đại học Sư phạm lại lấy rút điểm nguyện vọng bổ sung lần 1 xuống còn 27 điểm. Em đã sang trường Mở nhiều lần xin rút hồ sơ để nộp nguyện vọng vào trường Sư phạm, tuy nhiên trường thông báo em không thể nộp hồ sơ vào bất kỳ trường nào khác. Em thấy bản thân và nhiều bạn như em khá thiệt thòi khi không được nộp vào trường mình thích. Trong khi đó các bạn điểm thấp hơn lại có cơ hội”.

Dù đã được Viện Đại học Mở giải thích và tư vấn, Hải Yến cho biết, đến tận ngày cuối cùng em vẫn sẽ quay lại Viện đại học Mở xin rút hồ sơ nộp vào Đại học Sư Phạm Hà Nội 2.

Phương Thảo, lặn lội từ Thái Nguyên lên Hà Nội vào ngày thứ 2 trước khi kết thúc đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung lần 1 để xin rút hồ sơ từ Bách Khoa sang Học viện Phòng Không Không Quân. Em chia sẻ: “Không phải không thích Bách khoa, nhưng nếu theo học tại các trường quân đội sẽ không mất học phí, lại có cơ hội việc làm cao sau khi ra trường nên em muốn rút hồ sơ”.

Thiếu 0.15 điểm vào Đại học Công Nghiệp Hà Nội, thí sinh Đoàn Đức Giỏi tiếc nuối:"Em đăng ký vào Đại học Công nghiệp và Viện Đại học Mở ở nguyện vọng 1 nhưng trượt Đại học Công nghiệp. Em đành nộp hồ sơ nhập học tại trường Mở. Đợt tuyển bổ sung Đại học Công nghiệp lấy thêm 1000 chỉ tiêu vào ngành mà em đã chọn và đương nhiên điểm chuẩn hạ tới hơn 1 điểm. Trong khi đó lúc trước em thiếu có 0.15 điểm”.

Rút hồ sơ nộp trường khác thí sinh có cơ may đỗ?

Trong đợt xét tuyển bổ sung lần 1 nhiều trường hạ điểm chuẩn xét tuyển, có trường lên đến 2- 3 điểm. Dù mới chỉ là điểm nhận hồ sơ, nhưng nếu với tình trạng ảo cao, lượng hồ sơ không nhiều, có lẽ sẽ có nhiều trường điểm trúng tuyển có khả năng thấp hơn nguyện vọng 1. Do đó không ít thí sinh sau khi nhận được thông báo các trường hạ điểm chuẩn vội vã đi xin rút hồ sơ.

Theo PGS TS Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng trường Đại học Bách Khoa Hà Nội trường có khoảng 30 em đến xin rút hồ sơ để nộp vào trường khác. Ngày 20, 21/8 mới chỉ  lác đác vài thí sinh đến xin rút, nhưng đến ngày 23, 24/8 sau khi các trường khối quân đội, công an công bố hạ điểm chuẩn, thí sinh cảm thấy mình có cơ hội nên đến trường xin rút hồ sơ ồ ạt.

Thầy Tớp cho hay, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tuyển sinh CĐ, ĐH 2016, nếu thí sinh đã xác nhận nhập học, thì không thể tham gia xét tuyển lần kế tiếp ở các trường khác. Như vậy, với những em đã đăng ký học tại 1 trường bất kì, đến lần xét tuyển bổ sung điểm có cao hơn mức điểm chuẩn xét tuyển thì cũng không thể nộp hồ sơ lần nữa.

“Chúng tôi rất lấy làm tiếc về vấn đề này. Dù nhà trường đã giải thích, tư vấn là không thể nộp nguyện vọng và yêu cầu cam kết nếu không nộp được hồ sơ vào các trường khác thì phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.  Tuy vậy vẫn có người xin rút, có người khi không thể nộp hồ sơ vào các trường quân đội lại cho rằng Đại học Bách khoa chưa tháo hồ sơ, nhờ chỗ nọ nhờ chỗ kia kiến nghị. Mặc dù các em đã rút nhưng trên cơ sở dữ liệu của Bộ vẫn còn. Chính vì vậy thí sinh không thể nhập học tại các trường khác. Về nguyên tắc chúng tôi vẫn có thể nhập học lại cho các em. Nhưng chúng tôi không xét nữa, để dành chỉ tiêu cho đợt xét tuyển bổ sung”, thầy Tớp nói.

Nhận định về vấn đề nhiều trường lấy điểm xét tuyển nguyện vọng bổ sung lần 1 thấp hơn điểm nguyện vọng 1, Phó hiệu trưởng ĐH Bách Khoa Hà Nội cho rằng: “Không nên hạ mức điểm chuẩn để các thí sinh cảm thấy bị thiệt. Có nhiều em sau khi rút hồ sơ lại không thể nộp vào trường khác, đến khi quay lại cũng không được, như vậy vô tình các em lại chẳng đỗ được trường nào. Chỉ nên để điểm trúng tuyển nguyện vọng bổ sung bằng hoặc cao hơn điểm nguyện vọng 1”. Thầy cũng cho biết thêm, Đại học Bách khoa sẽ kiên quyết không lấy điểm trúng tuyển nguyện vọng bổ sung thấp hơn nguyện vọng 1 dù có thiếu thí sinh.

Một Hiệu trưởng của một trường cao đẳng tại Hà Nội cho rằng: “Cách làm như vậy ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý của thí sinh. Cụ thể ở nguyện vọng 1 các trường nghĩ lựa chọn mức điểm đó để chọn thí sinh tốt nhất, tuy nhiên  không đủ thí sinh, các trường lại hạ điểm để tuyển thêm. Các em trượt ở nguyện vọng 1 mà không thể nộp tiếp hồ sơ ở nguyện vọng bổ sung sẽ cảm thấy bất công. Đôi khi các em đã trúng tuyển ở lần 1 sẽ có tâm lý mình ở đẳng cấp khác so với các thí sinh trúng lần nguyện vọng bổ sung. Bộ nên có một văn bản hướng dẫn tiếp theo để các trường top đầu, hay các ngành cần thu hút thí sinh tài năng, cho phép thí sinh được rút và thay đổi nguyện vọng của mình, nếu bó cứng như thế sẽ gây thiệt thòi cho các em trượt ở nguyện vọng 1”.

Theo CTV Nguyễn Trang (VOV)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn