Ban hành Bộ Tiêu chí tổ chức Lễ hội Văn hóa - Du lịch cấp tỉnh
Cập nhật ngày: 04/02/2023 06:31:48
ĐTO - Ngày 3/2, UBND tỉnh Đồng Tháp ban hành Bộ tiêu chí tổ chức Lễ hội Văn hóa - Du lịch (LHVHDL) cấp tỉnh. Đây là hoạt động giới thiệu, quảng bá giá trị văn hóa tiêu biểu, đặc sắc, các tiềm năng du lịch gắn với các hoạt động thể thao, trò chơi dân gian và các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch.
LHVHDL cấp tỉnh là LHVHDL có thể kết hợp với các loại hình lễ hội khác, được tổ chức trên phạm vi từ 2 huyện, thành phố trở lên hoặc do tỉnh trực tiếp chỉ đạo tổ chức tại một huyện, thành phố cụ thể.
Du khách tham quan, chụp ảnh lưu niệm tại Khu du lịch sinh thái Mỹ Phước Thành (Phường Mỹ Phú, TP Cao Lãnh)
Mục đích việc tổ chức LHVHDL cấp tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức lễ hội, khuyến khích tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian truyền thống gắn với lễ hội; hướng dẫn, phổ biến rộng rãi nội dung giá trị truyền thống tiêu biểu, độc đáo của lễ hội trên địa bàn, duy trì và phát huy giá trị văn hóa của lễ hội đáp ứng đời sống tinh thần của Nhân dân. Phát huy vai trò chủ động, khai thác hiệu quả tiềm năng và thế mạnh về văn hóa, lịch sử truyền thống của từng địa phương, góp phần xây dựng văn hóa, con người Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo; phát triển du lịch gắn với tạo dựng hình ảnh địa phương trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, việc tổ chức LHVHDL cấp tỉnh phải đảm bảo 4 tiêu chí thuộc các lĩnh vực hoạt động về: Nghi thức lễ; Văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao (VHNT,TDTT); Du lịch; Truyền thông quảng bá văn hóa, du lịch, hình ảnh địa phương. Gắn kết hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại, thúc đẩy quảng bá, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Về hoạt động nghi thức lễ, các hoạt động nghi thức lễ dân gian truyền thống Nam bộ như: Lễ hội đình làng, lễ hội gắn với công thần; các nhân vật lịch sử - danh nhân văn hóa,… Chương trình lễ khai mạc và bế mạc phải phù hợp với điều kiện và nội dung của từng lễ hội; giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; nêu cao lòng tự hào đất nước, văn hóa, con người Việt Nam nói chung, địa phương tổ chức lễ hội nói riêng và thời lượng chương trình không quá 90 phút. Tổ chức Lễ vinh danh, tôn vinh công lao các bậc tiền nhân; Lễ tri ân Tổ nghề (gồm các nghi thức: Ôn lại truyền thống, công trạng của các vị tiền nhân khai sinh ra nghề; dâng hương, dâng hoa, dâng phẩm vật; vinh danh nghệ nhân, những người có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn và phát triển nghề).
Về hoạt động VHNT,TDTT: Các Chương trình nghệ thuật chú ý lồng ghép trình diễn phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Đờn ca tài tử, Hò và hát dân ca Đồng Tháp để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng; giới thiệu tiềm năng du lịch; nâng cao hình ảnh tỉnh Đồng Tháp. Các hội thi, hội diễn, liên hoan về VHNT, thông tin lưu động. Tăng cường tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa giữa các địa phương, văn hóa vùng miền. Tổ chức không gian trình diễn, thực hành trải nghiệm di sản văn hóa, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt là các làng nghề truyền thống của tỉnh. Tổ chức các không gian nghệ thuật, thư pháp, tác phẩm VHNT, các hoạt động trưng bày, triển lãm hình ảnh, hiện vật về thành tựu kinh tế văn hóa - xã hội, VHNT, di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, các bộ sưu tập hiện vật, nhạc cụ, nông lâm ngư cụ, nghề truyền thống… Tổ chức, phát động các cuộc thi sáng tác ca khúc, chụp ảnh nghệ thuật; các hoạt động triển lãm sách, xếp sách nghệ thuật, chuyến xe tri thức phục vụ Nhân dân… Tổ chức giao lưu, biểu diễn, thi đấu thể dục thể thao. Khuyến khích tổ chức các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian truyền thống. Tổ chức phát động các hoạt động VHNT, thể dục thể thao khác hưởng ứng sự kiện quảng bá hình ảnh địa phương.
Về hoạt động du lịch: Tổ chức hội nghị tuyên truyền, xúc tiến quảng bá du lịch nhằm tạo diễn đàn trao đổi thông tin; hội thảo, tọa đàm chủ đề gắn với sự kiện, lễ hội văn hóa - du lịch lấy ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học, cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp về các chương trình, chính sách đang được xây dựng, xúc tiến, quảng bá giới thiệu sản phẩm, thương hiệu du lịch của địa phương. Tổ chức các hoạt động ẩm thực; không gian giới thiệu sản phẩm du lịch, chương trình tour, tuyến… nhằm giới thiệu và quảng bá ẩm thực đặc trưng của địa phương và các vùng miền đến với du khách, Nhân dân tham dự lễ hội. Tổ chức các cuộc thi về du lịch; tổ chức các đoàn khảo sát sản phẩm du lịch cho doanh nghiệp và truyền thông để giới thiệu các điểm đến, sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch mới, hấp dẫn nhằm tăng cường công tác xúc tiến, tuyên truyền quảng bá tiềm năng du lịch, phát triển sản phẩm du lịch Đồng Tháp. Tổ chức các chương trình hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch các vùng, địa phương nhằm nâng cao năng lực phục vụ du khách; đẩy mạnh hợp tác phát triển sản phẩm du lịch; gắn kết doanh nghiệp với chính quyền địa phương, tạo thuận lợi cho công tác quản lý, kinh doanh du lịch. Giúp địa phương, doanh nghiệp quảng bá, xúc tiến, xây dựng những chương trình du lịch hấp dẫn và phù hợp nhu cầu thị hiếu của du khách. Tăng cường tổ chức các hoạt động hợp tác, giao lưu các doanh nghiệp, các nhà đầu tư về xúc tiến thương mại, dịch vụ, du lịch.
Về hoạt động truyền thông quảng bá: Tổ chức các hoạt động truyền thông quảng bá, giới thiệu giá trị của lễ hội có sức lan tỏa cả về nhận thức và truyền thông đối với sự kiện trực quan sinh động thông qua các phương tiện truyền thông, mạng xã hội. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động truyền thông, quảng bá. Hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng tốt nhu cầu kết nối thông tin cho người dân và công tác tổ chức thực hiện.
UBND tỉnh giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm đầu mối phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện; các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội tỉnh; UBND huyện, thành phố, các tổ chức, cá nhân tham gia tổ chức LHVHDL cấp tỉnh căn cứ các quy định hiện hành và Bộ Tiêu chí này triển khai thực hiện, trong đó, chú trọng đến các yếu tố đặc trưng khẳng định giá trị tiêu biểu, đặc sắc, hình ảnh của từng ngành, địa phương.
NP