Sức sống của nghệ thuật đờn ca tài tử
Cập nhật ngày: 26/01/2023 12:00:18
ĐTO - Đờn ca tài tử lâu nay là loại hình nghệ thuật dân gian gắn liền với đời sống tinh thần của người dân Đất Sen hồng. Với những ý nghĩa đó, thời gian qua, nghệ thuật đờn ca tài tử trong tỉnh luôn được duy trì và trở thành một trong những hoạt động sinh hoạt văn hóa tinh thần đặc trưng của người dân vùng nông thôn.
Các thành viên Câu lạc bộ Đờn ca tài tử Nhà Văn hóa Lao động Công đoàn tỉnh (Phường 1, TP Cao Lãnh) tham gia sinh hoạt
Nơi kết nối tài tử miệt vườn
Hơn 10 mùa xuân qua, các thành viên trong câu lạc bộ (CLB) Đờn ca tài tử (ĐCTT) ấp Tân Trong, xã Tân Mỹ, huyện Lấp Vò gắn bó với nhau bằng tình yêu ĐCTT. Chiều thứ Sáu hàng tuần, góc nhỏ nhà của anh Mai Thanh Sơn (SN 1974) - thành viên CLB ĐCTT ấp Tân Trong, xã Tân Mỹ lại náo nhiệt bởi những giai điệu quen thuộc của các thành viên trong CLB. Buổi sinh hoạt được tổ chức theo kiểu “cây nhà lá vườn”, chỉ một sân khấu nhỏ, vài ba bộ bàn ghế với bộ bình trà và dĩa bánh, mọi người ngồi quây quần bên nhau, người say sưa hát, người chăm chú lắng nghe. Ở đây, mọi người có thể khác biệt về độ tuổi, nghề nghiệp, kỹ năng đờn, ca nhưng có một điểm chung là rất mê ĐCTT. Những giai điệu ĐCTT dường như thấm vào máu thịt của các tài tử.
Anh Mai Thanh Sơn - thành viên Câu lạc bộ Đờn ca tài tử (ấp Tân Trong, xã Tân Mỹ, huyện Lấp Vò) thử đờn chuẩn bị cho buổi sinh hoạt câu lạc bộ
Vợ chồng cô Nguyễn Thị Bảy (SN 1959) và chú Nguyễn Văn Tre (SN 1955) ngụ ấp Tân Trong, xã Tân Mỹ gắn bó với CLB ĐCTT ấp Tân Trong, xã Tân Mỹ nhiều năm qua. Cô Bảy kể, lúc 10 tuổi cô đã mê ca, hàng ngày cô cũng mở radio nghe và tập ca theo. Mỗi khi có đám tiệc trong xóm, cô hay ca góp vui cho mọi người. Cô Bảy chia sẻ: “Tôi thì mê hát, chồng tôi mê đờn. CLB ĐCTT ấp Tân Trong là nơi giúp vợ chồng tôi giải trí, thỏa niềm đam mê đờn, ca sau những giờ lao động mệt nhọc”. Còn chú Đặng Văn Tổng (SN 1967) ngụ ấp An Phú, xã Hội An Đông, huyện Lấp Vò cũng là thành viên của CLB ĐCTT ấp Tân Trong, tâm sự: “Những giai điệu ĐCTT đã thấm vào máu và tâm thức của tôi. Tuy nhà tôi cách điểm sinh hoạt hơn 20km, nhưng đến ngày sinh hoạt là tôi đều tham gia, hôm nào không đi được trong lòng cảm thấy trống trải và buồn lắm”.
Câu lạc bộ Đờn ca tài tử ấp Tân Trong, xã Tân Mỹ, huyện Lấp Vò sinh hoạt định kỳ
Chú Nguyễn Văn Tèo - Chủ nhiệm CLB ĐCTT ấp Tân Trong, xã Tân Mỹ, huyện Lấp Vò, cho biết: “Tôi thường tổ chức sinh hoạt CLB hàng tuần luân phiên tại nhà các thành viên để duy trì CLB. Không chỉ đờn, ca góp vui, hướng dẫn nhau về kỹ thuật lên giọng, ngắt nhịp, những buổi sinh hoạt còn là dịp để anh em tâm sự, chia sẻ với nhau những buồn vui trong cuộc sống. Đó chính là bí quyết để CLB được duy trì”. Ngoài CLB ĐCTT ở ấp Tân Trong, xã Tân Mỹ, huyện Lấp Vò, hiện nay, toàn tỉnh có 251 CLB ĐCTT, ĐCTT - Hò Đồng Tháp được duy trì với hơn 3.000 người tham gia.
Đờn ca tài tử được đưa vào biểu diễn tại các sự kiện, lễ hội của tỉnh
Cùng nhau “giữ lửa” đờn ca tài tử
CLB ĐCTT không chỉ là nơi gắn kết các tài tử đờn, ca, nơi đây còn có những tài tử dành tâm huyết cả đời theo đuổi nghệ thuật ĐCTT. Đến nay, chú Lê Thành Tâm (SN 1957) - thành viên CLB ĐCTT Nhà Văn hóa Lao động Công đoàn tỉnh (Phường 1, TP Cao Lãnh) đã có 20 năm gắn bó với nghệ thuật ĐCTT. Đam mê đờn, ca từ khi còn nhỏ nên lớn lên, chú Tâm tìm thầy học đờn, ca. Bằng tình yêu nghệ thuật của mình, chú Tâm đi nhiều nơi mang theo ngón đờn, lời ca của mình phục vụ mọi người. Chú Tâm bộc bạch: “Đối với tôi, cây đờn, lời ca là người bạn tri kỹ, tri âm không thể thiếu trong cuộc sống. Đó là lí do tôi theo đuổi “nghiệp” ĐCTT đến nay. Với tâm huyết của người tài tử, tôi đang truyền dạy đờn, ca cho những người yêu thích ĐCTT nhằm truyền lửa đam mê nghệ thuật ĐCTT cho thế hệ sau”. Không chỉ với chú Tâm mà đối với nhiều tài tử khác, nghệ thuật ĐCTT còn là nguồn vui, một phần trong cuộc sống. Với niềm say mê nghệ thuật, các tài tử đã giữ “lửa” cho nghệ thuật ĐCTT tồn tại và giúp các CLB ĐCTT trong tỉnh được duy trì.
Cùng với việc giữ “lửa” của các tài tử, thực hiện Kế hoạch của UBND tỉnh về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia ĐCTT, hò Đồng Tháp (giai đoạn 2021 - 2025), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp và Nhân dân về bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT và Hò Đồng Tháp, từng bước đưa loại hình nghệ thuật này trở thành sản phẩm văn hóa du lịch đặc trưng của tỉnh. Đồng thời tổ chức tập huấn, hội thi về ĐCTT, đặc biệt là đưa ĐCTT vào biểu diễn tại lễ hội, sự kiện văn hóa của tỉnh như: Tuần lễ Văn hóa du lịch tỉnh, Lễ giỗ ông bà Đỗ Công Tường... thu hút nhiều tài tử tham gia.
Học sinh Trường THPT Chuyên Nguyễn Quang Diêu (TP Cao Lãnh) tham dự buổi nói chuyện chuyên đề về nghệ thuật đờn ca tài tử
Với những điệu đờn, lời ca mộc mạc, các tài tử không chỉ làm say lòng du khách mà qua lời ca còn giới thiệu đến du khách về di tích, lịch sử, hình ảnh của tỉnh Đồng Tháp. Chú Lê Hoàng Vũ (SN 1955, ngụ Phường 1, TP Cao Lãnh) chia sẻ: “Hàng năm, tôi thường biểu diễn tại các sự kiện, lễ hội của tỉnh. Đó là cơ hội để tôi được thỏa đam mê “tài tử” và cũng là niềm vinh dự, tự hào của bản thân. Tôi mong muốn tỉnh sẽ tiếp tục đưa nghệ thuật ĐCTT vào biểu diễn tại các sự kiện, lễ hội để các tài tử như tôi được đem lời ca, tiếng đờn góp vui cho mọi người, quảng bá về quê hương Đồng Tháp và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT”. Hiện nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục tuyên truyền nhằm phát huy nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo tồn nghệ thuật ĐCTT. Tổ chức tập huấn, nói chuyện chuyên đề về ĐCTT cho thế hệ trẻ, truyền dạy nghệ thuật ĐCTT, củng cố các CLB ĐCTT nhằm tạo đội ngũ kế thừa... góp phần gìn giữ nghệ thuật ĐCTT.
Trải qua năm tháng, mặc dù xuất hiện nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau nhưng các tài tử vẫn một lòng sắc son với nghệ thuật ĐCTT. Từng ngón đờn, lời ca cùng nhịp phách song lan dường như thấm đẫm vào trái tim mỗi tài tử. Chính tình yêu cháy bỏng đó đã níu giữ để nghệ thuật ĐCTT sống mãi với thời gian.
MỸ XUYÊN