Hai đoạn thơ chúc mừng năm mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh 60 năm trước

Cập nhật ngày: 21/01/2023 06:25:35

ĐTO - Đó là vào giao thừa Xuân Quý Mão - 1963, lúc này, Bác Hồ đã vào tuổi 73. Sáng hôm đó (29 Tết, tháng thiếu), Người đi chợ Tết Đồng Xuân theo phong cách “vi hành” trong bộ quần áo gụ bạc màu, ngoài khoác chiếc áo mưa bằng vải bạt, chân đi dép cao su, cổ quàng khăn, mắt đeo kính trắng... và chỉ cùng với hai cảnh vệ (cũng hóa trang như người dân bình thường). Khi đến một hàng hoa, Bác Hồ hỏi mua một bó huệ, nhưng một cảnh vệ sợ “bị lộ” nên cố tình trả giá rất rẻ, với mục đích để người bán hoa không bán mà “rút lui an toàn”. Bác Hồ thấy vậy, nói vui: “Trả giá như chú, cả ngày đi chợ cũng chẳng mua được gì”...

Vào giây phút thiêng liêng giao thừa năm này, như thường lệ, qua Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc “Thư chúc mừng năm mới gửi đồng bào cả nước và kiều bào ở nước ngoài”. Trong bức thư dài gần 1 phút, đáng lưu ý có 2 đoạn được Người diễn đạt theo phong cách thơ (hay văn vần). Xin bàn đôi điều về 2 đoạn thơ ấy.

Đoạn 1: “Nước Việt Nam là một/Dân tộc Việt Nam là một/Dù cho sông cạn đá mòn/Nhân dân Nam Bắc là con một nhà”. Đây là một mệnh đề mang tính chân lý, thường trực trong tư duy, ý nghĩ và tiềm thức của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thống nhất Tổ quốc và đoàn kết dân tộc là một trong những tư tưởng cốt lõi hàng đầu, được Bác Hồ nêu lên trong nhiều bài viết, bài nói chuyện, thư gửi... Không thể chia rẽ, tách rời Nam Bộ khỏi đất nước Việt Nam và thắng lợi tất yếu của cuộc cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc là nguyên lý tối thượng, bất di bất dịch trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngay trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, trước khi Người qua đời (năm 1969), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có 7 lần nói đến điều này mà lần đầu tiên là vào tháng 2/1958 (với hai dòng đầu như trong đoạn thơ trên: “Nước Việt Nam là một/Dân tộc Việt Nam là một”). Tư tưởng đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh xuyên suốt mọi lúc, mọi nơi.

Những câu nói sau đây của Người (nằm trong nguồn mạch với nội dung đoạn thơ nêu trên) đã thể hiện một cách cụ thể, sinh động tư tưởng đó: “Nước Việt Nam nhất định sẽ thống nhất, vì nước ta là một khối, không ai chia cắt được”; “Nam Bắc là một nhà, là anh em ruột thịt, quyết không thể chia cắt được”; “Trung - Nam - Bắc đều là bờ cõi của ta, nước ta nhất định sẽ thống nhất”; “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, không ai có thể chia cắt được”; “Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”; “Chúng ta đều chung một tổ tiên dòng họ, đều là ruột thịt anh em (...). Không ai có thể chia rẽ con một nhà (...). Không ai có thể chia rẽ nước Việt Nam ta”...

Xin nói thêm, trong năm 1963, Quốc hội đã quyết định trao tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh “Huân chương Sao Vàng” - Huân chương cao quý nhất của nước ta, nhưng Người “xin khất”, chưa nhận. Người nói: “...Tôi tự xét chưa có công huân xứng đáng với sự tặng thưởng cao quý của Quốc hội (...). Chờ đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc hòa bình thống nhất, Bắc Nam sum họp một nhà, Quốc hội sẽ cho phép đồng bào miền Nam trao cho tôi Huân chương cao quý. Như vậy thì toàn dân ta sẽ sung sướng vui mừng”. Đây cũng là một cách thể hiện bằng hành động cụ thể tư tưởng sâu sắc đó của Người.


Các đồng chí lãnh đạo tỉnh viếng, thắp hương tại mộ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Ảnh: MỸ XUYÊN

Đoạn 2: “Chúng ta cùng nhau/Mừng năm mới/Cố gắng mới/Tiến bộ mới/Chúc Quý Mão là năm nhiều thắng lợi”. Văn xuôi cũng như thơ chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh bao giờ cũng cô đúc, hàm súc, tiết kiệm từ ngữ trong sự giản dị, gần gũi đến ngạc nhiên. Bác Hồ không bao giờ đem phong cách bác học, sự uyên thâm để giao tiếp với Nhân dân, mặc dù Người là một học giả thông kim bác cổ. Mấy dòng thơ trên đây, chính là một trong những biểu hiện sinh động về điều này. Dù vậy, xét trên phương diện nghệ thuật, rõ nhất là phép tu từ tiếng Việt, đoạn thơ ngắn nói trên đã mang lại những thú vị không ít, đặc biệt là trong biện pháp lặp từ, lặp đoạn... tạo nên hiệu ứng nhấn mạnh, khắc ghi sâu sắc điều cần giao tiếp, chuyển tải.

Ở đây, nội dung đoạn thơ với ý tưởng động viên, cổ vũ Nhân dân nằm trong nguồn mạch thống nhất, được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên trong thư chúc Tết của mình như là một phong cách độc đáo. Trong 22 bài thơ, đoạn thơ chúc Tết của Bác Hồ (từ năm 1942 - 1969), không một bài nào, đoạn nào không thấm đẫm ý tưởng động viên, cổ vũ Nhân dân. Xin trích vài ví dụ: “Chúc toàn quốc ta trong năm này/Cờ đỏ ngôi sao bay phất phới/Năm này là năm Tết vẻ vang/ Cách mệnh thành công khắp thế giới” (Nhâm Ngọ - 1942); “Chiến sĩ thi giết giặc/Đồng bào thi tăng gia/Năm mới thi đua mới/Thắng lợi ắt về ta” (Nhâm Thìn - 1952); “Cả nước một lòng, hăng hái tiến lên/Thống nhất nước nhà, Bắc Nam vui vẻ” (Canh Tý - 1960);... “Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào/Bắc Nam sum họp, xuân nào vui hơn” (Kỷ Dậu - 1969)...

Hai đoạn thơ nằm trong thư chúc Tết năm 1963 - năm Quý Mão của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cách đây đúng 60 năm, tuy không phải là một bài thơ chúc Tết trọn vẹn như nhiều bài thơ trong những năm khác, nhưng lại là hai đoạn thơ hàm chứa một lúc những tư tưởng và phong cách tiêu biểu, sáng ngời của Người. Đó là tư tưởng về sự toàn vẹn, thống nhất lãnh thổ Việt Nam, không một thế lực nào có thể chia cắt. Đó là phong cách cổ vũ, động viên đồng bào một cách tích cực, nhiệt thành nhất trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tư tưởng và phong cách đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn sáng ngời tính thời sự trong hiện tại và mãi muôn sau.

Tao Đàn

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn