Cảm nghĩ về Ngày gia đình Việt Nam

Cập nhật ngày: 26/06/2015 10:30:26

Gia đình, hai tiếng thân thương ấy luôn gắn bó với mỗi con người chúng ta trong suốt cuộc đời, cho dù hoàn cảnh, điều kiện nào: ly hương, công tác, định cư nơi xa xôi...  hai tiếng gia đình vẫn luôn xuất hiện trong ta qua mỗi suy nghĩ, hành động, vẫn hằn sâu trong tâm trí của chúng ta, không phải chỉ có một ngày...

Năm nay, Ngày gia đình Việt Nam 28/6/2015 Nhà nước vẫn tiếp tục đặt ra chủ đề “Bữa cơm gia đình ấm áp, yêu thương” là một dấu mốc quan trọng, nhằm nhắc nhở mọi người hãy trân trọng, nâng niu bằng những việc làm cụ thể, thiết thực để tôn vinh, kỷ niệm một ngày có ý nghĩa truyền thống ở một đất nước luôn trọng nghĩa tình, thủy chung, hiếu để. Đây còn là dịp để mỗi chúng ta nhớ lại, xem trong năm qua mình đã làm được bao nhiêu việc tốt góp phần bồi đắp, vun vén cho các giá trị văn hóa truyền thống của gia đình, họ tộc; đồng thời cũng trong ngày ấy, mỗi người chúng ta tự kiểm điểm một cách nghiêm túc trong lương tâm của mình đối với những việc làm sai trái để tai tiếng hoặc gây hậu quả nghiêm trọng đến thanh danh, uy tín của gia đình, đặc biệt là tổn hại trước niềm tin, kỳ vọng của các bậc sinh thành, dưỡng dục. Ngoài ra, ngày ấy còn là dịp để mỗi người chúng ta tự nhìn lại mình làm được điều gì có ích cho xã hội, cộng đồng, Tổ quốc góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Phải chăng, điều đó càng làm rạng rỡ cho gia đình, là kết quả của quá trình giáo dục, rèn luyện từ gia đình.

Đặc biệt ngày 28/6 năm nay trùng với ngày chủ nhật, là điều kiện thuận lợi cho các gia đình tổ chức sum họp, tiệc tùng vui vẻ, chia sẻ cho nhau những chuyện vui buồn sau một năm vất vả, bươn chải trong cuộc sống. Nếu họp mặt gia đình nhiều thế hệ (về nội, về ngoại) thì nội dung lẫn hình thức càng phong phú biết bao, là dịp để anh, chị, em, các cháu gặp gỡ hàn huyên tâm sự, qua đó càng gắn kết tình thâm gia đình ngày càng bền chặt. Tất cả những hoạt động ấy đều tập trung thể hiện trong bữa cơm đoàn viên của đại gia đình, do vậy giá trị và ý nghĩa của nó là ấm áp, yêu thương. Dư âm sau bữa cơm ấy là biết bao nhiêu lời lẽ tốt đẹp dành cho nhau với nội dung chúc tụng, mong ước về hạnh phúc, sự nghiệp, học vấn có nhiều thành đạt trước lúc chia tay để mỗi tiểu gia đình trở về mái ấm, yêu thương của mình. Xét về mặt tâm lý, qua buổi họp mặt ấy sẽ có nhiều động lực thúc đẩy mạnh mẽ cho sự phấn đấu tiếp theo của mỗi người, mỗi tiểu gia đình, nhất là khi ai đó chưa có thành tích gì nổi bật trong năm qua. Xuất phát từ lòng tự trọng, tinh thần thi đua sẽ thôi thúc trong lòng mỗi người càng phấn đấu bằng thái độ, động cơ trong sáng hơn nữa sau buổi họp mặt.

Đã 14 năm qua, nhưng ngày gia đình Việt Nam chưa thực sự trở thành nếp sinh hoạt cố định, thường kỳ và là nhu cầu tất yếu rộng rãi trong đời sống xã hội. Có nhiều nguyên nhân, nhưng theo tôi có mấy nguyên nhân chủ yếu cần có giải pháp khắc phục, đó là: sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước cùng với khả năng xã hội hóa cho công tác gia đình chưa nhiều; công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi cho mọi người còn bị xem nhẹ ở nhiều nơi; ngành chủ quản, cơ quan chuyên môn mỗi cấp chưa đề ra từng mô hình sinh hoạt cụ thể nhằm mang tính định hướng rộng rãi cho toàn xã hội. Những nguyên nhân trên nếu được giải quyết tốt thì ngày gia đình Việt Nam mới thực sự có ý nghĩa như mong muốn.

Huỳnh Văn Bé

 

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn