Chân thực và xúc động với Người trở về
Cập nhật ngày: 15/10/2015 04:27:37
Bộ phim Người trở về công chiếu hơn một tuần lễ ở Hà Nội. Hai buổi chiếu cuối, khán giả ngồi kín lối đi, sát cả màn ảnh. Đã lâu rồi mới có bộ phim nhựa gây xúc động, lôi cuốn người xem đến thế.
Thêm thắt và nhấn nhá
Trước hết, kịch bản phim Người trở về khá vững, sáng tạo và có nhiều sự thay đổi so với nguyên tác văn học. Vài nhân vật mới, nhiều chi tiết mới được thêm thắt, nhấn nhá để câu chuyện xung đột nhiều chiều. Khi dồn nén các xung đột tới cực điểm, không ai khác, chính Mây - người lính trở về đau khổ nhất trong chuyện tình, phải tự chiến thắng bản năng, tình cảm bình thường của con người. Bất chấp tất cả dư luận, hệ lụy trong gia đình, làng xã... giữa đêm mưa gió, đến đỡ đẻ cho Thanh, vợ của San mẹ tròn con vuông.

Một cảnh trong phim Người trở về
Không xơ cứng bám nguyên tác văn học, Đặng Thái Huyền và Nguyễn Thu Dung trên đặc thù của ngôn ngữ điện ảnh đã cấu trúc lại logic, để đẩy lên tột cùng mâu thuẫn, giàu kịch tính, sáng tỏ rõ hơn thông điệp nhà văn đã đưa ra. Có hai sự thay đổi cần nói rõ ở kịch bản. Đấy là việc thêm nhân vật cô gái trẻ điên vì chưa hết tuần trăng mật nhưng chồng đã hy sinh nơi mặt trận. Việc thêm nhân vật này, xuất hiện đúng khi rước dâu, là nốt nhấn mạnh những mất mát hy sinh của một lớp người lính như Mây. Sự thay thế nhân vật Quang, trong truyện thuộc đơn vị công binh đóng quân ở bến sông Châu, bằng anh lính trinh sát Quang, tưởng đã hy sinh, nay trở về tìm Mây, tỏ tình với cô y sĩ năm xưa, người đã trao nụ hôn đầu cho Quang khi anh cận kề cái chết, không chỉ tạo thêm bất ngờ, xúc động nặng ký hơn, mà còn tô đậm hơn cái ân tình sâu nặng đồng đội. Thi pháp này không mới, tựa như Đặng Nhật Minh làm phim Thương nhớ đồng quê thêm thắt các nhân vật ngoài văn bản văn học... Ở Người trở về, còn là sự thấu hiểu sâu sắc văn hóa vùng miền, cũng như lịch sử từng thời kỳ, để khỏi lạc bước với chủ đề tư tưởng ở truyện đưa ra.
Đồng tác giả kịch bản, là một lợi thế không nhỏ để đạo diễn Đặng Thái Huyền hoàn thành xuất sắc vai trò của mình. Việc chọn diễn viên, phục trang, chọn cảnh và những khuôn hình thể hiện, Đặng Thái Huyền đã tạo ra một bộ phim rất thành công, chân thực và cảm động, lôi cuốn khán giả từ đầu đến thước phim cuối cùng.
Mạch phim tự nhiên
Đã trực tiếp cầm súng, từng chứng kiến nhiều oái oăm hậu chiến, Người trở về làm những người lính như tôi thấy đúng như mình có mặt trong phim. Những trường đoạn nô nức tòng quân, những khốc liệt trong chiến tranh; tình huống, tâm lý nhân vật ở cái làng Châu trước và sau chiến tranh đều là ký ức thân thuộc, sát với thực tế bao đồng đội tôi đã trải qua. Phim không né tránh cả những tiêu cực... Tất cả những điều này thuyết phục được khán giả tin vào một câu chuyện như thật đã xảy ra. Đây là điểm rất đáng chú ý, bởi có những bộ phim nhiều kinh phí nhưng thất bại, bởi những chi tiết giả. Làm phim ẩu trong phục trang, đạo cụ; sơ sài chọn, dựng cảnh, nhất là tư duy nghệ thuật của biên kịch và đạo diễn cố gắng thi vị hóa không đúng chỗ cuộc chiến đã làm hỏng bản anh hùng ca từng có thật.
Phim có 4 đoạn nhắc lại chiến tranh, làm rõ 4 trạng thái tâm lý của Mây, là những trường đoạn không tồi. Sự xử lý của đạo diễn khi chi tiết được nhấn nhá cũng thật bài bản. Ví dụ như nhân vật ông chú không có con trai nối dõi được mở ra trong trường đoạn đầu phim, lại được nhắc lại trong cảnh cuối ở bến đò, khi mâu thuẫn phim đến đỉnh điểm, làm tăng thêm sức nặng của cái kết. Sự thêm vào nhân vật cô gái điên, để cô đốt những hình nộm của người chồng đã hy sinh đều là những nốt nhấn đầy ấn tượng.
Việc xử lý của đạo diễn Đặng Thái Huyền nhiều chủ đích mà không khiên cưỡng làm mạch phim rất tự nhiên, vừa có tính ước lệ khái quát những vấn đề của một thời kỳ lịch sử đã qua, cả những tồn dư văn hóa Việt, vừa làm rõ ra cái cao đẹp, đầy trách nhiệm và nhân ái của người lính trở về.
Trong văn học, đòi hỏi mỗi tình cảnh, chủ đề đòi một cách kể khác nhau. Ở điện ảnh có lẽ cũng như vậy. Đặng Thái Huyền cùng nhà quay phim Trịnh Quang Tùng xử lý các góc quay và tạo cảnh hợp lý. Phim không có những toàn cảnh hoành tráng, hầu hết là những khuôn hình trung và cận cảnh. Sự ấn định có tính quy phạm của ngôn ngữ điện ảnh, đòi hỏi trong nhiều diễn biến, từ cảnh trạm phẫu trong chiến tranh đến bến đò, làng quê và đặc biệt các góc quay khác nhau mô tả hai gia đình kề cận là một lối kể hợp lý, vẫn giàu ngôn ngữ cần thể hiện mà tiết tấu vẫn nhuần nhuyễn. Nghệ thuật, quan trọng nhất là sự truyền đạt cảm xúc. Cách làm phim của Đặng Thái Huyền dùng nhiều thủ pháp không mới, thậm chí kinh điển, nhưng vẫn tạo ra những thước phim gây cảm xúc lớn cho khán giả. Đấy là điều tối quan trọng nhất để đánh giá Người trở về, khẳng định vai trò đạo diễn Đặng Thái Huyền.
Người trở về là bộ phim về chiến tranh của các đạo diễn, biên kịch, quay phim trẻ. Họ trẻ, không có thực tế chiến tranh mà vẫn làm ra một bộ phim khá hay. Có lẽ, tuy sinh sau đẻ muộn nhưng trái tim họ, tình yêu và lòng kính trọng của họ, cũng đã thuộc về một cuộc chiến hàm chứa bao điều lớn lao của dân tộc, khi cần nhắc lại, khẳng định đúng những giá trị cao đẹp thuộc về những người lính đã hết lòng vì quê hương đất nước.
NGUYỄN VĂN THỌ(SGGP)