Đình Long Khánh - Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia

Cập nhật ngày: 30/01/2013 05:36:31

Được xây dựng cách nay hơn một thế kỷ, Đình Long Khánh (hay còn được gọi là Long Khánh Cổ Miếu) tọa lạc ấp Long Hậu, xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự từ lâu là nơi tụ hội của nhân dân trong xã và các vùng lân cận đến vui chơi, sinh hoạt văn hóa.


Lễ đón nhận Bằng Xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia
- Đình Long Khánh

Qua nhiều lần di dời, lắp dựng, Đình Long Khánh vẫn giữ được giá trị kiến trúc điển hình của đình làng Nam bộ, là một trong những ngôi đình lớn nhất hiện đang tồn tại cho đến nay ở vùng Nam bộ.

Vào năm 1830, Đình Long Khánh được cất bằng vật liệu thô sơ: tre, nứa, mái lợp lá tại ấp Long Thái, xã Long Khánh. Đình thờ Thành Hoàng bổn cảnh, được vua Tự Đức ban sắc phong vào năm 1852. Đến năm 1908, đình được di dời và xây dựng bằng vật liệu kiên cố tại ấp Long Phước, hoàn thành vào năm 1911. Đình được xây dựng theo dạng trùng thềm, điệp ốc, có 114 cột bằng gỗ căm xe, mái lợp ngói âm dương.

Trong những năm 1928, 1929, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh thỉnh thoảng có đến Đình Long Khánh xem mạch, hốt thuốc cho dân, qua việc này cụ thường khéo léo bàn chuyện nước non với các cụ già trong làng. Năm 1978, khi bọn Pônpốt xâm chiếm biên giới Tây Nam nước ta, Đình Long Khánh được sư đoàn 330 sử dụng làm quân y viện, điều trị thương cho bộ đội, góp phần đánh tan bọn diệt chủng xâm lược.

Ngày 18/12/2009, đình được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Vừa được công nhận, bất ngờ đình bị ảnh hưởng sạt lở phải tháo dỡ, di dời, lắp dựng lại trên diện tích đất 12.549m2 với kích thước đình mới: ngang 14m, dài 55m và có mở thêm lối đi hành lang xung quanh rộng 1,5m, nền tôn cao hơn mặt sân 0,6m. Tháng 10/2012, Dự án tôn tạo Đình Long Khánh hoàn thành và đưa vào sử dụng tại vị trí hiện nay.

Bà Nguyễn Thị Quốc Hương, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hồng Ngự phấn khởi nói: “Khi điểm sạt lở cách đình chỉ vài mét, để cứu được di tích, cán bộ và nhân dân quyết tâm ra sức bảo vệ, di dời đình đến địa điểm an toàn. Điều rất mừng là di tích dựng lại đúng hiện trạng ban đầu, đảm bảo an toàn trong sinh hoạt cộng đồng”.

Ngay khi đình vừa được tôn tạo, nhân dân trong và ngoài xã đã mang đến hiến tặng đình nhiều loại cây cảnh có giá trị để bày trí, trồng phía trước sân đình, góp phần tạo cho đình có thêm khoảng không gian tươi mát.

Bác Đỗ Hữu Phước - Trưởng Ban đại diện Ban tế tự Đình Long Khánh cho biết, Đình được như hiện nay là nhờ những nỗ lực, đóng góp của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân 2 xã Long Khánh A và Long Khánh B trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống.

Do ảnh hưởng sạt lở và phải tôn tạo nên đến ngày 28/1/2013 vừa qua, UBND huyện Hồng Ngự long trọng tổ chức Lễ đón nhận Bằng Xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia - Đình Long Khánh. Với kiến trúc hiện nay, Đình Long Khánh là địa điểm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng thu hút mọi tầng lớp nhân dân đến cúng viếng và phát huy giá trị phục vụ nhiệm vụ chính trị, văn hóa, xã hội của địa phương.

Hữu Nghĩa

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn