Đờn ca tài tử Nam bộ - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đầu tiên của tỉnh Đồng Tháp

Cập nhật ngày: 16/10/2013 03:51:13

Vùng đất Nam bộ được hình thành và phát triển cách nay hơn 300 năm do chính sách mở cõi về phương Nam của các chúa Nguyễn và công sức khai phá của những lưu dân từ vùng Ngũ Quảng tìm vào vùng đất mới sinh cơ lập nghiệp. Họ cùng với cư dân Hoa, Khơme bản địa tạo nên “sản phẩm” văn hóa vật chất và tinh thần phù hợp với môi trường và điều kiện sống trên vùng đất mới.


Hội thi đờn ca tài tử huyện Lai Vung lần thứ XV năm 2012

Đồng hành với cuộc sống là giá trị văn hóa mới được hình thành và tồn tại cho đến nay. Từ những nền tảng văn hóa cơ bản như: lễ tục, thói ăn, nếp ở, sinh hoạt cộng đồng, nền nếp gia phong..., cho đến những loại hình văn hóa nghệ thuật ảnh hưởng sâu đậm đến đời sống con người và dần dần hình thành nên tính cách “Nam bộ” phóng khoáng, do ảnh hưởng bởi yếu tố “thiên nhiên” của vùng đất này.

Theo đó, môi trường sông nước mênh mông của Nam bộ nói chung và Đồng Tháp nói riêng đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều loại hình nghệ thuật dân gian ra đời... Sự phát triển và tồn tại của nghệ thuật đờn ca tài tử cũng là một điển hình. Cho đến nay người dân Nam bộ nói chung và dân Đồng Tháp nói riêng vẫn trân trọng, duy trì lối chơi đờn ca tài tử trong đời sống thường nhật.

Chính từ những giá trị của sức sống, sự lan tỏa của đờn ca tài tử và sự hưởng ứng của đông đảo cộng đồng cư dân đã tác động tích cực đến đời sống văn hóa tinh thần, góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân, Bộ Văn hóa,Thể thao và Du lịch ra Quyết định chứng nhận Đờn ca tài tử Nam bộ tỉnh Đồng Tháp đứng hàng thứ 6 trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Âm nhạc tài tử thường được gọi là “đờn ca tài tử” là sản phẩm tinh thần được sinh ra vào cuối thế kỷ XIX, trên nền tảng âm nhạc cung đình Huế được lưu dân mang theo “trong hành trang” mở cõi. Lúc đầu chỉ là những bài bản của nhạc lễ đưa sang như: Xàng xê, Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ, Long đăng, Long ngâm, Vạn giá và Tiểu khúc. Đến thế kỷ XIX, phong trào đờn ca tài tử phát triển khắp Nam bộ, trong đó một số nhóm nhạc nổi tiếng như: Bạc Liêu, Vĩnh Long, Sa Đéc, Vĩnh Kim và Cái Thia (Mỹ Tho), Cần Đước Long An, Sài Gòn... các nhóm này đã liên kết thành hai khối: tài tử Miền Tây và tài tử Miền Đông với người đứng đầu là ông Nguyễn Quang Đại tức Ba Đợi ở Cần Đước và ông Trần Quang Quờn tức ký Quờn ở Vĩnh Long. Cả hai khối đều có những cố gắng lớn trong việc soạn, sáng tác mới bài bản, giảng dạy và truyền bá âm nhạc tài tử theo cách riêng của mình.

Cho đến nay, số lượng bài bản tài tử đã rất phong phú và đa dạng. Nhạc mục tài tử ngoài số bản của nhạc lễ trước kia đưa sang còn có rất nhiều bài bản được cải soạn theo phong cách tài tử từ một số bản nhạc cổ truyền của Huế hoặc từ các bài lý của dân ca Nam và Trung bộ, hoặc là các sáng tác mới của các tài tử bậc thầy... Tuy nhiên, khi hệ thống lại người ta chỉ nói đến 20 bài bản tổ còn gọi là nhị thập huyền tổ ban được cho là của ông Ba Đợi tức Nguyễn Quang Đại ở Long An đúc kết (khoảng năm 1880).

Gồm những bài: 6 Bắc = Bắc: Lưu thủy trường, Phú lục chấn, Bình bán chấn, Cổ bản trường, Xuân tình chấn, Tây thi trường,Tiểu khúc; 7 Bài = Hạ : Xàng xê, Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ, Long đăng, Long ngâm, Vạn giá; 3 Nam = Nam (7 bài Bắc lớn, 7 bài Cò, 7 bài Lễ, 7 bài Nhạc): Nam xuân, Nam ai, Đảo ngũ cung; 4 Oán = Oán: Tứ đại oán, Phụng hoàng, Giang Nam, Phụng Cầu.

Khi chơi 20 bản tổ cũng như chơi những bản đờn tài tử khác, người chơi được phép ngẫu hứng sáng tạo để sáng tác ngay khi trình diễn những giai điệu mới mẻ trên cơ sở nhịp, câu, lớp, điệu, hơi đã được bởi lòng bản (những âm cơ bản của âm giai và tiết tấu của mỗi câu nhạc có số khuôn nhịp cố định).

Dàn nhạc hòa tấu nhạc tài tử truyền thống thường có các nhạc cụ: đờn kìm, đờn tranh, đờn tỳ bà, đờn sến, đờn đoản, đờn tam, đờn cò, đờn bầu và ống tiêu. Khoảng nửa cuối thế kỷ XX có thêm hai nhạc cụ phương Tây là Guita và Violon tham gia vào dàn nhạc tài tử. Để hai nhạc cụ này tương thích với đàn nhạc tài tử, người ta đã cải biến bằng cách khoét phím đàn guita lõm xuống gọi là guita phím lõm và thay đổi cách lên dây đàn violon của cả hai cây đờn.

Trên cơ sở bản nhạc tài tử, người ta viết lời ca để các ca sỹ hát. Lời ca đã nhanh chóng trở thành công cụ đắc lực phát huy giá trị và chức năng giáo dục của đờn ca tài tử với công chúng.

Ngày nay, nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ nói chung và Đồng Tháp nói riêng không chỉ được người dân “miền sông nước” yêu mến mà còn là một loại hình văn hóa nghệ thuật được quần chúng, hay ngành văn hóa từ cấp cơ sở đến tỉnh của nhiều địa phương trong cả nước tổ chức giao lưu biểu diễn trong các cuộc liên hoan phục vụ nhân dân trong những dịp lễ, Tết quan trọng.

Đặng Văn Hùng

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn