Gánh ve chai tuổi nhỏ

Cập nhật ngày: 02/11/2012 04:51:47

Hồi đó, ở quê tôi, người làm nghề mua bán ve chai không đi xe đạp, họ quảy đòn gánh đi bộ từ xóm này sang xóm nọ. Đòn gánh kĩu kịt trên vai và giọng rao ngân giọng trên đường quê vắng ngắt: “Ai thau nhôm, mủ bể, lông vịt... đồ bán hông...” hoặc “Ai thau nhôm, mủ bể, lông vịt đổi đồ mới hông...”.

Nhà tôi ở xa đường làng, nên hễ nghe tiếng rao ve chai từ xa, má tôi biểu: “Con chạy riết ra kêu bà ve chai vô đi”. Vậy là tôi co giò chạy qua mấy con đê lắt léo, vòng vèo mới tới được con đường mà bà ve chai gánh hàng ngang qua. Có khi chạy ra chỗ ngã ba đường đê giáp với đường làng, bà ve chai vẫn còn thấp thoáng bóng đằng xa, mà giọng bà rao thiệt ngọt, thiệt dài nên nghe vang vọng. Cũng có lúc, tôi chạy ra tới đường thì bà đã đi huốt qua mất, nên lại lật đật chạy theo, vừa chạy vừa í ới: “Bà ve chai, bà ve chai ơi” để bà quay lại.

Tôi cứ nhớ cái dáng gánh ve chai của bà, nhỏ xíu trong dáng áo bà ba với hai đầu đòn gánh cong oằn. Chân bà bước như múa trên đường bờ đê nhỏ xíu để vào nhà tôi. Sau này lớn lên tôi mới biết, những người gánh nặng họ thường có cái dáng đi nhún theo độ cong của đòn gánh để bớt phần nặng đè trên vai.

Hồi xưa, má hay gom những thứ thau nhôm bể, nồi sắt lủng, rổ nhựa hư, dép nhựa đứt hoặc lông gà, lông vịt phơi khô... chờ đổi ve chai. Khi bà ve chai tới, má tôi đổ cái đống “xà bần” đó ra, hai bên định giá, trả giá xong thì chuyển sang đổi chác đồ mới hoặc trả tiền mặt. Má tôi sẽ xem trong gánh ve chai có cái rổ nhựa mới, cái nồi nhôm hay cái thau giặt đồ vừa mắt thì trao đổi luôn. Thường phải bù thêm ít tiền cho món đồ mới đó nhưng thấy má tôi cũng hài lòng lắm. Còn tôi, nhân cơ hội người lớn trao đổi, tôi chăm chăm lục lọi mớ sách cũ trong gánh hàng của bà để đọc ké.

Thường, tôi ít dám xin phần tiền bán ve chai để... đổi thành sách, dù trong bụng thì cuốn nào thấy cũng thích. Nghĩ coi, một đống ve chai má gom lâu thiệt lâu, có khi chỉ đổi được 1 cái rổ mới nhỏ xíu mà má đã mừng húm, mà với đống ve chai đó, đổi được có 1 quyển sách thì má tiếc dữ lắm. Nhà nghèo, nên làm gì cũng tính toán thiệt hơn. Nhưng có lần, thấy tôi cứ mân mê cuốn “Ngàn lẻ một đêm” miết, má tội nghiệp nên “chơi sang” cho tôi số tiền bán lông 5 con vịt để đổi quyển sách cũ đã sờn hết gáy, dù với lông 5 con vịt này, má có thể đổi nguyên cái lồng bàn đậy thức ăn.

Quê ở xa, nên cũng lâu thật lâu thì ve chai mới quảy gánh đi ngang một lần. Nhà quê dùng cái gì cũng tiếc, có bể mẻ chút đỉnh cũng còn tận dụng làm chuyện nọ chuyện kia đã đời rồi mới bỏ ra để bán ve chai, nên bà ve chai có quảy gánh qua thường xuyên chắc cũng không gom hàng gì được. Với đứa con nít như tôi, thì rất trông chờ bà ve chai, bởi không có gì để bán tôi cũng lẽo đẽo đi theo bà, chờ bà ngồi đổi hàng ở đâu là nhào vô lục mớ sách của bà đọc ké. Bịch sách cũ nằm lẫn lộn trong đống nồi niêu xoong chảo, rổ rá lược dừa cũ bể mẻ, thấy mà thương.

Mấy lúc không mua được hàng, mà tụi trẻ nít như tôi thì cứ lật đật chạy theo, bà dọa: “Coi chừng rách, tao bắt đền”, hoặc: “Theo tao hoài, tao đem đi đổi ve chai bây giờ”. Nhưng, con nít ở quê chắc là tội nghiệp, nên la thì la, bà cũng không cấm chuyện cho tụi nhỏ đọc ké mớ sách cũ.

Bà ve chai mà tôi nhớ bây giờ chắc thành người thiên cổ. Xóm cũ nay tôi không về, nhưng bao thứ nhớ nhung hồi xưa, hình như cứ theo miết.

Nhã Linh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn