Về qua xóm cũ

Cập nhật ngày: 31/10/2012 04:33:04

Mấy hôm trước có việc ngang qua khu phố cũ. Chỉ kịp chào mấy bác hàng xóm quen biết rồi đi, không hàn huyên được gì. Mới có mấy năm mà tóc bác B đã chuyển mây hết rồi. Chú N lụm khụm với cái gậy tre vì xương khớp đã thay mùa. Vui nhất là tin bé K tật nguyền phải ngồi xe lăn, giờ đã vào đại học.

Thành phố nhỏ tẹo mà có khi trở nên mênh mông, vì thời gian bẩn chật. Bạn bồi hồi nhớ những lần chuyển nhà tất tả từ khu phố này sang xóm phố khác. Tâm trí hanh hao sau những lần như vậy. Bạn đeo mang cái tâm lý nhà quê theo từng cuộc di trú trong hẻm phố. Cứ bồn chồn lo lắng trước khi đến, cứ bịn rịn, lưu luyến trước khi phải thêm một lần ra đi. Nhớ câu nói “an cư...” của ông bà thấy thấm thía quá.

Làm hàng xóm với bác B, chú N, bé K chỉ hơn năm mà có thiệt nhiều điều để nhớ. Cả cái cung bậc nhớ cũng rộng biên làm sao, khác lạ làm sao so với những khu phố bạn đã dừng chân chốc lát trên hành trình du nhập phố thị của mình.

Ở đó, chớm sang ngày mới đã nghe thanh âm ồn ã lao xao, vội vã vỡ òa. Tiếng leng keng, tiếng bước chân, tiếng cười nói và... cãi nhau sóng sánh trong con phố chật. Thanh âm dường như không đủ lối thoát, chúng tràn vào khe cửa, đọng lại trong từng căn nhà đang say giấc.

Ở đó, vào buổi trưa, tiếng nẹt ga của những gã thanh niên như thiêu đốt cả giấc trưa của mọi người. Phía bãi cỏ nghĩa địa sau chùa, không kể nắng mưa, những cuộc chọi gà khi inh ỏi, lúc lặng im ẩn dật dường như diễn ra không ngớt. Hương hồn của những người quá cố chắc cũng không yên vì thứ ngôn ngữ mà những tay chọi gà tuôn ra sau những thắng thua, được mất.

Ở đó, vào lúc chiều muộn, radio đồng thanh mở cùng một chương trình. Dễ chừng có đến phần ba số nhà trong xóm nghe chương trình đó trong vòng 30 phút. Người ta chăm chú nghe và đợi chờ trong kỳ vọng mong manh. Khi chương trình kết thúc, gần như tất thảy cũng tàn mất nỗi khao khát, chờ đợi trong ngày. Một cuộc đợi chờ đổi thay thân phận như thế không biết đáng thương hay đáng trách? Chỉ biết rằng, nghèo khó cứ đeo đẳng dây dưa qua năm tháng, còn những nhà thầu đề thì cứ mãi phổng phao...

Ở đó về đêm, vào giờ vàng, nhà nào cũng chăm chú theo dõi buồn vui của những gia đình Hàn Quốc hay Đài Loan, Hồng Kông trên phim nhiều tập. Thi thoảng, thanh âm quen thuộc của cải lương mới vang lên trong xóm. Mọi người thích tuồng tích, nhưng giờ nhà đài cũng không có thời gian nhiều để kể về “Đời cô Lựu”, “Lá sầu riêng”, “Tiếng hò sông Hậu”...

Ở đó, khi nhà ai có khách ở quê ra thì có thêm tiếng nói cười chộn rộn. Nhà phố chật chội không có sân, “người nhà quê” cứ tự nhiên bước qua hiên nhà hàng xóm hỏi han, trò chuyện huyên thuyên vì lâu ngày mới gặp nhau. Cũng có những câu chuyện không kéo dài, vì “người phố thị” chỉ kịp qua loa dăm ba câu chuyện xã giao cho phải lẽ. Những lúc như vậy, hình như câu chuyện của “người nhà quê” trở nên lỡ làng, đứt đoạn...

Ở đó, khi bất chợt có ai ốm đau, hoạn nạn cũng không thiếu những tấm lòng quan tâm, chia sẻ. Các bà, các chị trong xóm vẫn hay kể nhau nghe những hoàn cảnh thương tâm, thắt ngặt xa gần. Những mùa bão lũ, các đợt quyên góp cho đồng bào thấy hẻm phố chưa lần nào dửng dưng, ngoài cuộc. Câu nói “của ít lòng nhiều” nghe quen quá đỗi.

Ở đó, bạn có một quãng để sống, để chiêm nghiệm, để thương nhiều những ngõ xóm mình đã qua...

NPĐT

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn