Hoạt động văn học, nghệ thuật trên địa bàn phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu

Cập nhật ngày: 22/03/2023 10:07:46

ĐTO - Qua triển khai thực hiện Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị khóa X về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới cho thấy, hoạt động văn học, nghệ thuật trên địa bàn tỉnh phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Đặc biệt, việc phổ biến, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật được chú trọng, mỗi năm hàng ngàn tác phẩm được giới thiệu, trong đó có 186 tác phẩm đạt giải cao khu vực, 275 tác phẩm đạt giải Quốc gia và 15 tác phẩm đạt giải quốc tế. Nội dung các tác phẩm phản ánh các đề tài lịch sử, Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, Đề án phát triển du lịch...


Biểu dương, khen thưởng các tác giả có tác phẩm đạt giải tại Cuộc thi sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật về chủ đề “Học tập học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2021 – 2022

Các hoạt động triển lãm tranh ảnh, thư pháp, thư họa, Ngày thơ Việt Nam và chương trình biểu diễn nghệ thuật chào mừng các sự kiện chính trị, kỷ niệm ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh thường xuyên được tổ chức, góp phần tích cực trong việc quảng bá, giới thiệu hình ảnh, con người, thiên nhiên và sắc thái văn hóa đặc trưng của Đồng Tháp. Giải thưởng văn học nghệ thuật Nguyễn Quang Diêu đã khuyến khích lực lượng văn nghệ sĩ sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị về quê hương, con người Đồng Tháp. Cuộc thi sáng tác tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” thu hút đông đảo văn nghệ sĩ chuyên nghiệp, không chuyên, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên, học sinh tham gia. Nhiều bài dự thi có giá trị tư tưởng và nghệ thuật thể hiện được trình độ nhận thức chính trị, tình cảm của tác giả đối với Bác Hồ và Đảng sâu sắc, đồng thời đánh thức tiềm năng sáng tác văn học, nghệ thuật của địa phương.

Theo Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh, công tác phổ biến và quảng bá tác phẩm, giới thiệu những tác phẩm có chất lượng bằng nhiều hình thức liên kết, phối hợp các ngành trong và ngoài tỉnh thường xuyên được thực hiện. Nổi bật là việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Đờn ca tài tử, Hò Đồng Tháp, từng bước đưa loại hình này trở thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng của địa phương. Các ngành, đơn vị có liên quan đẩy mạnh đổi mới phương thức liên kết phối hợp, nâng cao tính chuyên nghiệp, tạo ra những tác phẩm âm nhạc, sân khấu, chương trình nghệ thuật chất lượng mang đậm nét đặc trưng văn hóa, con người Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo. Qua đó, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật ngày càng cao của Nhân dân và tăng cường giới thiệu, quảng bá, phổ biến, lan tỏa các tác phẩm âm nhạc, sân khấu, chương trình nghệ thuật của Đồng Tháp đến với công chúng.

Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh phối hợp với Trường Đại học Đồng Tháp, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các Hội Văn học Nghệ thuật huyện, thành phố phối hợp tổ chức nhiều lớp tập huấn cho các đối tượng yêu thích sáng tác văn học, nghệ thuật... Qua đó, kịp thời phát hiện, bồi dưỡng cho lực lượng văn nghệ sĩ trẻ của tỉnh. Công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật có sự chuyển biến tích cực, huy động sự tham gia của những cây bút có năng lực thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau. Cùng với hoạt động văn học, nghệ thuật chuyên nghiệp, phong trào văn nghệ quần chúng cũng phát triển mạnh mẽ. Nhất là từ khi có Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động số 214 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các phong trào văn nghệ quần chúng phát triển nhanh, đi vào chiều sâu và có sức lan tỏa trong cộng đồng. Qua đó, tạo được không khí vui tươi, phấn khởi trong các tầng lớp nhân dân, động viên Nhân dân hăng say lao động, sản xuất, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

DŨNG CHINH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn