Huyện Tháp Mười lan tỏa nhiều gương “Người tốt, việc tốt” từ xây dựng đời sống văn hóa

Cập nhật ngày: 22/02/2023 06:05:05

Trên cơ sở các kế hoạch, hướng dẫn của Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” năm 2022 của tỉnh (viết tắt là Phong trào), Ban Chỉ đạo Phong trào huyện và Ban Công tác các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Tháp Mười xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, đảm bảo các yêu cầu, nội dung gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại đơn vị, địa phương. Đồng thời thường xuyên củng cố, kiện toàn Ban Vận động các ấp, khóm và Tổ Nhân dân tự quản, nhằm tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia các công trình, phần việc thiết thực của Phong trào.


Em Nguyễn Thị Ngọc Hiền - học sinh lớp 12C Trường THPT Tháp Mười (bìa trái) đến Công an huyện trình báo và giao nộp chiếc điện thoại di động em nhặt được trên đường đến trường vào ngày 15/10/2022. 
Ảnh: CTV

Các thành viên Ban Chỉ đạo Phong trào huyện, Ban Công tác các xã, thị trấn quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc, lồng ghép với các phong trào thi đua khác. Từ đó, tạo sự lan tỏa sâu rộng, đặc biệt xuất hiện nhiều gương “Người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến” thông qua các phong trào, cuộc vận động như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Nông dân sản xuất giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo”; “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”... thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và người dân tham gia, tác động tích cực vào kết quả xây dựng đời sống văn hóa của huyện.

Ngay từ đầu năm 2022, Ban Chỉ đạo Phong trào huyện đã chỉ đạo Ban Công tác các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch triển khai, phát động đăng ký xây dựng “Gia đình văn hóa” với 34.812/34.974 hộ tham gia (chiếm 99,53%); 62/62 khóm, ấp đăng ký xây dựng “Khóm văn minh đô thị”, “Ấp văn hóa nông thôn mới”; 13/13 xã, thị trấn đăng ký xây dựng “Xã văn hóa nông thôn mới”, “Thị trấn văn minh đô thị”. Qua bình xét các danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Khóm văn minh đô thị”, “Ấp văn hóa nông thôn mới”, “Xã văn hóa nông thôn mới”, “Thị trấn văn minh đô thị” đều có tỷ lệ đạt và vượt so với kế hoạch đề ra.

Qua thực hiện Phong trào, huyện Tháp Mười kịp thời phát hiện, giới thiệu và nhân rộng các mô hình điển hình tiêu biểu tạo được sự chuyển biến tích cực. Nhất là việc thực hiện các phong trào đoàn kết giúp nhau giảm nghèo; thực hiện nếp sống văn hóa, kỷ cương pháp luật, xây dựng gia đình văn hóa, học tập và lao động sáng tạo... Đồng thời, UBND huyện Tháp Mười đã khen thưởng 177 tập thể, 349 cá nhân có thành tích tiêu biểu trong các phong trào thi đua đột xuất hoặc chuyên đề, đề nghị Sở Nội vụ trình UBND tỉnh Đồng Tháp khen thưởng 5 tập thể, 2 cá nhân trong công tác an sinh xã hội tại huyện.

Cũng thông qua việc xây dựng đời sống văn hóa, huyện Tháp Mười đã xuất hiện ngày càng nhiều gương “Người tốt, việc tốt”. Cụ thể, trong năm 2022, huyện đã biểu dương gần 10 cá nhân có thành tích “nhặt được của rơi trả lại cho người bị mất” với tổng giá trị tài sản khoảng 16 triệu đồng và nhiều loại giấy tờ cá nhân liên quan. Huyện Tháp Mười tiếp tục tuyên truyền gương “Người tốt, việc tốt” đối bà Trần Thị Kim Thia ngụ xã Hưng Thạnh (huyện Tháp Mười) là người phụ nữ đã dạy bơi miễn phí cho hơn 3.000 trẻ em trong và ngoài địa phương được Tổ chức Forbes Việt Nam bình chọn vào top 20 phụ nữ truyền cảm hứng năm 2021. Hiện tại, bà Trần Thị Kim Thia đang được đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc đột xuất trong đóng góp an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Nhìn chung, các cấp ủy, chính quyền, ngành, tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở của huyện Tháp Mười thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Phong trào. Nổi bật là việc hưởng ứng tích cực của cán bộ, công chức, viên chức cộng với sự đồng lòng của người dân đã đưa Phong trào đi vào đời sống, góp phần giảm các tệ nạn xã hội, ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân trên địa bàn.

Thời gian tới, huyện Tháp Mười đề ra nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả để người dân nhận thức đúng về ý nghĩa, vai trò của Phong trào, trọng tâm là xây dựng “Gia đình văn hóa”. Tăng cường nguồn lực từ ngân sách Nhà nước cũng như vận động xã hội hóa nhằm đẩy mạnh việc xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao. Nâng cao chất lượng hoạt động của các Câu lạc bộ “Gia đình phát triển bền vững” và chú trọng đổi mới nội dung sinh hoạt. Tổ chức nhiều chương trình văn nghệ quần chúng, đa dạng hóa các hình thức tổ chức, thu hút đông đảo người dân ở cộng đồng dân cư tham gia...

DŨNG CHINH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn