Lam Kinh chính thức trở thành Di tích quốc gia đặc biệt

Cập nhật ngày: 27/09/2013 06:43:09

Khu di tích lịch sử Lam Kinh gồm những lăng phần, đền miếu và một hành cung của các vua nhà Hậu Lê mỗi lần về bái yết tổ tiên.

Sáng 26/9, tại Khu di tích lịch sử Lam Kinh (huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) đã diễn ra Lễ đón Bằng công nhận Khu di tích lịch sử Lam Kinh là Di tích quốc gia đặc biệt.

Buổi lễ có sự tham dự của đồng chí Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng bí thư BCH Trung ương Đảng; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; ông Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; đại diện lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa và các tỉnh lân cận cùng hàng nghìn người dân địa phương.

Trong khuôn khổ Lễ hội Lam Kinh 2013, tỉnh Thanh Hóa tổ chức lễ đón Bằng công nhận Di tích quốc gia đặc biệt Khu di tích lịch sử Lam Kinh. Buổi lễ được tổ chức theo nghi thức trang trọng, thành kính và tôn nghiêm.


Ông Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi lễ

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, khu Di tích lịch sử Lam Kinh là tài sản vô giá của nhân dân Thanh Hóa và quốc gia. Đây là di sản cần được quan tâm, bảo vệ. Khu Di tích lịch sử Lam Kinh được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa, đồng thời cũng đặt ra trọng trách lớn trong việc bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị lịch sử quốc gia.

“Chúng ta tin tưởng sâu sắc rằng cùng với niềm tự hào về những đóng góp to lớn của Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn, tự hào về di sản văn hóa được tôn vinh, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Thanh Hóa sẽ tiếp tục nâng cao tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm trong việc phát huy truyền thống quê hương; gắn kết chặt chẽ giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế du lịch, góp phần đưa hình ảnh của Thanh Hóa đến với đồng bào trong nước và nước ngoài.

Cùng với việc đầu tư trong các lĩnh vực kinh tế - văn hóa – xã hội, tỉnh Thanh Hóa cần tiếp tục thực hiện tốt dự án phục hồi, tôn tạo và bảo tồn, phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Lam Kinh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt” – Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.


Vở kịch tái diễn cuộc khởi nghĩa Lam Sơn

Tiếp đó là chương trình nghệ thuật sân khấu hóa chủ đề “Hào khí Lam Sơn- tỏa sáng trường tồn” gồm 3 chương, tái hiện lịch sử 10 năm cuộc khởi nghĩa Lam Sơn hào hùng, cảnh vua Lê đăng quang, dấu ấn lịch sử Lê sơ và Lê Trung hưng, các giá trị nổi bật về kiến trúc nghệ thuật của Khu di tích Lam Kinh, sự phát triển của Thanh Hóa hôm nay.

Lễ hội còn có các trò diễn múa hát dân gian đặc sắc, tiêu biểu của các địa phương trong tỉnh gắn liền với lễ hội như: Múa Xuân Phả, múa rồng Xuân Lập (Thọ Xuân), trò Chiềng (Yên Định), trò Sanh Ngô, trống hội Phú Khê (Hoằng Hoá), hát múa Đông Anh (Đông Sơn), cồng chiêng (Ngọc Lặc), hò Sông Mã (Câu lạc bộ Dân gian Hà Trung)./.

Vân Anh-Minh Sung/VOV

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn