Liên hoan đờn ca tài tử TPHCM: Bước ngoặt lạc quan

Cập nhật ngày: 18/07/2015 04:41:43

Với trên 250 tài tử đờn, tài tử ca tranh tài trong suốt hai ngày 11 và 12-7, Liên hoan đờn ca tài tử TPHCM (giải Hoa sen vàng lần thứ 2 năm 2015) vừa tạm khép lại để chuẩn bị chương trình cho đêm biểu diễn tổng kết trao giải thưởng. Liên hoan được đánh giá là một bước ngoặt đầy lạc quan với sự xuất hiện đội ngũ kế thừa khá trẻ và đầy đam mê.

Sân chơi được mong chờ

Nhằm tôn vinh và phát huy những giá trị độc đáo của nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam bộ - loại hình di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã được UNESCO vinh danh, liên hoan ĐCTT TPHCM là dịp để các nghệ nhân, tài tử đờn, ca của thành phố có điều kiện hội ngộ, giao lưu, học tập lẫn nhau cũng như trao đổi chuyên môn. Qua đó, thể hiện tình tri kỷ tri âm, từng bước nâng cao chất lượng phong trào ĐCTT, tìm kiếm và phát triển những nhân tố mới để làm hạt nhân cho các câu lạc bộ (CLB) ĐCTT trên địa bàn TP. Bên cạnh các chủ đề: Ca ngợi Đảng, ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng dân tộc; học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; ca ngợi các lực lượng vũ trang trong đấu tranh giải phóng dân tộc và thời bình đang ngày đêm canh giữ biên giới, vùng biển, vùng trời của Tổ quốc; tình yêu gia đình, quê hương đất nước; tình yêu đôi lứa; các thành tựu kinh tế - xã hội… nội dung liên hoan còn mang đầy hơi thở cuộc sống đương đại khi phản ánh sinh động công cuộc xây dựng nông thôn mới, cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa... của thành phố hôm nay.


Tiết mục “Con đường hạnh phúc” (điệu Nam xuân) của Ngọc Châu và Kha Thy (Trung tâm Văn hóa huyện Củ Chi). Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Mỗi CLB tham gia tranh tài trong chương trình 35 phút, được xây dựng gồm những làn điệu trong 20 bài bản tổ nhạc tài tử và điệu vọng cổ. Mỗi CLB khi dàn dựng chương trình đều có chủ đề cụ thể, phải đảm bảo đủ các thể loại: độc tấu, song tấu, hòa tấu, đơn ca, song ca và ca ra bộ. Chương trình phải có ít nhất 2 hơi điệu trong 4 hơi điệu (Bắc, Nam, Hạ, Oán) và vọng cổ (nhịp 2, nhịp 4, nhịp 8, nhịp 16 hoặc nhịp 32)... Những yêu cầu cụ thể về nội dung, thể loại góp phần định hướng phát triển cả về lượng lẫn chất, nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của đông đảo quần chúng nhân dân, góp phần vun đắp cho nghệ thuật ĐCTT luôn được bảo tồn và ngày càng phát triển sâu rộng trong đời sống của người dân TPHCM, như nội dung cam kết cộng đồng với UNESCO.

Tín hiệu lạc quan từ lớp trẻ kế thừa

Có thể nói, Liên hoan ĐCTT TPHCM lần này đã đánh dấu một bước ngoặt về sự tiến bộ chất lượng nghệ thuật của 24 đơn vị quận huyện. Các đơn vị dàn dựng chương trình hay, nội dung phong phú, chất lượng tốt. “Đáng quan tâm hơn cả khi tại liên hoan lần này đã xuất hiện những gương mặt mới khá ấn tượng. Trong đó, có những đơn vị đã thật sự lóe sáng như huyện Củ Chi, quận 12, quận 2, huyện Bình Chánh…”, ông Lê Văn Lộc, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa TPHCM, Phó Trưởng ban thường trực BTC cuộc thi, đã không giấu được niềm vui. Soạn giả Ngô Hồng Khanh, Trưởng ban Giám khảo chuyên môn liên hoan, nhận định: “Từng gắn bó với phong trào ĐCTT hàng chục năm rồi, tôi thật sự vui mừng bởi liên hoan ĐCTT lần này đã thể hiện tính chuyên nghiệp cao, các thí sinh luyện tập rất nghiêm túc, tinh thần tự giác cao và quyết tâm. Với tinh thần này, chắc chắn lực lượng kế thừa nghệ thuật ĐCTT của TPHCM sẽ ngày càng phát triển, căn cơ và vững mạnh”.

Thực tế tại liên hoan, không ít khán giả mộ điệu đã vô cùng thích thú, ngạc nhiên và có cả ngưỡng mộ khi chứng kiến tiết mục biểu diễn của các tài năng trẻ, các tài tử nhí như tiết mục độc tấu đờn sến của bé Lê Minh Khôi (10 tuổi), ca vọng cổ của bé Triệu Phú (11 tuổi) hay tiết mục Nam xuân của hai bé Phan Thị Ngọc Châu (12 tuổi), Phạm Thị Kha Thy (10 tuổi)… Theo thông tin mới nhất từ ông Nguyễn Văn Minh, Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM, phát huy những thành công qua hai lần liên hoan ĐCTT TPHCM giải Hoa sen vàng, TPHCM sẽ khởi động liên hoan ĐCTT dành cho thiếu nhi lần đầu tiên vào năm 2016

MINH AN(SGGPO)

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn