Lúng túng đề án cấp chứng chỉ hành nghề cho nghệ sĩ
Cập nhật ngày: 05/06/2013 08:28:59
Vẫn biết rằng việc siết chặt quản lý nghệ thuật biểu diễn góp phần lành mạnh hóa đời sống nghệ thuật, mang đến cho công chúng những món ăn tinh thần lành mạnh là việc cần thiết và câu chuyện về cấp chứng chỉ hay thẻ hành nghề cho nghệ sĩ cũng vì thế đã được bàn thảo, nâng lên đặt xuống nhiều lần. Song lần nào cũng vậy, hội nghị thì lớn nhưng rốt cuộc vẫn lâm vào cảnh 9 người, 10 ý.
Từ năm 2014, ca sĩ phải có chứng chỉ hành nghề mới được biểu diễn. Ảnh: Thúy Bình
Sẽ không còn “vàng, thau lẫn lộn”?
Lần này, hội nghị trực tuyến góp ý đề án cấp chứng chỉ cho nghệ sĩ, người mẫu lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn do Bộ VH-TT-DL tổ chức ngày 3-6, tại Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM cũng vẫn chưa thoát ra được vòng luẩn quẩn ấy.
Theo Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Hồ Anh Tuấn, gần đây việc biểu diễn nghệ thuật ở Việt Nam liên tục có những sai phạm nghiêm trọng. Các nghệ sĩ đua nhau hát nhép, mặc trang phục phản cảm, phát ngôn gây sốc… ảnh hưởng nặng nề đời sống tinh thần khán giả, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Vì vậy, bộ cho rằng, việc cấp chứng chỉ hành nghề trong thời điểm này là hợp lý, để tránh “vàng, thau lẫn lộn” trong hoạt động biểu diễn.
Theo dự thảo đề án, việc cấp chứng chỉ sẽ áp dụng với tất cả nghệ sĩ, nhưng trước mắt là ca sĩ và người mẫu. Bởi, thời trang và âm nhạc là hai lĩnh vực đang có nhiều sai phạm nhất. Những người được cấp thẻ phải hội đủ ba điều kiện: Tư cách đạo đức tốt, có năng lực chuyên môn và chưa từng bị thu hồi chứng chỉ hành nghề trước đó. Bộ dự định cấp hai loại thẻ. Loại thứ nhất dành cho nghệ sĩ được đào tạo tại các trường nghệ thuật và có danh hiệu. Loại thứ hai dành cho các nghệ sĩ không được đào tạo bài bản nhưng có năng khiếu và được công chúng yêu mến.
Đối với các NSND, NSƯT hay những nghệ sĩ được nhà nước phong tặng danh hiệu, việc cấp chứng chỉ hành nghề là điều đương nhiên. Họ sẽ không phải làm hồ sơ xin cấp thẻ như các nghệ sĩ khác. Bộ khẳng định, chứng chỉ hành nghề của mỗi nghệ sĩ sẽ được sử dụng cho tất cả chương trình họ tham gia. Mã số của chứng chỉ cũng được cấp trùng với mã số thuế thu nhập cá nhân của từng người để tiện cho việc quản lý. Nếu nghệ sĩ nào vi phạm trong hoạt động nghệ thuật sẽ bị treo chứng chỉ hành nghề từ 6 tháng đến 2 năm.
Trường hợp vi phạm nặng có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến biện pháp chế tài cao nhất là thu hồi thẻ. Hiện bộ đang băn khoăn về việc nên cấp phép có thời hạn 5 năm đối với những người được đào tạo chuyên nghiệp và 3 năm với những người còn lại, hay sẽ cấp thẻ một lần và có hiệu lực vĩnh viễn.
Mù mờ về tiêu chí
Theo đề án cấp chứng chỉ hành nghề cho nghệ sĩ do Bộ VH-TT-DL đưa ra, đến 80% người được hỏi tán đồng với việc cấp chứng chỉ. Tuy nhiên, tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng tiêu chí để xét cấp chứng chỉ vẫn quá mù mờ do chúng đều mang tính chất cảm quan nhiều hơn định lượng, khó có thể chỉ rõ tại sao người này được cấp chứng chỉ, người kia lại không.
Ông Phạm Xuân Phúc, Phó Chánh Thanh tra Bộ VH-TT-DL, cũng đồng quan điểm rằng tiêu chí còn chưa cụ thể. Ông Phạm Xuân Phúc nhấn mạnh: “Tiêu chuẩn để cấp chứng chỉ cần cụ thể hơn. Nhiều nghệ sĩ chưa qua đào tạo, hành nghề tự do, nếu nói chỉ cần có báo cáo hoạt động, có đạo đức sẽ được cấp thẻ là chưa cụ thể. Hoạt động nghệ thuật có tính năng khiếu, vì vậy, trong đề án cần xây dựng quy định về tuổi cấp thẻ, quy định về việc cấp lại với trường hợp mất, rách… Quy định trong đề án cần chặt chẽ hơn”.
Nghệ sĩ Lê Chức, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, cũng bày tỏ lo ngại sẽ xảy ra tình trạng việc cấp chứng chỉ thông thoáng đến độ xin cấp là được. Ngay cả việc có nên tồn tại hai loại chứng chỉ hành nghề dành cho người được đào tạo qua trường lớp và những người có năng khiếu, kỹ năng mà thành tài cũng vấp phải nhiều tranh cãi. Theo ông Lê Chức, việc phân chia như vậy là không cần thiết vì khi làm nghề, ai cũng đều phải có trách nhiệm, có ý thức với công việc như nhau. Cần phải bình đẳng, đủ tiêu chí, đủ điều kiện thì cấp.
Là một trong số ít ý kiến không tán đồng việc cấp chứng chỉ hành nghề, ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL TPHCM, cho rằng: “TPHCM có nhiều nghệ sĩ tự do. Từ nghị định 11, 103, 79 đều không có điều nào nói về việc cấp thẻ hành nghề. Chúng ta chỉ quản lý chương trình, nội dung nghệ thuật, không chịu trách nhiệm quản lý con người cụ thể. Nếu chúng ta quản lý tốt, duyệt chương trình tốt sẽ quản lý được nghệ thuật biểu diễn. Không cần phải có thêm “giấy phép con” vì việc cấp thẻ rất gian nan”.
Lấy ví dụ về việc không cần có thêm một thủ tục hành chính rườm rà, ông Võ Trọng Nam cho biết, như trường hợp ca sĩ Bảo Yến, nghệ sĩ Kim Tiểu Long… bị Bộ VH-TT-DL ra quyết định cấm biểu diễn thì các nơi đều không dám mời. “Có văn bản như thế từ bộ, các nơi đều thực hiện, vậy có cần chứng chỉ hành nghề nữa không? Có thể quản lý bằng các văn bản hành chính sẽ giảm đi nhiều thủ tục” - ông Võ Trọng Nam nhấn mạnh.
Đồng quan điểm này, đại diện Sở VH-TT-DL Cần Thơ cho rằng: “Chứng chỉ không phải là cây đũa thần trong quản lý. Các cơ quan quản lý cứ làm sát vấn đề, làm tốt khâu kiểm định chương trình sẽ không cần thêm chứng chỉ hành nghề”.
Theo ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, tháng 7 sẽ triển khai lấy ý kiến các đơn vị chức năng liên quan về đề án cấp chứng chỉ hành nghề và nhiều khả năng đề án sẽ có hiệu lực vào tháng 1-2014. Tuy nhiên, đó chỉ là ý muốn chủ quan của những người quản lý, bởi lẽ tại thời điểm này, ngay cả các đại biểu tham dự hội nghị cũng chưa có được bản dự thảo đề án chính thức thì liệu rằng việc triển khai cấp chứng chỉ có được áp dụng tới từng nghệ sĩ trong một thời gian ngắn?
Theo MAI AN(SGGPO)