Nhà thơ Thu Nguyệt và những chuyến đi

Cập nhật ngày: 10/10/2012 07:37:18

Nhà thơ Thu Nguyệt sinh ngày 2/8/1963, quê quán Mỹ Ngãi, Cao Lãnh (nay là phường 11, thành phố Cao Lãnh), hiện là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) Đồng Tháp, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.


Nhà thơ Thu Nguyệt trong một chuyến đi thực tế sáng tác

Tốt nghiệp sư phạm nhưng chị lại chuyển sang công tác tại Hội VHNT Đồng Tháp. Cuối năm 1986, chị đi học Trường Viết văn Nguyễn Du tại Hà Nội. Năm 1992, cùng chồng là Họa sĩ Nguyễn Việt Hải (mất năm 2003) lên TP.HCM lập nghiệp. Năm 2000, chị là hội viên đầu tiên của Hội VHNT Đồng Tháp được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam.

Từ lúc còn đi học ở trường làng, Thu Nguyệt đã tập tành sáng tác. Đến nay chị có 5 tác phẩm thơ được xuất bản gồm: Điều thật, Ngộ, Cõi lạ, Hoa cỏ bên đường, Theo mùa và tập truyện ngắn, tản văn: Big-bang bỏ túi cùng nhiều tác phẩm thơ, văn đăng trên các tờ báo, tạp chí văn nghệ Trung ương và địa phương được giới văn nghệ sĩ đánh giá cao.

Chị từng đạt các giải thưởng lớn như: Giải C (không có giải A) cuộc thi Sáng tác Văn học 1998 - 2000 của Báo Văn Nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam; Giải B (không có giải A) Giải thưởng Văn học năm 2000 của Hội Nhà văn Việt Nam với tập thơ Cõi lạ; Giải A, giải thưởng Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Tháp lần thứ I (1945-2005).

Từ năm 2003, chị về công tác tại Báo Tuổi Trẻ. Dù phải đầu tư nhiều cho công tác chuyên môn nhưng chị vẫn sắp xếp thời gian để có những chuyến đi và viết. Chị đi nhiều, khoảng 10 nước trên thế giới và hầu hết các miền đất quê hương đều có dấu chân chị. Chị rất thích những vùng núi cao phía Bắc Tổ quốc và gắn bó máu thịt với đồng bằng, hầu như mùa nước nổi nào - dù bận bịu đến đâu, chị cũng tranh thủ về quê... ngắm nước!

Khi được hỏi về những chuyến đi, chị chia sẻ: “Đi đây đó, nhìn ngó khắp nơi là nhu cầu và cũng là “nhiệm vụ” của tôi. Những cảm hứng và kiến thức tôi thu thập được từ những chuyến đi góp phần quan trọng tạo nên tác phẩm. Chuyến đi nào đối với tôi cũng đều bổ ích - nếu không phát hiện ra những điều mới thì cũng chiêm nghiệm được nhiều vấn đề từ những điều cũ, ăn thua là ở sự hoạt dụng tư duy của mình, nếu biết cách quan sát suy ngẫm thì không có điều gì là không mang lại cho mình cái hay, cái mới”.

Chính vì đi nhiều, trải nghiệm nhiều, nên thơ chị không chỉ đong đầy cảm xúc mà còn có cả sự chiêm nghiệm độc đáo. Đọc thơ chị ta cảm nhận sâu sắc hơn giá trị thực của đời sống. Bài thơ Hoài bão trong tập thơ Điều thật là một trong những bài thơ viết về quê hương mà chị tâm đắc nhất, bởi theo chị, làng quê luôn là một góc đẹp nhất trong lòng mỗi người. Góc nhỏ ấy là hình ảnh mà ai cũng muốn lưu giữ mãi.

Tuy nhiên, kỷ niệm không chỉ là những niềm vui mà còn có cả những nỗi buồn, nét lãng mạn hồn nhiên lẫn sự gian khó vất vả... Làm thế nào để vẹn toàn được tất cả? Đó là câu hỏi mà bài thơ viết ra trước mắt mọi người, để cùng suy nghĩ...

Làng quê tôi nép bên bờ câu hát
Mượn chén ăn cơm lắc lẻo gập ghềnh
Nếu ai có một làng quê như vậy
Thì suốt đời không thể nào quên.

Lục bình buồn trôi xuống trôi lên
Hoa tím vướng mái dầm vội vã
Người quê tôi không ai già yếu cả
Mắt nhắm rồi đất còn đọng móng tay!

Ngày tháng quê tôi không rộng không dài
Nỗi tất bật rộng dài hơn ngày tháng
Già tóc màu mây, trẻ tóc màu nắng
Đồng lúa quê tôi theo mùa cứ xanh rờn.

...

(Trích thơ Hoài Bão của nhà thơ Thu Nguyệt).

Hữu Nghĩa

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn