Phụ nữ trên gốm Nam bộ xưa
Cập nhật ngày: 09/03/2022 09:47:00
ĐTO - Nếu như gốm Nam bộ xưa (GNBX) là tinh hoa của kỹ thuật chế tác nước ngoài kết hợp với bàn tay tài hoa và óc sáng tạo của những lưu dân “mang gươm đi mở cõi”, thì hình ảnh người phụ nữ Việt là tinh hoa trong quá trình sáng tạo những tác phẩm gốm đó.
Nhà Sưu tập Đỗ Quyên bên chiếc bình gốm thương hiệu Thành Lễ khắc họa hình ảnh người phụ nữ trong công việc thường ngày
Tuy còn bàn luận, nhưng các nghiên cứu cho thấy, nghề GNBX manh nha từ cuối thế kỷ XVII. Những lưu dân “mang gươm đi mở cõi” và người Hoa ở Nam Trung Quốc đã đến đây cộng cư sinh sống, trong đó có những người có tay nghề gốm nơi bản quán. Sự giao thoa này đã cho ra đời những sản phẩm gốm độc đáo hơn cả bản quán. Điều này được xem là sự kết tinh những ưu thế cao nhất của kỹ thuật chế tác nước ngoài và bàn tay tài hoa, óc sáng tạo của lưu dân từ hai vùng đất có truyền thống gốm thuộc miền Bắc, miền Trung của Tổ quốc. Đến những thập niên đầu thế kỷ XX, cùng với việc ra đời của Trường Mỹ nghệ thực hành Biên Hòa (Đồng Nai), những chuyên gia người Pháp đã phối hợp cùng với những người thợ gốm Sài Gòn xưa thổi hương sắc mới cho gốm Nam bộ khi sáng tạo ra nhiều nước men mới, giúp cho việc trang trí màu sắc trên sản phẩm ngày sống động hơn, tinh tế hơn và người vẽ dễ dàng sáng tạo hơn. Có thể nói, sự giao thoa Đông - Tây, kim - cổ, bản địa – hải ngoại đã hòa quyện vào từng hình dáng, màu sắc, đường nét, chất liệu chế tác... đã thổi hồn cho sản phẩm GNBX sức sống mới. Từ đó, hình thành những thương hiệu gắn liền với thời gian: gốm Cây Mai, gốm Lái Thiêu, gốm Biên Hòa... Bên cạnh kỹ thuật, những yếu tố mang đậm truyền thống, văn hóa nghề nghiệp và bàn tay sáng tạo của “người nghệ sĩ dân gian” đã tạo cho GNBX những độc bản vô cùng thú vị và có ý nghĩa cho những nhà sưu tầm sau này. Trong đó, đặc biệt là mảng đề tài về người phụ nữ.
Tuy chủ yếu sản xuất những sản phẩm gốm gia dụng (hũ, tô chén, đĩa), gốm trang trí (bình, phù điêu) và một ít dùng trong tôn giáo, tín ngưỡng, nhưng những tác phẩm GNBX lại rất đa dạng và đặc sắc. Nhất là mảng đề tài về người phụ nữ được các “họa sĩ dân gian” thể hiện một cách sáng tạo. Qua đó, lột tả và tôn vinh phẩm chất quý giá của người phụ nữ dưới nhiều góc độ... Những chuyến “khám phá” các kho GNBX của nhiều nhà sưu tập nổi tiếng vùng đồng bằng sông Cửu Long đã cho chúng tôi cảm nhận: đề tài về phụ nữ trên gốm được thể hiện rất phong phú từ lao động sản xuất (như gặt lúa, xay gạo), hưởng thụ nghệ thuật cuộc sống (thưởng thức và biểu diễn cầm kỳ thi họa) cho đến hành trình đi tìm hạnh phúc lứa đôi (cô dâu chú rể, rước dâu...). Đặc biệt hơn, đây cũng chính là giai đoạn thể hiện tinh thần độc lập dân tộc Việt cao nhất trong lĩnh vực mỹ thuật đương thời khi xuất hiện nhiều tác phẩm thể hiện đề tài kiên cường trong cuộc chiến tranh vệ quốc. Bên cạnh đề tài “Đinh Bộ Lĩnh cờ lao tập trận”, hay “Vua Quang Trung đại phá quân Thanh”.... nhiều dòng GNBX còn mạnh dạn đưa đề tài về Hai Bà Trưng diệt quân Nam Hán, hay Bà Triệu “cưỡi voi đánh đuổi quân Ngô”... Thậm chí, nhiều tác phẩm còn khai thác những hình tượng đã được “định hình” trong văn hóa dân tộc như tranh Đông Hồ... Có dịp thưởng thức những chiếc bình thánh thót, những chiếc phù điêu lực lưỡng, những dĩa gốm tròn đầy về đề tài Bà Trưng, Bà Triệu đánh giặc... chúng tôi không chỉ mục sở thị tác phẩm tạo dáng thanh thoát, mềm mại, khoe vẻ đẹp bởi sự phối hợp nhuần nhị, khéo léo giữa dáng, màu men mà còn cảm nhận cả tinh thần quật khởi ngùn ngụt ẩn hiện bên trong. Nhưng đó không phải là sự sao chép, mà còn là sự sáng tạo lần thứ 2. Điển hình là tranh Đông Hồ thể hiện Bà Triệu cưỡi voi một ngà đánh quân Ngô, nhưng khi đi vào gốm Biên Hòa, sự đa dạng sắc màu và ngôn ngữ hình khối của gốm đã cho phép các họa sĩ thể hiện được thêm thần thái mà bà đã khiến kẻ thù kinh hãi thừa nhận: “Múa giáo đánh cọp dễ; Đối mặt Vua Bà thì thực khó”. Thế đó, GNBX không chỉ là những bản hùng ca lịch sử dân tộc trên chất liệu gốm mà còn là sự sáng tạo và tinh thần ái quốc mãnh liệt của những người nghệ sĩ gốm trên vùng đất mới của Tổ quốc. Những tác phẩm giàu tình mỹ thuật đó đã một lần nữa khắc họa người phụ nữ Việt Nam thành biểu tượng đẹp về tinh thần, khí phách khó đâu có được: “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”.
Bằng những đường nét, hình khối, màu sắc, những nghệ sĩ dân gian GNBX đã tạo thành ngôn ngữ riêng để thổi hồn cho những khối đất vô tri sức sống mới: vừa đậm chất truyền thống dân gian, vừa mang hơi thở của kỹ thuật hiện đại để qua đó khắc họa thành công vẻ đẹp tươi sáng, nhân phẩm quý giá của người phụ nữ Việt Nam. Ngày nay, nhìn lại những tác phẩm gốm nhuốm màu thời gian, thậm chí không còn tròn vẹn, nhưng vẫn quá đủ cho tất cả chúng ta cảm nhận được về phụ nữ Việt Nam luôn khát vọng cuộc sống tự do, lạc quan, yêu đời, hăng say lao động và trên hết là tinh thần bất khuất trước mọi thế lực cướp nước. Vì vậy, không có gì quá lời khi nói rằng, GNBX đã dùng ngôn ngữ của hồn đất xây bệ phóng vững chắc để làm thăng hoa hình ảnh người phụ nữ Nam bộ nói riêng, Việt Nam nói chung.
Lục Tùng