Sức sống đờn ca tài tử

Cập nhật ngày: 15/10/2012 05:22:49

“Sắc trắng tinh khôi sắc vàng óng ánh, ký ức năm xưa nằm trên đôi quang gánh nay đã theo con vào mỗi… băng chuyền”.Những tràng pháo tay vang lên không ngớt khi NSƯT Phượng Loan xuống vọng cổ ngọt ngào bài Ngọc đời con vẫn nâng niu (tác giả Châu Giang). Hình ảnh về những người nông dân hiện đại đang ngày đêm xây dựng nông thôn mới qua từng câu từng chữ hiện lên thật giản dị, thật đẹp… Bất chấp mưa gió, những hàng ghế bên dưới đông kín khán giả.


Nghệ sĩ Thảo Vy biểu diễn bài Xuồng ta qua Bến Dược

Đi vào lòng người

Đây là lần thứ ba chương trình giao lưu giới thiệu đờn ca tài tử được Trung tâm Văn hóa TPHCM và Đài Truyền hình TPHCM phối hợp tổ chức, nhằm bảo tồn, phát huy và tôn vinh những giá trị văn hóa dân tộc, góp phần tăng thêm sức sống của loại hình nghệ thuật cổ truyền Nam bộ được đông đảo công chúng mến mộ. Vừa mang đến cho khán giả những kiến thức bổ ích về nghệ thuật truyền thống, chương trình đồng thời cũng giới thiệu đến công chúng những tác phẩm có chất lượng được chọn lọc từ Cuộc vận động sáng tác lời mới cho 20 bài bản tổ đờn ca tài tử và bài vọng cổ do Trung tâm Văn hóa TPHCM tổ chức.

“Làm thế nào để luyện được ngón đờn hay?”, tâm tư của anh Hoàng Tạo được nhạc sĩ Huỳnh Khải giải thích khá cặn kẽ. Đó là ngoài việc trang bị những kiến thức căn bản, người nhạc sĩ phải không ngừng luyện tập và học hỏi từ những người đi trước. Đam mê, học hỏi và khổ luyện sẽ giúp người nghệ sĩ tạo được phong cách riêng của mình.

Chị Thu Hương, một khán giả đến từ Tiền Giang, bày tỏ: “Tôi mê tài tử, mê cải lương lâu rồi, nghe riết thì biết bài bản vậy thôi chứ chưa có học qua lớp nào. Nghe giới thiệu biết có chương trình giao lưu thế này nên tôi cố gắng đi sớm để có chỗ ngồi tốt”. Chị Hương cho biết đang dự định học về đờn ca tài tử.

Cùng với những bài ca đã đi cùng năm tháng, Cuộc vận động sáng tác lời mới cho đờn ca tài tử và vọng cổ nhận được sự hưởng ứng của hàng trăm tác giả khắp cả nước. Những đề tài tưởng chừng như khô cứng, qua giọng ca của các nghệ sĩ Hà Thu, Thảo Vy, Minh Đức, nghệ nhân dân gian Hoàng Tấn, Minh Tiến, Mỹ Trinh, TS Mai Mỹ Duyên… đã trở nên mượt mà, thấm đậm ý nghĩa. Đó là những chiến tích oai hùng của quân dân đất thép Củ Chi được tác giả Thanh Hiền phác thảo sinh động qua tác phẩm Xuồng ta qua Bến Dược (điệu Phú lục chấn), là ý chí kiên cường của những chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ biển trời của Tổ quốc trong Xuân hải đảo (tác giả Hồ Nam), là tinh thần học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh qua tác phẩm Làm theo di chúc Bác Hồ (tác giả Nguyễn Thanh Điền)...

Một khoảng lặng đáng tiếc

Sau nhạc hội đờn ca tài tử được TP tổ chức quy mô năm 2011, ngoài các buổi sinh hoạt nghệ thuật do GS-TS Trần Văn Khê tổ chức tại nhà riêng thì đờn ca tri kỷ là chương trình giới thiệu sâu rộng âm nhạc truyền thống tại địa bàn dân cư. Tuy nhiên, theo chúng tôi được biết, do khó khăn về kinh phí nên sắp tới chương trình sẽ phải tạm ngưng.

Thời gian qua, thực hiện các chương trình tại quận 6 đã nhận được sự hỗ trợ từ một số doanh nghiệp tâm huyết. Tuy nhiên điều kiện kinh tế ngày càng khó khăn khiến chương trình này phải tạm dừng. Nhiều khán giả hỏi khi nào sẽ có lại đờn ca tri kỷ lần 4, lần 5… Nhưng chưa thể, vì còn tùy thuộc nguồn kinh phí.

Phát động từ tháng 3-2012, đến nay Ban tổ chức Cuộc vận động sáng tác lời mới cho đờn ca tài tử và vọng cổ đã nhận được trên 550 tác phẩm dự thi. Dự kiến lễ tổng kết trao giải cuộc thi sẽ được tổ chức tươm tất, ấn tượng nhưng do không còn kinh phí nên phải kết hợp làm chung trong đợt hoạt động chào năm mới của TP, diễn ra ngày 30-12 tới đây.

ĐH (Theo Minh An-SGGPO)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn