Tản văn:
Thói quen của mẹ
Cập nhật ngày: 05/12/2016 10:01:57
Mẹ có nhiều thói quen rất ngộ và dường như đó là một cái tật cố hữu mà mẹ không bao giờ từ bỏ được. Nếu ai đó trong gia đình thắc mắc, mẹ sẽ mỉm cười và bảo: “Đó là thói quen của mẹ từ nhỏ, không bỏ được đâu!”.
Mỗi sáng, mẹ thức dậy từ tờ mờ để xách cây chổi đi quét sân. Mảnh sân rất sạch sẽ (vì tối qua ba đã quét rồi), chỉ lác đác vài chiếc lá tre nhưng mẹ vẫn quét. Âm thanh của cây chổi cọ sát vào lòng sân tạo ra tiếng xào xạc rất rõ, đánh thức giấc ngủ của ba và con. Ba ngồi nhổm dậy, gương mặt nhăn nhó, đi vội ra sân cau có: “Bà để cho tôi ngủ với”. Mẹ ngước mặt lên nhìn ba với đôi mắt hiền từ, giọng mẹ dường như chìm vào không gian trong lành của buổi sáng: “Tôi quen rồi, ông ạ!”. Ba quay vào ngủ tiếp. Trong khi tiếng chổi của mẹ vẫn xào xạc đều đều.
Buổi trưa, cả nhà nghỉ ngơi thì mẹ lại lôi những chiếc quần, chiếc áo rách ra khâu. Mặc dù biết những bộ quần áo này không ai dùng đến nữa nhưng mẹ vẫn cứ khâu. Mẹ xem đó là một cách giết thời gian hiệu quả và như là một thú vui của tuổi già. Sau khi may vá xong, mẹ treo chúng lên sào đồ ngay ngắn, trông chúng cũng tinh tươm. Thấy mẹ “vô công rỗi nghề”, lắm lúc ba bực mình: “Mớ quần áo này rách tả tơi, chỉ để dùng làm đồ lau nhà, sao bà khâu vá chi cho tốn công?”. Mẹ cười: “Trông chúng cũng còn mới mà ông, bỏ đi thì phí lắm. Để mặc đi ruộng cũng được mà”. Ba chịu thua mẹ, đành dịu giọng: “Ờ, thì bà muốn gì cũng được!”.
Chiều, sau khi làm bữa cơm cho cả nhà xong, mẹ ra sau vườn tỉa cây. Tỉa chán chê, mẹ đem dời cụm hoa bên này sang góc khác, nếu như thấy vị trí của chúng không đẹp mắt. Nhiều cây hoa sau khi được mẹ “di cư”, chúng đẹp hơn, tốt tươi hơn. Nhưng cũng có một số cây bị chuyển nhầm “địa chỉ” nên dần héo khô rồi chết. Những lúc đó gương mặt mẹ thoáng hiện lên nỗi buồn, rồi mẹ than thở: “Cỏ cây cũng như con người, nó cần có sự sống. Nhìn nó “ra đi” mẹ cũng nuối tiếc”. Thằng Út lanh miệng nói: “Vậy thì mẹ đừng di chuyển chúng đi nơi khác, cứ để yên chỗ cũ”. Mẹ thở dài: “Mẹ quen rồi, con ạ! Với lại, mẹ cũng muốn chúng đẹp hơn thôi”.
Tối, cả nhà quây quần xem ti-vi, nói cười rôm rả thì mẹ lại lấy quần áo mới trong tủ ra xếp lại cho ngay ngắn. Cái nào nhăn nheo, mẹ đem đi ủi. Cái nào có mùi, mẹ lấy đi giặt lại. Còn cái nào thấy không cần dùng đến nữa, mẹ xếp vào một túi nylon, rồi gửi đi làm từ thiện.
Biết tính mẹ nên ba không khi nào làm mẹ buồn, mà muốn cho mẹ cảm giác thoải mái và tự do theo ý thích của mình. Đôi lúc mệt nhọc vì công việc, ba đâm ra bực mình, lớn tiếng với mẹ vài câu, nhưng sau đó ba biết lỗi, nên không nói thêm câu nào. Mẹ cũng ít khi làm phiền ai, mà lặng lẽ thu mình vào một góc nào đó mà làm “công việc” của mình. Có lần con mạnh dạn hỏi: “Mẹ làm những việc này không thấy chán nản sao?”. Mẹ lại cười, xoa đầu con mà bảo: “Lớn lên con sẽ hiểu. Thói quen tốt chẳng những không ảnh hưởng đến ai mà còn tạo cho ta rất nhiều niềm vui, hữu ích”.
Giờ lớn lên, xa nhà, sống trong một môi trường khắc nghiệt con mới nhận ra những thói quen của mẹ có ý nghĩa biết bao. Con hiểu rằng, chính những thói quen nhỏ nhặt ấy đã tạo cho con người có một niềm tin vào cuộc sống, một nhân cách sống tích cực, có đạo đức, cần mẫn và luôn mang đến cho mình một niềm mê say trong công việc, dù biết rằng đó chỉ là những việc nhỏ nhặt. Con đang cố tập cho mình một thói quen, một lối sống có “lập trình” giống như mẹ. Và con tin rằng nó có ích rất nhiều cho công việc hiện tại của con. Cảm ơn mẹ, cảm ơn vì những thói quen ngộ nghĩnh đáng yêu đó!
ĐẶNG TRUNG THÀNH