Tiếp tục củng cố, xây dựng và hoàn thiện các thiết chế văn hóa
Cập nhật ngày: 15/01/2014 11:40:37
Thiết chế văn hóa là một trong những yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy phong trào văn hóa phát triển. Hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở là địa điểm sinh hoạt văn hóa, tinh thần không thể thiếu của nhân dân, giữ vai trò nòng cốt để xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, tổ chức các hoạt động tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, xã hội tại địa phương, là điều kiện cần và đủ trong phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và Chương trình xây dựng nông thôn mới. Xây dựng và hoàn thiện các thiết chế văn hóa là một trong những nhiệm vụ mà Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đề ra.
Quảng trường Văn Miếu TP.Cao Lãnh. Ảnh: HS
Ở Đồng Tháp, việc đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở thực sự trở thành một nhu cầu bức thiết, một đòi hỏi chính đáng của nhân dân. Xuất phát từ sự quan tâm đó, công tác củng cố, xây dựng và hoàn thiện thiết chế văn hóa đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Các cấp ủy, chính quyền có chú trọng củng cố, xây dựng và hoàn thiện các thiết chế văn hóa. Mức đầu tư cho hoạt động sự nghiệp và kinh phí xây dựng cơ bản tăng hơn trước; xây dựng thêm nhiều công trình văn hóa theo hướng xã hội hóa. Tỉnh đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây mới quảng trường, công viên, hoa viên, trung tâm văn hóa - thể thao các huyện, thị xã, bưu điện văn hóa xã, nhà văn hóa xã, ấp... Xây dựng mới bảo tàng, thư viện; nâng cấp các di tích văn hóa, lịch sử trên địa bàn như Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc, Bia Tiền hiền Nguyễn Tú, Đền thờ ông bà Đỗ Công Tường,... từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân, góp phần thu hút du khách, tuyên truyền về lịch sử, văn hóa địa phương đến du khách, tạo cảnh quan đẹp, tổ chức các lễ hội, các hoạt động văn hóa lành mạnh.
Đồng Tháp hiện có 1 di tích quốc gia đặc biệt, 13 di tích cấp quốc gia và 50 di tích được xếp hạng cấp tỉnh với nhiều loại hình, trong đó loại hình lịch sử và khảo cổ chiếm số lượng nhiều nhất. Đó là tài sản quý giá, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giáo dục về truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc, là phương tiện để quảng bá về hình ảnh địa phương, là nền tảng cho các chiến lược phát triển du lịch, góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế, yếu kém cần chung tay trách nhiệm của cả cộng đồng cùng có giải pháp khắc phục trong thời gian tới: Hệ thống pháp luật và cơ chế, chính sách về văn hóa còn nhiều bất cập, chậm đổi mới, chưa tạo điều kiện và cơ hội để cộng đồng xã hội tích cực tham gia. Huy động các nguồn vốn xã hội đầu tư cho văn hóa còn hạn chế. Nhận thức của các tầng lớp nhân dân về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc chưa cao. Việc phát huy những giá trị văn hóa truyền thống và văn hóa cách mạng còn nhiều hạn chế. Các trung tâm văn hóa chưa có nhiều hoạt động hấp dẫn. Chưa có nhiều công trình văn hóa có giá trị do nhân dân tự xây dựng, quản lý. Hệ thống thư viện chưa phát triển mạnh. Việc quảng bá, khai thác thương hiệu địa phương chưa nhiều. Nguồn nhân lực cho hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa nhìn chung còn hạn chế, lực lượng có trình độ chuyên môn còn ít.
Trong thời gian tới, cần tiếp tục tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, vai trò quản lý của các cấp chính quyền, sự tham gia đóng góp tích cực của các lực lượng xã hội nhằm xây dựng và hoàn thiện các thiết chế văn hóa, làm cho các sản phẩm văn hóa phát triển đúng định hướng và gắn liền với nhu cầu, sinh hoạt của nhân dân. Trong đó, chú trọng vai trò của các lực lượng xã hội tham gia tổ chức hoạt động văn hóa liên quan đến thiết chế văn hóa. Tích cực thực hiện quy hoạch xây dựng các thiết chế văn hóa như: thư viện, nhà văn hóa, khu vui chơi, thể thao... trong các cơ quan, công sở, trường học, khu công nghiệp, doanh nghiệp... để phục vụ đời sống tinh thần của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân.
Củng cố, xây dựng các thiết chế văn hóa là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, đó cũng là 2 trong 19 tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia quy định phải hoàn thành trong quá trình xây dựng nông thôn mới hiện nay. Sẽ tạo điều kiện để người dân nông thôn nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, khắc phục tình trạng chênh lệch về mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân giữa thành thị và nông thôn, cùng tham gia hoạt động sáng tạo văn hóa, đáp ứng nhu cầu về tinh thần. Đó cũng là mục tiêu xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
Đồng Dao