Tiếp tục đưa thương hiệu “nem Lai Vung” phát triển bền vững và vươn xa

Cập nhật ngày: 22/11/2023 10:44:33

http://baodongthap.com.vn/database/video/20231122104658DT2-8.mp3

 

ĐTO - Tập trung khai thác tốt giá trị nghề thủ công truyền thống - nghề làm nem Lai Vung cùng các sản phẩm đặc trưng của địa phương là thế mạnh để huyện Lai Vung đa dạng hơn các sản phẩm du lịch, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa độc đáo của người dân xứ sở Đất Sen hồng.


Du khách tham quan và trải nghiệm gói nem tại cơ sở sản xuất nem Hoàng Khánh (xã Tân Thành, huyện Lai Vung)

TỪ MÓN ĂN DÂN DàTRỞ THÀNH DI SẢN

Nghề làm nem ở huyện Lai Vung ra đời vào khoảng năm 1960, với sự sáng tạo và khéo léo của mình, bà Nguyễn Thị Mặn (Tư Mặn) ấp Tân Khánh, xã Tân Thành, quận Đức Thành, tỉnh Sa Đéc (nay là ấp Tân Khánh, xã Tân Thành, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) đã chế biến những nguyên liệu sẵn có của địa phương thành món ăn dân dã để cúng và đãi khách trong các dịp lễ giỗ, Tết. Bà con trong vùng ăn thử thấy ngon, lạ miệng và món ăn này có thể bảo quản được cả tuần nên nhiều người lấy làm thích thú tìm đến bà Tư để học nghề làm nem. Sau đó, sản phẩm nem được mang ra chợ Lai Vung để bán (và cái tên “nem Lai Vung” được gọi theo tên chợ Lai Vung thuộc quận Đức Thành khi đó). Dần dần về sau trở thành đặc sản nổi tiếng mang thương hiệu “nem Lai Vung”.

Để có những chiếc nem Lai Vung thơm ngon, người chế biến phải trải qua rất nhiều công đoạn như: chuẩn bị nguyên liệu, phụ liệu (thịt heo, da heo, lá vông, lá chuối, dây chuối... và các loại gia vị cần thiết); sơ chế nguyên liệu, phụ liệu; phối trộn, ủ nem; bao gói và bảo quản nem thành phẩm. Nghề làm nem được xem là một trong những nghề truyền thống lâu năm của huyện Lai Vung. Ban đầu, chỉ có một vài hộ sản xuất để tiêu dùng, phục vụ đám tiệc, quà biếu, sau này nghề làm nem Lai Vung dần phát triển và sản phẩm nem Lai Vung đã có mặt ở khắp các cửa hàng đặc sản, siêu thị và là món ăn phổ biến trong tất cả các đám tiệc... Nghề làm nem đã tạo được nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ gia đình và đã thúc đẩy một số nghề liên quan phát triển theo, như: chăn nuôi heo, cắt lá chuối, hái lá chùm ruột, trồng ớt, gói nem gia công... Nghề làm nem ở Lai Vung đã tạo ra công ăn, việc làm và mức thu nhập ổn định cho rất nhiều lao động nông thôn tại địa phương. Nghề làm nem đã nuôi dưỡng các thế hệ con cháu sinh sống, trưởng thành từ vùng quê Lai Vung được học hành, đỗ đạt thành tài và đã có những đóng góp tích cực trong xây dựng quê hương.


Nem Lai Vung - từ món ăn dân dã trở thành Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

Dù trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nhưng nghề làm nem ở huyện Lai Vung vẫn tồn tại và từng bước phát triển. Từ nghề thủ công truyền thống ban đầu với quy mô sản xuất nhỏ lẻ, ngày nay, các cơ sở sản xuất nem Lai Vung không ngừng đầu tư về máy móc, thiết bị, cơ sở vật chất để cải thiện chất lượng sản phẩm, tăng về số lượng và đặc biệt chú trọng thiết kế mẫu bao bì sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị hiếu của thị trường. Nếu như ban đầu chỉ có một vài hộ làm nem thì đến nay, toàn huyện Lai Vung có hơn 20 cơ sở sản xuất nem với nhiều thương hiệu nổi tiếng như: Giáo Thơ, Út Thẳng, Hoàng Khánh, Thanh Xuân, Thanh Sơn, Cô Hiệp... với sản lượng sản xuất hàng trăm nghìn chiếc nem mỗi ngày, doanh thu ước đạt trên 60 tỷ đồng/năm.


Các loại nem, pa tê, chả lụa của cơ sở sản xuất nem Hoàng Khánh

Hằng năm, cứ vào mùa cao điểm dịp lễ, Tết, ngoài số lượng nhân công đang làm việc thường xuyên, các cơ sở nem ở huyện Lai Vung phải thuê thêm nhân công để tăng sản lượng nem mới đáp ứng đủ sản phẩm cung cấp cho thị trường tiêu thụ. Hiện nay, thị trường tiêu thụ của nem Lai Vung được phân phối rộng khắp ở các tỉnh miền Tây và có mặt trong các siêu thị Big C, Coopmart với hệ thống chi nhánh trải dài từ Bắc tới Nam, trong đó thị trường tiêu thụ mạnh nhất là ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Năm 2012, nem Lai Vung được Sách kỷ lục Việt Nam ghi nhận nằm trong top 10 đặc sản nem, chả nổi tiếng Việt Nam. Đặc biệt, năm 2013, nem Lai Vung nằm trong top 50 đặc sản quà tặng Việt Nam lần thứ nhất do Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công bố. Đặc biệt, một số cơ sở làm nem Lai Vung đã được UBND tỉnh Đồng Tháp cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao và có mặt trong top những mặt hàng quà tặng đặc sản địa phương vang tiếng gần xa.

Nhận thấy đây là một trong những nghề giải quyết tốt nhu cầu việc làm cho người dân, nghề làm nem ở Lai Vung đã được UBND huyện Lai Vung khuyến khích phát triển thành nghề truyền thống “đặc sản” địa phương. Từ những giá trị về vật chất và tinh thần đó, chính quyền và Nhân dân xã Tân Thành, thị trấn Lai Vung, huyện Lai Vung đã tự nguyện ký vào cam kết bảo vệ, đề cử và được UBND tỉnh lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Qua thời gian xem xét, khảo sát và thẩm định, ngày 10/11/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định đưa nghề thủ công truyền thống - Nghề làm nem Lai Vung (xã Tân Thành và thị trấn Lai Vung, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Đây là niềm vui chung của các cấp, các ngành của tỉnh Đồng Tháp; là niềm tự hào của người dân và các cơ sở sản xuất nem Lai Vung.


Hoạt động sản xuất nem tại cơ sở sản xuất nem Hoàng Khánh

TIẾP TỤC ĐƯA THƯƠNG HIỆU “NEM LAI VUNG’’ VƯƠN XA

Hiện nay, UBND huyện Lai Vung đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa cho nghề làm nem Lai Vung với tên gọi “nem Lai Vung” và đã được Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận có giá trị 10 năm cho các Cơ sở sản xuất nem: Cơ sở Giáo Thơ (xã Tân Thành), Cơ sở Tư Minh, Cơ sở Út Thẳng và Cơ sở Thúy Ngoan (cùng ngụ thị trấn Lai Vung). Mỗi cơ sở đều có kiểu dáng, mẫu mã hàng hóa thống nhất để nhận dạng là “nem Lai Vung”. Có được bảo hộ, nem Lai Vung giờ đây đã có được chỗ đứng trên thị trường và tránh được rủi ro trong sản xuất kinh doanh.

Ông Phan Văn Tập - Phó Chủ tịch UBND huyện Lai Vung, cho biết: “Để tiếp tục giữ vững thương hiệu “nem Lai Vung” trên thị trường và góp phần làm phong phú thêm kho tàng ẩm thực của người dân Đất Sen hồng nói riêng và của cả nước nói chung, các cơ sở sản xuất nem Lai Vung phải xây dựng cho mình một thương hiệu uy tín, luôn đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm và các tiêu chí vệ sinh môi trường; không ngừng nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã sản phẩm đáp ứng đầy đủ nhu cầu, thị hiếu của thị trường và du khách, đặt chất lượng sản phẩm lên trên lợi nhuận kinh tế. Có như vậy thì nem Lai Vung mới có chỗ đứng vững chắc trong lòng thực khách gần xa”.

Song song đó, cấp ủy, chính quyền và các địa phương của huyện Lai Vung tiếp tục quan tâm gìn giữ, có chính sách phù hợp để phát triển vùng nguyên liệu ổn định, phục vụ cho nghề làm nem để giảm chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận. Quan tâm xây dựng Đề án quy hoạch, phát triển nghề làm nem Lai Vung nhằm tạo điều kiện để người dân tạo thành chuỗi liên kết trong cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, duy trì, mở rộng quy mô sản xuất, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Mặt khác, địa phương cần phải có chính sách tôn vinh những “nghệ nhân” - người giữ lửa truyền thống cho nghề nem Lai Vung; định kỳ hằng năm, quan tâm tổ chức “Ngày hội làng nghề” để các cơ sở sản xuất nem trên địa bàn huyện có cơ hội gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, trưng bày và giới thiệu các loại nem đến gần hơn với thực khách, góp phần đưa thương hiệu “nem Lai Vung” ngày càng phát triển bền vững, vươn xa hơn trong khu vực và quốc tế.

PHÚ TRỌNG

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn