Trăn trở việc kiểm tra, xử lý độ ồn âm thanh
Cập nhật ngày: 27/03/2017 13:26:31
ĐTO - Công tác quản lý, chấn chỉnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ (VHVN) sử dụng âm thanh gây tiếng ồn khiến dư luận bức xúc hiện vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế. Mới đây, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết công tác quản lý, chấn chỉnh các hoạt động VHVN sử dụng âm thanh có công suất lớn gây bức xúc cho người xung quanh và nơi công cộng. Nhiều đại biểu cho rằng việc quản lý, xử lý vi phạm tình trạng gây tiếng ồn của dịch vụ karaoke lưu động và nhạc sống chưa tốt.
Vi phạm nhưng chưa xử phạt trường hợp nào
2 năm gần đây, hoạt động kinh doanh dịch vụ cho thuê âm thanh phát triển rầm rộ. Trong quá trình tổ chức tiệc, nhiều gia đình đã sử dụng dàn âm thanh có công suất lớn, thời gian hoạt động kéo dài nhiều giờ. Một số gia đình thường xuyên thuê mướn dàn âm thanh phục vụ nhiều lần trong tháng, ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt người dân, nhất là các hộ có người cao tuổi, trẻ em trong độ tuổi đi học cần có không gian yên tĩnh để nghỉ ngơi, học tập. Hiện toàn tỉnh có trên 880 cá nhân kinh doanh dịch vụ cho thuê âm thanh phục vụ tiệc gia đình. Bên cạnh công tác tuyên truyền, từ tháng 8/2016 - 2/2017, ngành chức năng đã tổ chức trên 30 lượt kiểm tra tại 50 cơ sở, qua đó nhắc nhở và cho làm cam kết 14 trường hợp vi phạm tiếng ồn, tuy nhiên chưa có vụ vi phạm nào bị xử phạt. Theo các đại biểu dự hội nghị, hiện nay, công tác kiểm tra xử lý vi phạm độ ồn nhạc sống, karaoke lưu động còn nhiều khó khăn. Nhiều trường hợp vi phạm nhiều lần nhưng không có chứng cứ hoặc có chứng cứ thì không có thẩm quyền để xử lý.
Ông Lê Quang Biểu, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Lai Vung cho biết, hiện huyện có gần 70 chủ cho thuê dàn âm thanh, 10 chủ cho thuê karaoke lưu động. Mặc dù những tháng đầu năm tình hình VHVN sử dụng âm thanh công suất lớn có giảm, nhưng có những trường hợp vi phạm nhiều lần (đã nhắc nhở) cần được xử lý. Ông Biểu cho biết, hiện ngành chức năng huyện đã trang bị được máy đo độ ồn, tuy nhiên, Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) đề nghị huyện không được sử dụng máy đo độ ồn mà chỉ có Trung tâm Quan trắc môi trường của Sở này mới được sử dụng. Nhiều đại biểu cũng lo lắng là việc xác định đối tượng vi phạm độ ồn càng khó khăn hơn khi phát hiện người nghi có hành vi vi phạm, các huyện liên hệ Sở TNMT cử người đến đo độ ồn thì không phải lúc nào cán bộ cũng đến hoặc nếu có đến thì lúc đó người nghi vi phạm đã hát xong.
Cán bộ TNMT cấp huyện chưa đo được tiếng ồn!
Sở TNMT đóng vai trò là một trong những ngành tham gia trong việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực vi phạm tiếng ồn. Báo cáo tại hội nghị cho rằng, ngành TNMT cũng có trách nhiệm trong việc chưa thực sự vào cuộc quyết liệt xử lý vi phạm tiếng ồn từ nhạc sống và karaoke di động. Xoay quanh việc xử phạt vi phạm tiếng ồn, bà Vũ Thị Nhung - Phó Giám đốc Sở TNMT dẫn chứng ra nhiều nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường mà nhiều ngành, nhiều cấp vẫn thực hiện được chứ không chỉ riêng ngành TNMT. Chẳng hạn như hát nhạc sống, kẹo kéo có thiết bị âm thanh,... nếu gây mất an toàn giao thông thì ngành công an cũng xử lý được; gây ồn trong khu dân cư thì xã, phường được quyền xử phạt; những sai phạm về lĩnh vực karaoke lưu động do không có phòng cách âm thì ngành văn hóa cũng được quyền xử phạt.

Dàn âm thanh khủng luôn mở công suất cực lớn gây ảnh hưởng sức khỏe người dân
Hiện việc xử phạt vi phạm tiếng ồn trong hoạt động VHVN có nhiều bất cập. Cấp tỉnh chưa thành lập được đội liên ngành để kịp thời phát hiện, xử lý. Theo Sở TNMT, việc kiểm tra tiếng ồn khó ở chỗ đối với ngành TNMT phải có quyết định thành lập đoàn kiểm tra đi kiểm tra thì mới xử phạt được. Lực lượng Cảnh sát môi trường cấp huyện là đơn vị thường xuyên trinh sát, ngăn chặn kịp thời những hành vi gây ô nhiễm môi trường, do đó nếu các ngành cấp huyện phối hợp với lực lượng này thì việc xử lý rất nhanh và hợp lý. Riêng ngành TNMT, đối với vấn đề xử phạt, người đi đo tiếng ồn phải được cấp chứng chỉ đào tạo. Cơ quan công nhận kết quả đo tiếng ồn thì cơ quan đó phải được Bộ TNMT cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề trong lĩnh vực quan trắc TNMT, đối với Phòng TNMT ở các huyện, thị, thành thì chưa được cấp giấy chứng nhận này.
Đối với trường hợp cán bộ TNMT thực hiện nhiệm vụ đo tiếng ồn ngoài giờ, bà Nhung cho biết: “Quy định cán bộ TNMT làm việc trong giờ hành chính, còn nếu có làm ngoài giờ hành chính là khi nào có lực lượng Cảnh sát môi trường huy động tham gia đi kiểm tra thì cán bộ ngành TNMT mới đi, chứ quy định của công chức làm việc trong giờ hành chính thì không thể thực hiện ngoài giờ. Do đó, theo tôi nghĩ không đặt nặng việc xử phạt mà phải xem xét ở khía cạnh thấy được nhu cầu của người dân và cách quản lý như thế nào để người dân hiểu và có ý thức tự giác chấp hành, chứ việc xử phạt chỉ là biện pháp cuối cùng. Mà muốn người dân tự giác chấp hành thì phải có sự giải quyết đồng bộ, sự vào cuộc tuyên truyền, vận động của các cấp, ngành, đoàn thể”.
Theo Sở TNMT, các Phòng TNMT đã được trang bị máy đo độ ồn, việc tập huấn đo đạc độ ồn do từng huyện, thị có nhu cầu thì mới đưa cán bộ đi đào tạo, hiện nay hầu như chưa có chuyên viên nào ở các Phòng TNMT được đào tạo về đo độ ồn. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu đề nghị ngành TNMT xem lại hệ thống của mình vì chức năng quan trắc môi trường mà Phòng TNMT không quan trắc được là do không tập huấn. Ngành TNMT ở cấp huyện là ngành chuyên môn, khi địa phương cần đo đạc độ ồn thuộc chức năng của mình mà cấp huyện không làm được rõ ràng là không ổn. Tuyên truyền là hàng đầu nhưng cũng có những chuyện bức xúc thì cần phải xử lý, không có chứng cứ do ngành TNMT đưa ra thì hoàn toàn không thể xử lý được. Đề nghị Sở TNMT sớm đào tạo, bổ sung đội ngũ cán bộ chuyên môn để làm nhiệm vụ đo độ ồn ở cấp huyện. Nếu ngành TNMT cấp huyện chưa có đủ lực lượng chuyên môn quan trắc môi trường, khi cần thiết tỉnh sẽ chỉ đạo các đơn vị y tế đo độ ồn. Hiện nay, các Trung tâm Y tế cấp huyện được quyền đo đạc độ ồn, vì Trung tâm Y tế có khoa sức khỏe môi trường lao động có chuyên viên và máy đo độ ồn. Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu ngành hữu quan tăng cường tuyên truyền, vận động người dân sử dụng thiết bị âm thanh tránh ồn ào ảnh hưởng xung quanh; các gia đình đảng viên, cán bộ, công chức phải làm gương thực hiện. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sớm xây dựng kế hoạch phối hợp liên ngành quản lý các hoạt động VHVN có sử dụng loa âm thanh công suất lớn. Đối với những hộ gia đình sử dụng âm thanh gây tiếng ồn quá mức, đã nhắc nhở mà tái phạm nhiều lần phải xem xét không xếp loại gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa.
Hữu Nghĩa