Tự hào điện ảnh bưng biền

Cập nhật ngày: 04/04/2017 12:58:28

ĐTO - Từ thời kháng chiến chống Pháp, đội điện ảnh tỉnh đi khắp các nơi để phục vụ đồng bào, cán bộ, chiến sĩ vùng độc lập và thu hút đông đảo nhân dân vùng địch kiểm soát đến xem chiếu phim. Điện ảnh thời kháng chiến - nhiều người gọi là điện ảnh bưng biền - dù có nhiều hy sinh, gian khổ nhưng rất tự hào.


Ông Hồ Minh Quang - nguyên Đội trưởng Đội Chiếu bóng

Điện ảnh Việt Nam nói chung và điện ảnh Tây Nam bộ nói riêng ra đời rất sớm, khi vào năm 1948 nhà đạo diễn Khương Mễ (người con của Đồng Tháp), nhà quay phim Mai Lộc cho ra đời bộ phim tài liệu đầu tay của điện ảnh Nam bộ kháng chiến: “Trận Mộc Hóa”. Bộ phim này được đưa ra chiến khu Việt Bắc chiếu cho Trung ương và Bác Hồ xem.

Nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa cách mạng của nhân dân, đầu năm 1961, bằng sự sáng tạo, đồng chí Tám Ánh và đồng chí Thới An (đều là họa sĩ) đã mày mò chế tạo ra máy chiếu Ảo Đăng và vẽ ảnh chiếu hiện lên màn chiếu, đây là dụng cụ thô sơ đầu tiên của điện ảnh tỉnh ta. Buổi chiếu phim đầu tiên phục vụ tại hội nghị Tỉnh ủy (ở ấp An Lợi, xã Thanh Mỹ, huyện Tháp Mười). Đội chiếu phim Ảo Đăng gồm: chú Ba Dân, chú Năm Mến, chú Tư Đức và chú Năm Hựu, cô Năm Vạn thuyết minh lồng tiếng nhạc cho phim. Bà Lê Thị Huệ (cô năm Vạn), nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, nguyên thuyết minh viên phim chia sẻ: “Lúc đó, lời thuyết minh phim của chúng tôi chủ yếu về nội dung kháng chiến, tình hình đấu tranh chính trị, đấu tranh quân sự... Đặc biệt, tôi hay nói về tinh thần vượt khó khăn, gian khổ, tính chung thủy, một lòng chờ chồng... của người phụ nữ, vì địch có nhiều âm mưu ly tán gia đình, dùng mọi cách để mua chuộc, làm cho người phụ nữ lung lay ý chí. Qua những cuộc chiếu phim như vậy, đã góp phần củng cố niềm tin của đồng bào đối với Đảng, với Bác Hồ, với sự nghiệp cách mạng... để cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi”.

Đến năm 1963, Trung ương Cục miền Nam cấp cho tỉnh ta một bộ máy chiếu 16 ly do đồng chí Hồ Minh Quang làm đội trưởng, chú Ba Khỏe vận hành máy nổ, cô Minh Phượng thuyết minh (là người ở Tiền Giang). Đây là đội chiếu bóng đầu tiên trực thuộc Ban Tuyên huấn tỉnh Kiến Phong (nay là Đồng Tháp). Suốt 12 năm kháng chiến, đội chiếu bóng đã làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền đường lối chính trị của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân trong điều kiện hết sức khó khăn, gian khổ. Trong đó, đồng chí Minh Phượng thuyết minh phim đã hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ, đồng chí Minh Quang bị thương nặng 2 bàn tay. Ông Hồ Minh Quang - nguyên Đội trưởng Đội Chiếu bóng kể: “Thời kháng chiến, mùa khô chúng tôi phục vụ chiếu phim vùng Cao Lãnh, Thanh Bình...; mùa lũ thì đi lên phục vụ vùng Hồng Ngự. Mùa lũ, việc chiếu phim rất khó khăn, phải tìm những nơi gò cao. Nhưng có gò nhiều khi cũng không dám chọn làm điểm chiếu vì mùa lũ rắn gom lên gò nhiều, sợ rắn độc cắn. Thế là chúng tôi thường dùng nhiều chiếc xuồng buộc lại làm sân khấu nổi để đặt máy chiếu phim và màn ảnh. Thời đó, cán bộ, chiến sĩ và bà con rất khát khao được xem văn nghệ, nên mỗi buổi chiếu phim có rất đông người đến xem. Nhiều bà con khi nghe tin là chuẩn bị ăn cơm sớm, từ 2, 3 giờ chiều bắt đầu đi mấy tiếng đồng hồ mới đến điểm xem phim... Một dịp Tết, có mấy lính ở một đồn địch xin được đến xem phim. Sau khi bàn bạc, chúng tôi chấp nhận, nhưng yêu cầu những người này khi đi xem phim phải mặc thường phục, không mang theo vũ khí...”.


Máy chiếu phim cũ

Ngày 1/5/1975, tại Quãng trường Thống Linh, thị trấn Cao Lãnh (nay là TP.Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), tỉnh ta tổ chức buổi chiếu bóng với hàng chục ngàn người xem. Đây là lần đầu tiên người dân vùng địch tạm chiếm được thưởng thức nền điện ảnh cách mạng Việt Nam. Tháng 7/1976, UBND tỉnh ra Quyết định thành lập Quốc doanh Chiếu bóng Đồng Tháp, là đơn vị sự nghiệp có thu trực thuộc Ty Thông tin, Văn hóa tỉnh. Có thể nói, giai đoạn 1976 - 1986 là giai đoạn cực thịnh của ngành chiếu bóng tỉnh nhà. Hàng năm, có hàng ngàn buổi chiếu, hơn 2 triệu lượt người xem, doanh thu tăng không ngừng, đảm bảo lấy thu bù chi và nộp ngân sách cho Nhà nước. Tại buổi họp mặt kỷ niệm 64 năm Ngày điện ảnh Việt Nam (15/3/1953 - 15/3/2017) và kỷ niệm 41 năm thành lập Quốc doanh Chiếu bóng Đồng Tháp (1976 - 2017), ông Ngô Quốc Dũng - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh phát biểu: “Do kỹ thuật nghe nhìn không ngừng phát triển, đời sống nhân dân ngày càng nâng lên, đa số gia đình ở nông thôn đã sắm các phương tiện giải trí nên hoạt động chiếu bóng tỉnh nhà gần như kết thúc thời đỉnh cao vào năm 1990. Mặc dù vậy, những người làm điện ảnh luôn tự hào vì đã có một thời gian làm người lính trên mặt trận văn hóa, tư tưởng đầy vinh quang, nhất là những buổi chiếu phim dưới làn mưa bom, đạn pháo, góp phần vào công cuộc giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước...”.

Từ năm 2014 đến nay, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh đã lồng ghép hoạt động chiếu phim lưu động vào các đợt biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đội Tuyên truyền lưu động với trung bình mỗi năm chiếu 250 buổi, thu hút hơn 50.000 lượt người xem. Bên cạnh đó, đơn vị từng bước thực hiện Kế hoạch số 135, ngày 8/4/2015 về việc phát triển điện ảnh trên địa bàn tỉnh đến 2020, tầm nhìn đến năm 2030; tiếp tục tham mưu lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình UBND tỉnh xây dựng 1 rạp chiếu bóng đạt loại III tại TP.Cao Lãnh trong thời gian tới...

Thành Nam

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn