Văn hóa là động lực thúc đẩy phát triển
Cập nhật ngày: 19/08/2013 04:40:05
Ngày 16/7/1998, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII) đã đề ra Nghị quyết số 05-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” (NQTW5). Ra đời đã 15 năm, NQTW5 ngày càng tác động đến nhiều mặt đời sống xã hội; nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò của văn hóa đã có chuyển biến tích cực, thấy được văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Hội thi Trạng nguyên được dành cho học sinh tiểu học tổ chức
tại Khu di tích Nguyễn Nguyễn Sinh Sắc. Ảnh: Phú Thuận
Tỉnh ta đã đạt kết quả khá toàn diện các nội dung của NQTW5, trong đó có một số nội dung lớn đạt kết quả nổi bật như: xây dựng con người Đồng Tháp trong thời kỳ phát triển mới; xây dựng môi trường văn hóa; phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ; phát triển sự nghiệp văn học - nghệ thuật;... Lĩnh vực văn hóa ngày càng được quan tâm và các hoạt động văn hóa ngày càng phong phú, đa dạng, từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, sáng tạo văn hóa ngày càng cao của nhân dân.
Đời sống tinh thần của các tầng lớp nhân dân được nâng lên, thúc đẩy tiến trình phát triển kinh tế - xã hội. Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã tác động tốt đến Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, có tác dụng phòng ngừa sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần xây dựng con người Đồng Tháp trong thời kỳ hội nhập và phát triển.
Xác định xây dựng con người là nhiệm vụ trung tâm của xây dựng văn hóa, các cấp ủy đảng đã tăng cường sinh hoạt chính trị tư tưởng trong các loại hình sinh hoạt đảng, lãnh đạo tổ chức nhiều hình thức học tập, nghiên cứu Nghị quyết trong nhân dân. Công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống luôn được chú trọng, các biểu hiện tiêu cực, yếu kém, thoái hóa, biến chất của một số cán bộ, đảng viên được kiểm điểm và xử lý, góp phần tích cực vào việc xây dựng môi trường văn hóa trong sinh hoạt đảng và củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng bộ. Đại bộ phận nhân dân vẫn giữ được những giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc, lối sống lành mạnh, trung thực, nhân nghĩa, tôn trọng kỷ cương phép nước, cần cù lao động sản xuất, chí thú làm ăn, tôn trọng lợi ích chung.
Trong những nhiệm vụ và giải pháp mà NQTW5 đề ra về xây dựng môi trường văn hóa, nội dung có tính chất bao trùm là thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Cuộc vận động này đã đem lại nhiều lợi ích to lớn. Những truyền thống văn hoá tốt đẹp được giữ gìn và phát huy, tác động tích cực đến nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội, góp phần làm lành mạnh môi trường văn hóa. Phong trào đã góp phần xây dựng nếp sống văn minh....
15 năm qua, sự nghiệp phát triển giáo dục – đào tạo của tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng, nâng cao rõ nét mặt bằng dân trí và trình độ văn hóa của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Các tác phẩm văn học – nghệ thuật được sáng tác theo đúng định hướng, nội dung lành mạnh, tập trung vào đề tài cách mạng, về nhân tố mới trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ trong các lĩnh vực kinh tế (nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ), văn hóa - xã hội, quản lý Nhà nước và quản lý sản xuất kinh doanh được chú trọng.
Các cấp chính quyền trong tỉnh thực hiện nhất quán quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước là bảo đảm tự do tín ngưỡng và tự do không tín ngưỡng; giúp đỡ đồng bào theo đạo xóa đói, giảm nghèo, nâng cao dân trí, xây dựng môi trường văn hóa, kiên trì vận động đồng bào các tôn giáo đoàn kết, thực hiện phương châm sống “Tốt đời, đẹp đạo”.
Tuy nhiên, trong thực hiện NQTW5 còn một số hạn chế như: tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân vẫn còn có biểu hiện suy thoái; sự chênh lệch về mức hưởng thụ, chất lượng hưởng thụ văn hóa của nhân dân tuy đã được nâng lên, nhưng khoảng cách chênh lệch giữa các giai tầng xã hội chưa được thu hẹp; một số tệ nạn xã hội đang diễn biến phức tạp, gây hậu quả xấu cho môi trường văn hóa; vấn đề văn hóa trong sinh hoạt đảng chưa được coi trọng đúng mức và đang bị các tiêu cực ngoài xã hội xâm hại; nguồn lực đầu tư của Nhà nước và xã hội xây dựng thiết chế văn hóa còn hạn chế; chưa thu hút tốt các nguồn lực của xã hội cho phát triển văn hóa; vấn đề đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm văn hóa còn bất cập; công tác quản lý nhà nước về văn hóa gặp nhiều khó khăn, phân công, phân cấp quản lý chưa rõ ràng; các văn hoá phẩm độc hại, tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn triệt để. Đây là những vấn đề lớn mà các cấp, các ngành tiếp tục có những chủ trương, giải pháp thực hiện sau đợt tổng kết 15 năm thực hiện NQTW5.
Thành Nam