Vượt khó, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc
Cập nhật ngày: 20/03/2022 05:28:47
ĐTO - Tiếp nối, giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống của gia đình (GĐ) Việt Nam, nhiều GĐ trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực xây dựng GĐ ấm no, hạnh phúc. Nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3, chúng tôi đã gặp gỡ 2 tấm gương GĐ văn hóa tiêu biểu, vượt khó phát triển kinh tế GĐ, giáo dục, nuôi dạy con học hành thành tài, xây dựng GĐ hạnh phúc.
Vợ chồng ông Nguyễn Văn Dùm và bà Nguyễn Thị Lệ sống hạnh phúc bên con, cháu
* Gia đình ông Nguyễn Văn Dùm, ngụ ấp 1, xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình
Trước đây, vợ chồng ông Nguyễn Văn Dùm (SN 1945) và bà Nguyễn Thị Lệ (SN 1953) ngụ ấp 1, xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình thuộc diện hộ nghèo. Nhưng với sự cần cù, ý chí quyết tâm, vợ chồng ông Dùm đã vượt qua mọi khó khăn, vươn lên ổn định về kinh tế, xây dựng GĐ hạnh phúc.
Ông Dùm kể, năm 1970 ông lập GĐ. Vợ chồng ông lần lượt có với nhau 7 người con (5 trai, 2 gái). GĐ không có đất sản xuất nhưng lại đông con, kinh tế chủ yếu dựa vào việc làm mướn của vợ chồng ông nên gia cảnh lúc nào cũng thiếu trước, hụt sau. Tuy nhiên, với ý chí vươn lên thoát nghèo, vợ chồng ông Dùm đã quyết tâm cải thiện kinh tế, chăm lo cho các con và cuộc sống GĐ tốt hơn. Hằng ngày, ông Dùm không ngại vất vả đi làm thuê với những công việc như: xịt thuốc, rải phân, làm hồ..., còn bà Lệ thì buôn bán cà phê ở chợ kiếm nguồn thu nhập lo cho cuộc sống GĐ.
Đến năm 1990, vợ chồng ông Dùm đóng một chiếc ghe từ tiền dành dụm và chuyển sang nghề đi chở mướn cát, đá, xi măng cho người dân trong, ngoài xã. Sau nhiều năm đi chở mướn, đến năm 1995, vợ chồng ông tích lũy được một số vốn nên quyết định chuyển sang kinh doanh vật liệu xây dựng. Ban đầu vốn ít nên việc buôn bán của GĐ ông Dùm còn hạn chế, chủ yếu buôn bán nhỏ lẻ. Ông Dùm sử dụng ghe nhà đi mua cát, đá, xi măng,... đem về bán kiếm lời. Đồng thời, ông cũng được các đại lý hỗ trợ lấy hàng nên việc buôn bán được thuận lợi hơn. Lúc này, người con thứ 2, thứ 3 của ông cũng lớn nên phụ giúp được cho cha mẹ trong các khâu bán hàng, vận chuyển vật liệu xây dựng. Với sự cố gắng của cả GĐ, cách tính toán hợp lí nên 5 năm sau, việc kinh doanh của GĐ ông Dùm phát triển hơn. Trung bình mỗi năm, GĐ ông Dùm có lợi nhuận gần 100 triệu đồng từ việc kinh doanh, giúp cuộc sống GĐ ổn định và vươn lên thoát nghèo.
Cùng với phát triển kinh tế GĐ, vợ chồng ông Dùm luôn là tấm gương sáng mẫu mực, cần cù lao động để các con thấy đó học tập. Vợ chồng ông Dùm cũng quan tâm đầu tư cho các con học tập, giáo dục các con ý thức nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, không có tâm lý ỷ lại vào cha mẹ. Đồng thời, vợ chồng ông Dùm cũng khéo léo vun vén xây dựng GĐ hạnh phúc, giữ gìn những giá trị truyền thống của GĐ Việt Nam. Hơn 40 năm chung sống, vợ chồng ông Dùm luôn sống chan hòa, yêu thương, chia sẻ với nhau từ việc lớn đến việc nhỏ. Đối với các cháu, vợ chồng ông cũng giáo dục cháu biết kính trọng ông bà, cha mẹ ngay từ nhỏ. Chia sẻ bí quyết xây dựng, giữ gìn hạnh phúc GĐ, cô Lệ nói: “Tôi và chồng luôn tôn trọng nhau, bất cứ việc gì cũng bàn tính kỹ lưỡng rồi mới quyết định. Trong công việc, dù có thành công hay thất bại, vợ chồng tôi đều chia sẻ với nhau. Đối với các con, cháu, vợ chồng tôi luôn giáo dục về đạo đức, ý thức tự lực vươn lên trong cuộc sống. Hằng ngày, GĐ tôi luôn duy trì bữa cơm GĐ để các thành viên luôn gắn kết, yêu thương nhau”.
Nhờ có sự định hướng, giáo dục từ nhỏ của cha mẹ nên 7 người con của ông Dùm ai cũng cố gắng học tập, ra sức làm việc, vươn lên ổn định đời sống. Trong số 7 người con của ông Dùm, có 1 người làm kỹ sư xây dựng, 1 người làm giáo sư hiện ở nước ngoài, những người con còn lại đều có cuộc sống khá giả với nghề kinh doanh vật liệu xây dựng. Hiện nay, GĐ ông Dùm ổn định về kinh tế, sống hạnh phúc với 3 thế hệ (vợ chồng ông Dùm, vợ chồng người con trai và cháu nội); các con, cháu của ông hòa thuận, lễ phép, yêu thương nhau. GĐ ông Dùm cũng là một trong những tấm gương GĐ văn hóa tiêu biểu ở địa phương về sự nỗ lực, vươn lên từ nghèo khó xây dựng GĐ hạnh phúc.
Vợ chồng ông Huỳnh Văn Tám và cô Nguyễn Thị Thủy cùng con gái chuẩn bị bữa cơm gia đình
* Gia đình ông Huỳnh Văn Tám, ngụ ấp Bình Hòa, xã Bình Thạnh Trung, huyện Lấp Vò
Với suy nghĩ “chỉ có học là con đường lập thân duy nhất”, vợ chồng ông Huỳnh Văn Tám (SN 1952) và cô Nguyễn Thị Thủy (SN 1958) ngụ ấp Bình Hòa, xã Bình Thạnh Trung, huyện Lấp Vò đã không quản ngại khó khăn, nuôi dạy 6 người con ăn học thành tài.
Năm 1984, ông Tám và bà Thủy lấy nhau và lần lượt có với nhau 6 người con. Vợ chồng ông sống cùng cha mẹ, kinh tế gia đình dựa vào 12 công ruộng và đồng lương giáo viên của bà Thủy. Khi các con còn nhỏ, kinh tế GĐ cũng ổn định. Từ năm 2000 trở đi, các con của ông Tám lớn và bắt đầu đi học. Việc lo chi phí học tập cho 6 người con và nuôi cha mẹ già nên kinh tế GĐ bắt đầu khó khăn. Thu nhập từ ruộng lúa chỉ đủ xoay sở qua ngày. Những năm này, con còn học phổ thông, việc lo cho con đã khó, đến khi vào đại học, khó khăn lại tăng lên gấp đôi. Một số người con của ông cũng nhiều lần xin cha mẹ cho nghỉ học để đi làm kiếm tiền phụ giúp GĐ, giảm gánh nặng cho cha mẹ.
Nhiều đêm, vợ chồng ông Tám thức trắng để bàn bạc, đắn đo suy nghĩ nên cho con tiếp tục học nữa hay không, nếu không học, các con sẽ không có tương lai và sẽ vất vả như mình. Từ suy nghĩ đó đã thôi thúc vợ chồng ông quyết định phải cố gắng hơn nữa để lo cho các con học đến nơi đến chốn. Để thực hiện được ước mơ cho 6 người con đi học đầy đủ, năm 2009, ông Tám bàn bạc với vợ chuyển một phần diện tích trồng lúa sang nuôi tôm càng xanh để cải thiện kinh tế GĐ. Ông Tám đi vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để cải tạo 6 công đất ruộng thành ao nuôi tôm. Trung bình mỗi năm, ông Tám thả nuôi khoảng 3 vụ tôm càng xanh, cho lợi nhuận hơn 60 triệu đồng. Với thu nhập từ nghề nuôi tôm và làm ruộng, vợ chồng ông lo cho con ăn học cũng tạm ổn.
Đến năm 2013, người con lớn của ông Tám đậu vào đại học y dược, rồi lần lượt những người con tiếp theo cũng thi đỗ đại học các ngành: luật, kế toán, kiến trúc, sư phạm... Từ đây, gánh nặng lo chi phí học tập đè nặng lên vai vợ chồng ông. Đỉnh điểm khoảng năm 2015, GĐ ông vô cùng khó khăn vì các khoản chi phí cho việc học của các con. Ông Tám phải đi vay tiền ngân hàng để có tiền đóng học phí cho con. Mặc dù khó khăn là vậy, nhưng vợ chồng ông Tám luôn lạc quan, cố gắng làm để lo cho các con. Đồng thời cũng động viên con cố gắng, an tâm học tập. Ông Tám chia sẻ: “Lúc đó, nhiều người biết tôi cầm 6 hồ sơ đi vay tiền học cho các con, ai cũng ngán dùm. Nhưng nghĩ việc học tập của các con là trên hết, nên có khó, vất vả mấy, vợ chồng tôi cũng ráng lo tới cùng. Ngoài nuôi tôm càng xanh, làm ruộng, tôi còn tận dụng đất nhà trồng thêm các loại rau, bầu, bí... để bán kiếm thêm thu nhập. Hàng ngày, vợ chồng tôi cố gắng chi tiêu tiết kiệm, tích góp chắt chiu để gửi tiền cho con lo ăn học. Lây lất rồi cũng qua những ngày tháng khó khăn”.
Ý thức được sự vất vả của cha mẹ, 6 người con của ông Tám đều cố gắng học giỏi. Năm 2017, người con thứ 2 ra trường, có việc làm, nên giúp đỡ cha mẹ lo cho các em. Đến nay, cả 6 người con của ông Tám, người làm bác sĩ, kỹ sư, giáo viên... ai cũng có việc làm ổn định, trở thành niềm hạnh phúc, tự hào của vợ chồng ông. Bà Thủy cho biết: “Các con của tôi đứa nào cũng hiếu thảo, học thành tài, đây là kết quả cả quá trình phấn đấu của GĐ tôi. Tôi rất tự hào, hạnh phúc về kết quả này. Hiện nay, tôi luôn dạy con mình phải cố gắng lo cho các cháu học thành tài để có tương lai và giúp ích cho xã hội”.
MỸ XUYÊN