Hình tượng người phụ nữ trong thơ ca Đồng Tháp

Cập nhật ngày: 09/03/2016 12:29:55

Có dịp đọc “Huyền khúc Đồng Tháp Mười” - tuyển tập thơ ra đời nhân Đại hội Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Đồng Tháp nhiệm kì 2012 – 2017 cùng một số tập thơ, bài thơ của các nhà thơ trong tỉnh được ấn hành trong khoảng 10 năm gần đây, người đọc dễ dàng nhận ra người phụ nữ luôn là một hình tượng đẹp, xuyên suốt trong dòng chảy thơ ca tỉnh nhà.

Đó là hình ảnh những người phụ nữ đưa tiễn chồng ra trận, vò võ thủy chung chờ đợi chồng về qua biết bao trường chinh, tiếng võng ru con khuyết mòn nỗi nhớ. Tình yêu lứa đôi hòa chung trong tình yêu dành cho quê hương những ngày chớp lửa, họ trở thành hậu phương vững chắc: “Thế kỉ qua chờ đợi chồng về/Không dám đứng mà lao mình ra trước/Bới tóc thề lên nuôi quân tải đạn/Vắt bờ ngực xuân đầy chăm chút những đàn con”(Hòn vọng phu - Trần Thị Hoàng Anh).

Nhiều người đàn bà tiễn chồng ra trận, rồi lại tiễn con. Mà ngày chiến thắng, hội ngộ chỉ là xạc xào gió ở phía cánh rừng xa. Mâm cơm chiều một mình chiếc bóng, với ba bát cơm đầy, ba đôi đũa thẳng ngay: “Làn hương mẹ thắp đậm đà/Bữa cơm mẹ dọn chiều tà đợi con/Lòng mẹ lòng của nước non/Kết thành sợi khói sắt son nghĩa tình” (Linh thiêng làn hương mẹ thắp - Lê Phước Hùng). Cũng người vợ, người mẹ ấy ngày lại ngày vượt suối băng rừng tìm mộ chồng và con: “Sắt se lòng mẹ hao gầy/Đón con buổi ấy rợp đầy cờ hoa/Cạn khô nước mắt tuổi già/Con thiêng dẫn mẹ tìm cha con về!/Rồi khăn gói chị rời quê/Mỗi năm thêm mấy lượt về với con” (Chị tôi - Nguyễn Giang San).

Chiến tranh rồi cũng lùi xa, nhường chỗ cho một cuộc sống thanh bình, hình ảnh người mẹ với niềm vui nhen nhóm lại, dẫu bên trong tâm hồn, vết thương vẫn có lúc cựa mình âm ỉ, buốt đau: “Con về thăm mẹ mẹ ơi/Xóm thôn nay rộn tiếng cười yêu thương/Qua rồi những khúc đoạn trường/Đời mẹ vui với ruộng vườn đơm hoa” (Con về thăm mẹ - Hoàng Tiễn).

Có thể kể đến chính là hình ảnh những người phụ nữ trong cuộc sống bình dị hằng ngày. Những hình ảnh dân dã, quê mùa mà ngời sáng lung linh. Như tà áo bà ba, như màu áo nâu của đất, của bùn mà mẹ và em vẫn mặc, tà áo đã thấm đẫm nhọc nhằn của một nắng hai sương, của tảo tần gian khó “Bà ba em mặc đẹp xinh/Áo nâu bình dị mẹ mình thường quen!/Hương đồng thấm đẫm sợi len/Đi qua lối cấy áo hoen mùi bùn” (Chiếc áo nâu của mẹ- Nguyễn Chơn Thuần).

Đó còn là hình ảnh của những cô gái đồng bằng vừa đương tuổi lớn trong nét đẹp thanh thao, dịu dàng, duyên dáng: cô gái hay lam hay làm chẳng nề lội đồng lội ruộng mùa nước nổi, lại có dư cái lúm đồng tiền chẳng mất tiền mua: “Mùa nước lên bơi xuồng tuốt ngọn/Ngồi nửa nằm chân khỏa tay thăm/Em cười rớt lúm đồng tiền cá lặn/Mưa nắng mặc trời anh thả lưới giăng câu” (Mùa nước, mùa em - Lê Minh Hùng).

Nói đến người phụ nữ giữa đời thường sẽ là một thiếu sót lớn nếu không nói đến tình cảm của họ dành cho những bậc sinh thành. Và có lẽ chẳng có giây phút nào xúc động hơn khi rời xa vòng tay mẹ cha để về với bến đỗ hạnh phúc: “Con gái lấy chồng cha uống một bữa say/Một bữa thôi ngày mai đừng uống nữa/Trống hoác trống huơ nhà ngay ngọn gió/Ai nhớ kéo mền đắp ngực cho cha...” (Con gái lấy chồng - Nguyễn Thị Kim Tuyến).

Xét về phương diện nghệ thuật, có thể thấy phần lớn những bài thơ phát họa chân dung người phụ nữ của thơ ca Đồng Tháp không dụng công nhiều về mặt ngôn từ mà vẫn toát lên nét đẹp tự nhiên của hình tượng. Người phụ nữ như từ chính cuộc sống bước vào thơ bằng nét duyên và sự dịu dàng, bằng lòng thủy chung, tình cảm chân thành và vị tha vốn có. Phần nhiều các bài thơ vẫn được viết theo thể thơ năm chữ, bảy chữ, lục bát quen thuộc. Bên cạnh đó là một số bài tự do trải dài nhưng vẫn khá chỉn chu trong cách gieo vần, ngắt nhịp.

Đọc thơ về hình tượng người phụ nữ của thơ ca Đồng Tháp để càng thêm yêu quý và trân trọng những người bà, người mẹ, người chị, người em của quê hương.

Nguyễn Ngọc Phương Nam

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn