Ngựa gỗ tuổi thơ
Cập nhật ngày: 14/12/2015 05:09:43
Bên gian bếp cũ, nơi những món đồ không dùng đến nữa lần lượt được tập hợp ở đấy. Mẹ loay hoay dọn dẹp, sắp xếp lại cho ngăn nắp,... không nhớ mẹ đã sửa soạn lại gian bếp ấy bao nhiêu lần rồi mà mọi thứ vẫn ngổn ngang đến đáng sợ, có lẽ là vì thói quen của bà ngoại từ trước đến nay đều muốn giữ lại tất cả, bỏ đi thì thấy tiếc vì nhiều khi cần dùng đến những món đồ ấy thì sao,... rồi còn những món đồ chơi mà ngày bé tôi đã rất thích... Tôi vô tình nhìn thấy chú ngựa gỗ bọc cẩn thận bằng tấm ni lông, treo lủng lẳng trên nóc nhà, tôi với tay lấy xuống lau chùi lại cho thật sạch, nhưng nước sơn giờ đã bị phai màu, chú ngựa gỗ cũng không còn nguyên vẹn như trước.
Tôi hỏi mẹ: “Con ngựa này của con?”. Mẹ cười và nói: “ Ừ, đúng rồi, hồi đó đi ngủ con cũng đòi để kế bên!”. Phút chốc những kỷ niệm rất đỗi thân quen của tuổi thơ chợt ùa về.
Còn nhớ, bọn trẻ chúng tôi cứ mỗi chiều ăn cơm xong lại nhướng nháy rủ nhau lấy chú ngựa gỗ nhỏ nhắn của mình ra đua với nhau, hễ đứa nào nghỉ trước là đứa đó thua. Không biết bọn nó nghĩ gì, còn tôi mỗi lần bắt đầu leo lên yên ngựa gỗ thì tôi lại không muốn xuống, cứ nhún nhảy liên tục không biết mệt, ngựa gỗ càng nhún càng nhanh, càng bật lên cao thì tôi càng khoái chí và hét lớn: “Mấy bây coi tao hay hông?”, “Mẹ ra coi con có hay hông?”. Tôi trông thấy niềm vui lẫn nỗi lo sợ trong mắt mẹ: “Vừa vừa không thì té con”. Rồi đứa nào cũng không muốn mình là người thua trận, lần lượt từng chú ngựa gỗ lại dập dồn nhún nhảy, xích tới xích lui liên tục, những tiếng cọc cạch, cọc cạch từ những chú ngựa gỗ, tiếng cười giòn tan, nấc nẻ đầy thích thú vui sướng chen lẫn tiếng khóc khi té ngựa đau của chúng tôi đã làm rộn cả xóm nhỏ. Đó là tiếng cười, tiếng khóc đầy ắp tuổi thơ mà tôi không thể nào quên.
Nhưng giờ đây, hình như ở khắp các phố phường và ngay cả trong xóm tôi nữa đã vắng bóng những chú ngựa gỗ làm bằng thủ công thì phải. Những người bán dạo ngựa gỗ cũng không biết giờ ở nơi đâu... Tôi vẫn nhớ như in hình bóng của một ông cụ chạy xe đạp chở trên xe đầy những ngựa gỗ đủ màu sắc sặc sỡ rất đẹp mắt. Lúc nghỉ ngơi, ông lại tranh thủ lấy một cái bao đựng dụng cụ làm ngựa để ráp lại những chú ngựa gỗ được sơn phết sẵn. Từng động tác của ông cụ thật nhuần nhuyễn, điêu luyện và chính xác. Thế nhưng, giờ đây hình ảnh mộc mạc, dân dã ấy cũng không còn nữa, mọi thứ cứ lặng lẽ trôi, lặng lẽ phai mờ...
Giờ bọn trẻ cũng không dùng đến những con ngựa gỗ bằng thủ công nữa. Và hình ảnh những chú ngựa gỗ đã dần lùi sâu vào quá khứ, lùi sâu vào lãng quên... có chăng chỉ còn trong ký ức những ngày xưa.
Cẩm Tú