Học trò vùng quê!
Cập nhật ngày: 17/08/2015 11:38:20
Xôn xao mùa học mới. Thoáng nhìn qua “lứa” học trò đầu cấp, trên những gương mặt “lạ lẫm” mới vừa được trúng tuyển, tôi thấy có cái gì đó “quen quen”. Thì ra là nét hao hao của bao nhiêu thế hệ học trò trường huyện, sự lam lũ và rắn rỏi của con nhà “thuần nông” hiện rõ trên dáng dấp, cử chỉ của từng em đã giúp tôi có ngay lời đáp cho mình: cái “quen quen” ấy chính là một nét rất đặc biệt không lẫn được của “học trò vùng quê”!
Đó là những gương mặt rám nắng, đen đúa, góc cạnh pha lẫn nét “dạn dày” của những cậu học trò nam. Đó là một chút “quê mùa”, rụt rè nhưng bản lĩnh của các cô học trò nữ. Không như ở thành phố, học trò trường huyện đa số sinh sống ở vùng nông thôn sâu, nhà xa, khó khăn từ chuyện đi lại tới điều kiện học hành. Vậy nhưng ngày ngày trên con đường đê quen thuộc vẫn đều đặn bao nhiêu bóng dáng áo trắng tất bật đến trường.
Học trò vùng quê đến trường mang theo vốn sống và kinh nghiệm thực tiễn thu thập được từ gia đình, từ những công việc đồng áng, có khi còn hỗ trợ cho cả thầy cô trong những bài học thực tế. Quen lao động chân tay cho nên việc dọn cỏ sân trường, trồng cây xanh, trang trí lớp học, dựng lều trại hay việc đóng lại cái chân bàn bị hư, sửa lại cái quạt trần, bắt ốc vít treo khung ảnh... chỉ là “chuyện nhỏ”. Khuya, Tuấn Anh thường tranh thủ chở vài chuyến xoài ra chợ cho mẹ bán để sáng sớm còn kịp giờ đi học. Đến mùa vụ, học xong buổi sáng là Lợi đạp xe tức tốc về chạy ra ruộng phụ cha thu hoạch lúa. Sau giờ cơm trưa, Ánh thường ngồi nán lại cùng mẹ đan cho xong mấy cái khung lục bình để kịp giao hàng trong ngày. Chạng vạng về tới nhà, Khánh đã buông cặp chạy vội ra đồng cùng gia đình thu hái rẫy cà, rẫy đậu. Sáng sớm thức dậy, Nhựt còn kịp lội sông đổ mấy cái “đú” kiếm mớ cá, tép đủ ăn cho cả nhà trong ngày rồi mới thay áo trắng tinh tươm đến trường. Mỗi ngày sau buổi học, Vũ đều đạp xe đi giao hàng cho các cơ sở lột hạt sen trong xã, số tiền kiếm được từ mấy năm nay chưa hề đụng tới, em nói để dành đi học Trung cấp Thú y... Học trò vùng quê là như vậy đó!
Khi tôi hỏi Thẳng - một học sinh mới lên lớp 10: “Hè vừa rồi ở nhà em làm gì?”. Em đáp ngay: “Dạ, em đi làm công dán gỗ ép ở trên Sài Gòn cô!”. Thấy tôi tròn mắt ngạc nhiên, em nói tiếp: “Dạ, em đi theo người anh bà con lên trển làm kiếm tiền mua sách vở. Hết ba tháng hè, trừ ăn uống, em dư được ba triệu đồng, đủ chi cho năm học mới”. Trường hợp của Thẳng khá đặc biệt, sống với mẹ kế từ nhỏ, vẫn được gia đình chăm lo nhưng em nói: “Mình lớn rồi, xòe tay xin tiền hoài kỳ quá!”. Tôi nhìn lại cậu học trò chưa đầy 15 tuổi này: gương mặt em hơi thô, đôi gò má nhô cao lấm tấm mụn, mái tóc hớt gọn ghẽ và đôi mắt sáng đầy nét cương nghị. Em cười thật tự tin khi giơ tay tình nguyện làm lớp phó lao động trong buổi sinh hoạt lớp đầu năm.
Học trò vùng quê hết sức tình cảm. Lâu lâu ghé qua nhà, đùm đề tay xách: “Mẹ em biểu đem biếu cô vài chục trứng vịt của nhà!”, khi thì lại: “Cô nấu chè đậu trắng ăn lấy thiểu, đậu nhà em trồng đó!”. Lễ, Tết đến chơi nhà cô ngó nghiêng ngửa, gặp công việc gì là xắn tay áo lên phụ làm ngay, tự nhiên và thân thiện cứ như người nhà. Học trò vùng quê không “mộng” cao, đa số chọn những nghề “giản dị” sau khi rời ghế nhà trường, cho nên ở cái phố huyện nho nhỏ này, cứ mỗi năm lại gặp thêm một lứa học trò cũ với nhiều công việc mưu sinh khác nhau, các em đều hài lòng để phấn đấu không ngừng trong những niềm đam mê của mình. Lâu lâu cũng có những gương mặt học trò trường huyện làm nên danh tiếng cho cả địa phương thuần nông này, như đạt học sinh giỏi toàn quốc, đỗ thủ khoa đại học...
Bao nhiêu năm gắn bó với ngôi trường nhỏ ở huyện này, tôi đã đứng nhìn bao nhiêu lượt các em vào trường rồi rời trường, vui mừng thấy các em trưởng thành lên, chững chạc hơn và đa số thành công trong cuộc sống. Không xe xua đua đòi, sống chân thật và giản đơn, mộc mạc như bản chất của người dân quê lúa, những gương mặt “học trò vùng quê” của tôi giống như những đóa hoa sen thuần khiết, chúng mang vẻ đẹp trong sáng và dung dị để làm nên một nét đặc sắc rất riêng của quê nhà!
Ngọc Điệp