Giàn mướp hoa vàng

Cập nhật ngày: 01/06/2015 05:44:01

Nhà ngoại ở miệt vườn quanh năm xanh tươi rau trái. Bà ngoại là người phụ nữ hay làm, mùa nào rau nấy, quanh năm bà trồng trồng tỉa tỉa không ngơi tay. Vì vậy mà bữa ăn hàng ngày của gia đình không phải mua rau, trái lại còn ăn không hết nên ngoại thường xuyên hái rau trái vườn nhà sai cậu út tôi đem biếu những người hàng xóm.

Mỗi lần về ngoại chơi tôi thích nhất là xách rổ theo ngoại ra vườn hái rau đem vô nấu bữa cơm. Ngoại nói không nên hái sẵn, cứ đến bữa bắc nồi cơm lên bếp xong mới cắp rổ ra vườn, thư thả chọn hái mớ rau sống, lặt vài trái cà, ngắt bó đậu, bẻ dăm quả ớt... chỉ cần vừa đủ dùng thì rau mới tươi ngon. Vườn nhà ngoại trồng đủ thứ rau: bầu, bí, khổ qua, mướp, cà, dưa gang, đậu rồng, rau diếp, bạc hà... xanh um cả mấy cái liếp dài thượt. Mỗi loại có đặc tính ra hoa kết trái khác nhau, dưới bàn tay chăm sóc của ngoại, chúng cứ tha hồ xanh tốt để rồi trổ nụ đơm bông mỗi loài mỗi kiểu, vô cùng phong phú và đủ sắc màu thật đẹp.

Trong các loài rau trái ngoại trồng, bọn tôi thích nhất là giàn mướp, vì nó có nhiều hoa vàng rực rỡ thu hút lũ bướm ong tới lui tấp nập suốt ngày. Nhưng có lẽ bọn trẻ chúng tôi “mê” giàn mướp hơn cả bởi cái khoảng không gian mát rượi ở bên dưới của nó là nơi lý tưởng để bày trò chơi nhà chòi vô cùng thú vị! Những ngày hè nắng nóng, có khi bọn tôi tha thẩn cả ngày chơi ở dưới giàn mướp, nào là bán đồ hàng, nào là chơi nấu ăn, chơi chán rồi quay qua kể cho nhau những câu chuyện trẻ con triền miên không dứt. Cũng có khi cả bọn cùng nằm dài trên chiếc đệm cói mới trải phẳng phiu, kê tay dưới đầu làm gối, mắt ngó lên thi nhau đếm những chiếc nụ hoa mướp vừa tượng trái ở phía trên giàn. Mấy khi trong lúc chơi đùa có chuyện không vừa lòng, cả bọn không ai nói gì, chỉ lặng im ngồi dưới giàn mướp mà ngắm nhìn trời xanh đan qua kẽ lá, lạ thay bao nhiêu giận hờn tự nhiên trút bỏ, con cậu, con dì trở lại hòa thuận như trước.

Biết bọn tôi thích giàn mướp, bà ngoại cũng dành sự chăm sóc kỹ hơn cho nó. Bà nói mướp nuôi trái nhiều nên cần tưới đủ nước và bón phân thường xuyên. Thi thoảng chúng tôi cũng phụ ngoại xách gàu vảy vụt nước dưới mương lên tưới ướt cho gốc mướp. Gốc mướp ngày càng to ra bằng ngón chân cái, sần sùi góc cạnh và rắn chắn để đảm đương việc nuôi lớn những lứa trái nối tiếp liên miên trên giàn. Bọn tôi còn giúp ngoại tra phân chuồng hoai mục vô gốc mướp để bổ sung dinh dưỡng cho nó, hay lúc rảnh thì lật lá bắt sâu. Bà ngoại chọn những trái mướp to, dài, phát triển cân đối để làm giống cho vụ sau. Trong khi những trái mướp khác lần lượt được cắt xuống thì trái mướp giống cứ ở lì trên giàn, ngày càng to thêm cho đến lúc già kỹ, khô ran và chuyển sang màu nâu sậm. Lúc này, bà ngoại mới cắt xuống đem vô gác trên giàn bếp để dành. Trái mướp giống dài bằng cái gối ôm của con nít, cầm quả mướp khô lắc đều nghe tiếng hạt kêu sột soạt bên trong thật lạ tai, ngoại nói vậy là trái giống tốt, mùa sau hạt sẽ lên mạnh và sai trái.

Tuy vậy, tuổi thọ của giàn mướp không cao, chỉ sau vài tháng thì dây mướp bắt đầu rụt lại, lá vàng sững, thưa trái và còi cọc dần. Trên giàn, những chiếc lá bắt đầu khô đi, chỉ còn lại ngang dọc những dây mướp xác xơ sạm màu nằm chỏng chơ trên mặt giàn trống trải. Khi ấy, bà ngoại lại chuẩn bị bỏ hột cho lứa mướp mới. Bà dạy cho bọn tôi cách chẻ trái mướp khô rồi trút hạt ra. Những hạt mướp đen mẩy, bóng chắc còn vương một lớp phấn mỏng nằm thành hàng xen lẫn giữa những sợi xơ cứng như cước! Lấy hạt rồi, cái xơ mướp khô cũng được mợ út tận dụng làm miếng rửa chén hay dùng chùi nồi rất tiện lợi! Vậy là ngoại lại tỉ mỉ ngồi rọc lá chuối chằm bầu, bỏ hạt và chỉ trong một thời gian ngắn, một giàn mướp mới lại bắt đầu xanh um.

Mướp là loại rau dễ trồng, ở thôn quê nhà nào cũng có thể trồng được. Vì vậy mà ở vùng quê hình ảnh những giàn mướp trở nên rất quen thuộc. Mỗi lần đi đâu gặp một giàn mướp trổ hoa vàng, trong lòng tôi lại nhớ tới ngoại. Bà mất đã nhiều năm rồi, nhưng giàn mướp hoa vàng của ngoại ngày xưa vẫn luôn còn mãi trong ký ức của chúng tôi.

Ngọc Điệp

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn