Con diều giấy

Cập nhật ngày: 30/03/2015 04:23:24

Đó là một con diều vô cùng đặc biệt, nó ghi dấu ấn sâu đậm trong tôi có lẽ đến suốt đời.

Tháng Tư là mùa trẻ con nôn nao nhất: mùa thả diều. Rục rịch từ nửa tháng trước, tụi con nít xóm tôi đã nhấn nhá hẹn nhau đi làm diều giấy. Tụi nó quy ước: tập trung ở ngoài gò bạch đàn đầu bờ ruộng của ông Chín. Sở dĩ chọn nơi đây làm “bản doanh trại” vì có bóng cây che mát, gò đất cao ráo, rộng rãi, và quan trọng nhất là nơi này có nhiều gió. Làm diều xong, phải có gió to cho diều “vận hành” thử, đó là kinh nghiệm rút ra được của bọn tôi qua mấy mùa làm diều giấy!

Đúng hẹn, cả bọn có mặt đủ và mang theo “đồ nghề” để làm diều. Anh em thằng Khanh vác một bó báo cũ và một tô bột khuấy hồ lợn cợn. Con Hương mang theo cây kéo và một xấp giấy màu xanh đỏ. Nhỏ Loan chặt một cây trúc sau nhà để làm đầu diều. Bé Xinh thì mang một cuộn chỉ vá lưới to tướng mượn được của ba nó. Tôi vừa đi học về, vác luôn cái cặp chạy một mạch ra gò cho kịp với tụi bạn, chỉ kịp quơ theo cái phích nhỏ đựng nước uống.

Con diều giấy của chúng tôi được phác họa rất đơn giản, tập trung công phu nhất ở cái “đầu diều”. Bọn tôi dùng những thanh trúc chẻ nhỏ ghép lại thành hình vuông, rồi dán giấy màu lên, xong trang trí mắt mũi, râu ria. Phần đuôi diều chỉ việc cắt giấy nối dài mãi ra, muốn cho diều càng uốn lượn thì đuôi càng dài càng đẹp! Tụi con trai nhận phần việc “khó” là làm đầu diều, con gái ngồi dán đuôi diều. Chỉ có bấy nhiêu mà mỗi đứa mỗi ý, cãi nhau chí chóe. Đang làm nửa chừng thì thiếu giấy dán đuôi diều. Làm sao bây giờ? Nhỏ Loan tinh ranh ngó thẳng vào cái cặp của tôi rồi nháy mắt: Ê, xé tập làm diều đi! Tôi chần chừ: Về má la chết! Nó “hiến kế” ngay: Lo gì, về xin tiền mua tập khác, nói là tập viết hết rồi! Cái máu mê diều lấn át, tôi không kịp nghĩ hậu quả, lấy luôn quyển vở luyện viết đang học ra, cắt nhỏ làm đuôi diều.

Hết một quyển vở, giấy làm diều vẫn còn thiếu, tôi “anh hùng” mở toang cái cặp ra quơ luôn mấy cuốn vở còn lại, đem cắt hết làm diều! Sau cả buổi hì hục, con diều giấy rồi cũng hoàn thành. Nó thật đẹp và thanh mảnh. Bọn tôi thả lên trời, mới đầu nó bay từ từ thận trọng, nương theo ngọn gió rồi bật vút lên thật cao. Mấy đứa con trai đảm nhận phần giữ dây diều, tụi con gái thỏa thích ngửa cổ nhìn ngắm “sản phẩm” của mình ở tuốt trên cao, rồi so sánh “diều mình” với diều của bọn “xóm trên”, “xóm dưới”, bình phẩm đủ thứ. Khi diều lên cao mãi chỉ còn là một cái chấm nhỏ trên bầu trời rộng thênh thang, đứa nào cũng nhắm mắt lại, mơ màng tưởng tượng đang thả lên trời những điều ước tốt đẹp nhất cho tương lai...

Chơi thả diều suốt buổi chiều, tới chạng vạng mới trở về nhà, tôi mang về cái cặp rỗng không. Con diều thì giao anh em thằng Khanh giữ, chiều mai nó lại mang ra gò cho cả bọn thả chung. Buổi tối, đến giờ học bài, tôi mới bắt đầu lo. Má tôi kiểm tra phát hiện ngay thiếu bốn quyển vở. Tôi không đủ khả năng để “vòng vèo”, đành khai thật hết. Má không đánh mà bắt tôi nằm sấp, rồi để cái roi ngang trên đít, bảo phải giữ yên đúng một giờ! Đúng là “thảm họa”, chẳng thà bị đét mấy roi cho xong, đằng này... Thế nhưng trong lúc nằm im trên bộ ván ngựa, tôi suy nghĩ và thấy mình thật ngốc khi dại dột xé vở đang học làm diều... Hết giờ bị phạt, tôi lồm cồm bò dậy khoanh tay xin lỗi má. Chưa hết, hôm sau vào lớp, thông tin tới tai cô giáo thật là nhanh, tôi lại bị phạt viết 50 lần câu “Em hứa không xé tập làm diều”, rõ thật là “đại nạn”... Bị “nhồi” hai “vố” liên tục, chiều đó tôi hết cả hứng thú ra gò chơi thả diều. Lũ bạn biết chuyện, cả đám kéo đến nhà năn nỉ má và động viên tôi. Má đã hết giận, mua cho tôi mấy quyển vở mới, nhưng trong lòng tôi vẫn không sao xóa được cảm giác có lỗi. Mùa diều năm đó tôi chỉ vui thỏa thích được có một ngày...

Những mùa diều năm sau, năm nào bọn tôi cũng lại làm diều, nhưng không còn dại dột tái diễn cảnh cũ. Lũ bạn tôi ngày càng sáng tạo, tụi nó nghĩ ra được những con diều “cách tân” có màu sắc và hoa văn thật đẹp, cả chất liệu làm diều cũng thay đổi, hình dáng, phong thái của diều cũng ngày càng mới hơn do học hỏi được từ những chú diều “hiện đại” người ta bày bán ở ngoài chợ...

Thoắt mà mùa diều nữa lại đến. Nhóm bạn chúng tôi ngày xưa giờ đã trưởng thành, tỏa đi mỗi người mỗi nơi trong cuộc mưu sinh. Cái gò thả diều ngày xưa bây giờ vẫn còn, và nơi đó vẫn là chổ thả diều lý tưởng của bọn trẻ con trong xóm khi mùa diều tới. Không riêng gì ở nông thôn, bây giờ trẻ con thành thị cũng được chơi diều ở các công viên. Mùa diều ở phố lại có phần rộn rịp hơn vùng quê nữa là khác! Dù ở đâu, mùa diều vẫn là mùa vui nhất của trẻ con, chúng trông chờ một mùa nắng tháng Tư nồng nàn để được thả bay cao niềm mơ ước của mình. Nhìn những chú diều hiện đại đang hiên ngang khoe sắc, trong lòng tôi lại bồi hồi nhớ lại ký ức khó quên về con diều giấy năm xưa...

Ngọc Điệp

 

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn