Miền nhớ

Cập nhật ngày: 05/05/2014 02:59:00

Hình như ai trong chặng hành trình đi về phía ngày mai xa lơ xa lắc cũng thường hay mang theo cho mình chiếc ba lô đựng đầy những những hoài niệm, những giấc mơ mờ xa tuổi nhỏ. Tôi gọi nó là miền nhớ của mỗi người.

Miền nhớ của tôi là một khoảnh sân nhỏ trước nhà, dưới bóng râm của cây mít già nhiều tuổi, chị em tôi bày đủ thứ trò chơi từ kéo mo cau, tập tầm vông, cò chẹp, nhảy dây... Ở đó mỗi buổi chiều trong tiếng kẽo kẹt võng đưa, ngoại vừa nhai trầu bỏm bẻm vừa kể cho bọn trẻ con chúng tôi nghe câu chuyện về Thạch Sanh ở hiền, Lí Thông ở ác. Và trong giấc mơ đêm của mình, câu chuyện ban chiều của bà đưa chúng tôi lạc vào một xứ sở thần tiên xa xôi, chúng tôi bay lên trên đôi cánh của mình, được gặp những ông bụt, những bà tiên hiền từ hệt như ngoại. Những giấc mơ nâng đỡ tâm hồn chúng tôi mãi đến tận bây giờ.

Miền nhớ của tôi là những lần theo ba má đi gặt lúa đồng xa, đấy là cái thời nông nghiệp chưa được cơ giới hóa như bây giờ. Tầm hơn một giờ sáng má với chị hai đã dậy lui hụi nấu cơm kho cá, rồi mang để dưới khạp xuồng. Chiếc xuồng nhỏ rẽ nước dưới ánh trăng mờ ảo của những ngày gần cuối tháng. Vào đến ruộng cũng đã hơn bốn giờ sáng. Ba má, chị hai, anh ba, chị tư dàn thành một hàng ngang. Cái lưỡi hái ngọt xớt, đôi bàn tay từng người thoăn thoắt, những bó lúa theo ánh mặt trời buổi sớm cứ chạy dài thêm mãi. Tôi nhỏ nhắt ngồi trên bờ đê, ngắm nhìn những con chim én nghiêng lượn bắt mồi, những con chim lủi lâu lâu lại từ trong đám lúa bay vụt lên rồi biến mất vào trong những chân rạ khô vàng hoe.

Miền nhớ trong tôi có cánh diều vi vu gió của những ngày đầu hè, từng trang giấy báo cũ được cắt dán vuông vứt, anh ba tỉ mẫn vót từng chiếc nan tre, cái đuôi diều dán thiệt dài, thiệt đẹp. Những buổi chiều xanh mượt tiếng chim, khi màu nắng nhạt dần thì cánh đồng làng rộn vang giọng cười vui trẻ nhỏ. Chúng tôi hào hứng thi xem diều đứa nào bay cao hơn. Cỏ rơm mềm mại làm nệm cho chúng tôi ngả lưng nhìn ngắm bầu trời. Bầu trời xanh đã trở thành nơi hò hẹn, nơi quần tụ những ước mơ hồn nhiên tuổi nhỏ.

Miền nhớ của tôi còn là bến sông trong veo mỗi sáng. Khi nắng vừa tới ngọn tre, má với mấy dì ra ngồi giặt áo, những tiếng cười nói giòn tan, xôn xao bến nước quê nhà. Bầy cá lìm kìm nhỏ hóng chuyện, rủ nhau cắn bóng xà phòng, mấy cái đuôi liu riu rẽ nước. Vài khóm lục bình xanh lơ đễnh theo dòng nước trôi vào miên man ngày tháng. Cũng bến sông này ngày cưới dì út, bằng lăng bung lên tím rực một triền sông. Tôi cứ nhớ hoài cái vẫy tay của dì khi chiếc ghe bầu rời bến. Trong niềm hạnh phúc trọn vẹn của tình yêu, ngày vu quy, cũng như nhiều cô khác, út tôi cũng đã khóc, khóc vì phải xa rời vòng tay ngoại và căn nhà quen thuộc hơn hai mươi mấy năm trời. Cũng vì những giọt nước mắt ấy của dì mà suốt nhiều tháng liền, tuần nào dượng út cũng bơi xuồng đưa dì về nhà chơi với ngoại, với chị em tôi.

Trong miền nhớ của tôi có hình ảnh cả nhà ngồi quây quần bên mâm cơm chiều, ở đó có leng keng tiếng gõ bát của anh ba, có giọng cười thiệt ngọt của chị tư. Món cá rô đồng kho tộ với canh chua bông súng của má làm chị em tôi cứ hít hà. Việc đầu tiên của ba mỗi bữa cơm bao giờ cũng là gắp cho ngoại với chị em tôi mỗi người một miếng cá nạc thiệt ngon. Nồi cơm bự chảng để cạnh chị hai chẳng mấy chốc mà vơi.

Miền nhớ trong tôi có cả lần sau cùng tôi được nắm bàn tay ngoại, bà mỉm cười với tôi một nụ cười nhẹ nhõm rồi theo mây khói mờ xa. Tôi chỉ nghe nỗi đau của mình tan ra thành nước mắt... Đấy là năm tôi mười tám tuổi, cái tuổi vừa đủ để nhận ra và hiểu hết những mất mát của đời người.

Những niềm vui, nỗi buồn, những nụ cười, nước mắt. Tất cả đã dệt thành miền nhớ trong tôi. Đấy không chỉ là kỉ niệm mà đó còn là những gì thiêng liêng nhất mà tôi vẫn nâng niu và gìn giữ cho mình. Để trong cuộc hành trình phiêu định đến ngày mai tôi vẫn thầm cảm ơn cuộc đời đã cho mình một quê hương để nhớ, một gia đình để thương, và một thời tuổi thơ để trân trọng. Cũng miền nhớ ấy nhắc nhở tôi cần biết sống tình nghĩa, tròn vẹn, thủy chung, để “mỗi lần mở cửa nhà mình/lại nghe ngọn gió ân tình thổi qua”.

Nguyễn Giang San

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn