Tản văn
Chú lấy vợ
Cập nhật ngày: 16/03/2015 06:51:19
Sáng nay, cả nhà tôi rộn ràng, cười nói râm ran, mừng chú lấy vợ. Người vui nhất là ba vợ tôi. Bởi, có hơn chục lần ông cố ghép đôi để mong chú được thành gia thất, như lời đã hứa với nội trước lúc bà lâm chung. Vậy mà đã qua chục năm, chuyện cứ trớt quớt theo cái lắc đầu của chú. Mộ nội cũng bao lần cỏ xanh thay lá, chú vẫn cứ mình ên ở vậy, chịu tiếng thất hứa, tiếng cằn nhằn của anh, chị em. Đâu có ai hiểu, tại sao chú cứ thích ở vậy một mình? Cô Út thì lại chắc nịch rằng coi bộ ổng bị thất tình cái bà nào hồi còn trai trẻ.
Hổng vui sao được? Thường thì người ta bảo, 60 năm là một cuộc đời. Vậy mà, tới 60 tuổi, chú tôi mới chịu cưới vợ. Thím thì đẹp mặn mà ở cái tuổi 45. Nhà thím cả tháng nay cũng rộn ràng, không kém gì mở hội như nhà tía vợ tôi. Nhà bên ấy, cũng có ai hiểu được vì sao thím cũng chọn ở vậy mình ên như chú. Mấy ông thanh niên từng “đưa tay bứt cọng ngò”, chọc ghẹo thím hồi xưa, giờ người ta cũng có con vào đại học hết rồi. Vậy mà, thím cứ ở vậy với tía má, ngày ngày cót két, cọc cạnh với chiếc máy may cũ kỹ. Thím cũng trung thành với cái tủ kính nhỏ có mớ xà bông gội đầu, vài gói mì bán cho người trong xóm những bữa không kịp ra chợ huyện.
Nếu tính tuổi đời, tuổi nghề, đã có không ít lần chính tay thím may những bộ đồ đẹp cho các cô gái ở trong xóm đi lấy chồng xứ lạ. Lần này thấy thím vui. Chút chút ngồi ngắm lại chiếc áo mới mình tự may về nhà chồng. Lúc sáng, tôi cũng đùa với chú, dạo rày khỏi lo mặc áo cũ rồi nghen. Chú nhìn thím, quay sang tôi rồi cười kiểu con trai lần đầu về ra mắt bên vợ.
Chàng trai 60 tuổi, đi hết một cuộc đời theo quan niệm của người đời, cứ lăng xăng lít xít như trai 18 khi khoanh tay thưa cha chồng, xoa tay bà mẹ vợ bị liệt nữa người vì tai biến vẫn cố vượt qua những vướng víu của bệnh tật cười thật tươi nhìn thằng rể. Bỏ mặc những xì xầm xung quanh, giá trị gia đình của hai nhà chúng tôi cứ nghi ngút bên bàn thờ gia tiên.
Vài bữa nữa, sau ngày cưới, chú tính đem máy may của thím về đặt ở một góc nhà, gần bàn thờ của nội để thím may. Còn chú sẽ lại treo biển sữa chữa điện máy mà ông được học nghề hồi còn ở Sài Gòn. Một gia đình mới của nhà tôi sẽ được hình thành. Ai nói cuộc sống là những mảnh ghép rời rạc? Có duyên, phải phận, dẫu muộn màng cũng nên thơ cho đời.
Nam Cường