Tết quê nghèo
Cập nhật ngày: 01/02/2016 12:31:51
Nhà nghèo, xóm nghèo. Nhưng khi ấy, nhà tôi đứng đầu nghèo nhất xóm! Mưa dột ngay chỗ nằm, giữa khuya phải lui cui dậy đốt đèn, chèn lại mái nhà hoặc tìm tấm ni-long che trên nóc mùng tránh dột. Gió chướng về thông thốc, xộc vào mái nhà như muốn lục tìm và bới tung sự nghèo nàn trong gia đình tôi ngày ấy. Mẹ đi ra đi vào thở dài: Sắp tết nữa rồi...
Những ngày giáp Tết, mắt mẹ trũng sâu bởi lo toan cái Tết cho đàn con nheo nhóc, háo ăn vì nghèo. Giáp Tết, bọn trẻ chúng tôi lân la hết nhà này đến nhà khác để xem người ta làm mứt, phơi hành phơi kiệu, quết bánh phồng trong sự thèm thuồng. Tết đến với gia đình tôi rất dài, bởi mẹ không thể cùng lúc chuẩn bị các thứ cho gia đình trong một vài hôm, mà phải kéo dài cả tháng. Hôm thì mẹ mang về chục trứng, hôm lại dăm ba ký hành, hôm thì vài gram củ kiệu, hôm khác thì vài trái dừa dùng để kho thịt... Hàng xóm khi ấy cũng thương tình nghĩ đến lũ trẻ nghèo chúng tôi, nên ai có gì giúp nấy, cốt chỉ để xuân về cả xóm đều vui.
Nhà tuy nghèo nhưng không lúc nào mẹ lại để cho chúng tôi đón Tết trong sự buồn bã. Áo quần mới may mẹ mang về bảo chúng tôi mặc thử. Tôi biết mẹ rất vui khi thấy con mình được quần áo mới mặc trong 3 ngày Tết để không tủi với đám bạn trong xóm. Ngày Tết mà, mọi thứ đều mới, nhưng sao chỉ có mẹ vẫn bộ quần áo sờn nát cũ kỹ ngày nào còn bươn chãi nơi ruộng đồng, bạt phết vì màu phèn của miền quê nghèo lam lũ. Dường như tất cả những gì sung sướng nhất, tốt đẹp nhất mẹ đều nhường cho đàn con của mình.
Ngày Tết, ngày của niềm vui và hy vọng, nhưng riêng tôi sao vẫn thấy điều gì đó cay cay nơi khóe mắt của mình. Có lẽ vì thương mẹ, vì nghĩ đến mẹ, suốt một năm tảo tần nuôi con, vậy mà 3 ngày Tết mẹ cũng còn vất vả chịu đựng. Tuy nghèo, nhưng trong nhà ngày Tết mẹ vẫn lo lắng nào là nồi thịt kho tàu, dưa hành, củ kiệu, bánh mứt mẹ làm đầy đủ chưng lên bàn thờ tổ tiên ông bà, và mâm cơm đầy cúng cha. Thế đó, cảnh đón Tết nhà tôi là vậy. Nó xen lẫn cả niềm vui và chút buồn đọng lại. Nhưng xuân về Tết đến, mẹ bảo không được buồn mà phải vui lên, như thế mới gặp nhiều may mắn.
Chiều 30 Tết, gia đình tôi rước ông bà trong tình cảm mẹ con chan hòa. Bàn ăn tươm tất được dọn lên, mẹ khấn vái ông bà trong làn khói nhang nghi ngút. Rước ông bà xong, gia đình được quây quần bên mâm cơm ấm cúng. Lũ chúng tôi ăn như rồng cuộn, vì đồ ăn ngon mà, với lại đâu phải lúc nào cũng có dịp may mắn để thưởng thức món ngon như vậy. Chỉ 3 ngày Tết thôi. Cho nên tôi và thằng út ăn quá chừng, ăn đến nỗi mẹ bảo coi chừng mắc nghẹn. Đêm giao thừa đến, anh em chúng tôi chạy đi khắp xóm, được ăn ké mâm cơm giao thừa của nhà giàu và chạy ù về khoe với mẹ được ăn bánh phồng, bánh tráng của bà ba đầu ngõ, được dì Tư bên sông cho quà kẹo mang về.
Những ngày Tết, trẻ con trong xóm nghèo xúng xa xúng xính áo quần mới. Mấy đứa con nít chạy lăng xăng, nhí nha nhí nhố từ nhà này qua nhà kia, hạt dưa bánh mứt cứ bày ra đó, ai thích cứ dùng. Xóm nghèo nhưng tình nghĩa thì không nghèo. Tết đến xuân về, không khí ấm áp vui tươi trong tình làng nghĩa xóm. Những lời chúc của trẻ con, của người lớn chúc nhau, nghe mà thật ấm lòng!
Nguyễn Huy Cường